Trước trận bán kết, Iran với màn thể hiện ấn tượng trong 5 trận trước đó được đánh giá cao hơn Nhật Bản. Tuy nhiên, đội bóng của HLV Carlos Queiroz tỏ ra nóng vội. Họ thiếu đi sự bình tĩnh để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tiếp cận khung thành đối phương. Và khi không ghi được bàn thắng, Iran liền bị trả giá với những tình huống tấn công chớp nhoáng của Nhật Bản.
Cú đúp của Osako cùng pha lập công của Haraguchi là phần thưởng xứng đáng cho đẳng cấp, vị thế và bản lĩnh của Nhật Bản.
---*---
HẾT GIỜ!!!
Phút 90+3: THIẾU BÌNH TĨNH. Sau khi bị dẫn trước 0-3, cầu thủ Sardar Azmoun thiếu bình tĩnh khi anh va chạm với cầu thủ đối phương và phải nhận thẻ vàng. Ngoài ra, Nagatomo cũng nhận thẻ vàng vì lỗi phản ứng.
Phút 90+2: VÀO. Từ phá mất bóng của các cầu thủ Iran, các cầu thủ Nhật Bản cướp bóng ngay phần sân đối phương. Sau một vài chạm, Haraguchi dứt điểm lạnh lùng nâng tỷ số lên 3-0.
Phút 90+1: Thời gian càng qua đi, hy vọng với Iran càng ít đi khi họ đang bị dẫn trước 0-2.
Phút 89: THAY NGƯỜI. Ritsu Doan rời sân để nhường chỗ cho Junya Ito.
Phút 86: BỎ LỠ CƠ HỘI. Iran được hưởng quả phạt sau khi Haraguchi phạm lỗi với Mohammadi song các cầu thủ Iran không tận dụng được cơ hội.
Phút 81: Iran vẫn đang miệt mài tấn công nhưng họ thiếu tính đột biến và dễ dàng bị đối thủ hóa giải.
*** THỐNG KÊ. Nhật Bản vào bán kết ở 4/5 kỳ Asian Cup gần đây và ba trong số đó, họ giành vé vào chơi trận chung kết.
Phút 75: Cho dù bị dẫn trước hai bàn song Iran vẫn đang bất lực để triển khai thế trận tấn công. Ngược lại, Nhật Bản lại thi đấu khá thong dong.
Phút 73: THAY NGƯỜI. Nhật Bản có sự thay đổi người đầu tiên khi Hiroki Sakai nhường vị trí cho Sei Muroya.
Phút 71: LIÊN TIẾP THAY NGƯỜI. HLV Carlos Queiroz chơi canh bạc tất tay khi tung tiền đạo Goddos vào sân thay cho Dejagah còn Mahdi Torabi thay Jahanbakhsh.
Phút 67: VÀO. Trên chấm penalty, Osako nâng tỷ số lên 2-0 sau khi đánh lừa thủ môn của Iran.
Phút 66: PENALTY. Sau khi tham khảo VAR, ông vẫn quyết định thổi phạt penalty.
Phút 63: CẦN ĐẾN VAR. Trọng tài Beath nhanh chóng chỉ tay vào chấm phạt đền khi cho rằng một cầu thủ của Iran để bóng chạm tay trong vòng cấm và cần đến VAR để đưa ra quyết định cuối cùng.
Phút 61: CƠ HỘI. Từ pha đá phạt ở cự ly khoảng 30m, Jahanbakhsh thực hiện cú sút căng nhưng bị thủ thành Gonda cản phá.
***THỐNG KÊ: Đây là bàn thua đầu tiên của Iran ở Asian Cup 2019. Trong khi đó, bàn thắng ở phút 57 là pha lập công thứ 5/9 bàn của Nhật Bản diễn ra ở 15 phút đầu hiệp 2
Phút 58: THAY NGƯỜI. Sau khi nhận bàn thua, HLV Carlos Queiroz tung tiền đạo Karim vào thay tiền vệ Vahid Arimi.
Phút 57: VÀO. Từ đường lên bóng, Minamino bị đốn ngã nhưng trọng tài không thổi phạt. Các cầu thủ Iran khựng lại đầy khó hiểu và Minamino tiếp tục lấy bóng chuyền vào thuận lợi để Osako đánh đầu mở tỷ số.
Phút 52: Sau 7 phút của hiệp 2, Iran tràn lên tấn công song vẫn khá bế tắc trong việc tiếp cận khung thành của thủ môn Gonda.
Phút 46: CƠ HỘI. Ngay khi hiệp 2 bắt đầu, Iran đã tổ chức tấn công. Tiền vệ Haji Safi tung cú sút đưa bóng đi trúng tay Hirosi Sakai và hậu vệ của Nhật Bản nhận thẻ vàng. Trên chấm đá phạt, Dejagah không thể khai thông thế bế tắc.
***THỐNG KÊ: Iran và Nhật Bản từng gặp nhau ba lần trong các kỳ Asian Cup. Theo đó, đội bóng xứ sở hoa anh đào thắng 1, hòa 2 và chưa để thủng lưới bàn thua nào.
Hiệp 1: Kết thúc với tỷ số 0-0.
Phút 45+2: Iran lại có cơ hội từ pha đá phạt bên phía cánh phải nhưng họ bị dễ dàng đối thủ hóa giải.
Phút 44: THẺ VÀNG. Iran nhận thẻ vàng thứ hai trong trận đấu và lần này thuộc về Ebrahimi.
Phút 40: Cả Iran lẫn Nhật Bản đều đang tổ chức thế trận chặt chẽ khiến rất ít cơ hội được tạo ra trước khung thành của hai thủ môn.
Phút 36: Iran liên tục phạm lỗi. Mới phút 36 song họ đã có 11 lần bị trọng tài cắt còi vì phạm lỗi đối phương.
Phút 33: Nhật Bản vẫn đang tổ chức phòng ngự chặt chẽ khiến các cầu thủ Iran khó triển khai thế trận tấn công.
***Thống kê chỉ ra rằng, Iran đang là đội ghi nhiều bàn thắng nhất trong 45 phút đầu tiên với 8 pha lập công. Trong khi đó, Nhật Bản lại 2 lần để thủng lưới thời điểm trước giờ giải lao.
Phút 24: THẺ VÀNG. Vahid Amiri có pha phạm lỗi nguy hiểm với Sakai và nhận thẻ vàng từ trọng tài Christopher Beath.
Phút 23: NGUY HIỂM: Sau pha phối hợp ở tốc độ cao, Sardar Azmoun đi qua hai hậu vệ đối phương rồi xỉa bóng vào góc xa song thủ môn Gonda đã cản phá thành công.
Phút 19: Nhật Bản đang thi đấu khá linh hoạt và khiến Iran cuốn theo lối chơi của họ. Sau khi chủ động lùi sâu, Samurai xanh nhanh chóng lấy lại thế trận và đẩy Iran vào thế chống đỡ.
Phút 17: CƠ HỘI. Từ pha đá phạt góc của Shibasaki, Maya Yoshida đánh đầu đưa bóng đi chệch khung thành. Đây là pha dứt điểm đáng chú ý đầu tiên ở trận đấu này.
Phút 12: Sau khởi đầu đầy hứng khởi, Nhật Bản chủ động lùi sâu về phần sân nhà với thế trận phòng ngự phản công. Đây là điều không quá bất ngờ khi chính lối chơi này, đội bóng xứ sở hoa anh đào đã hạ Saudi Arabia và Việt Nam ở vòng knock-out.
Phút 5: Ngay những phút đầu trận đấu, Iran và Nhật Bản đều nhập cuộc với thế trận cởi mở, cả hai đều tràn lên tấn công hòng tìm kiếm lợi thế trước.
*** Trước vòng bán kết Asian Cup 2019, Iran cùng Qatar là hai đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất (cùng 12 bàn) và không để thủng lưới bàn thua nào.
Phút 1: Hiệp 1 bắt đầu. Nhật Bản giao bóng
Trước khi Asian Cup 2019 khởi tranh, Iran và Nhật Bản là hai đội bóng được đánh giá cao nhất. Và sau khi kết thúc các trận tứ kết, các nhà cái đưa ra tỷ lệ về khả năng vô địch cho hai đội bóng này. Theo đó, nếu đặt cược Iran vô địch, tỷ lệ là 1 ăn 1.90 còn với Nhật Bản là 1 ăn 3.50.
Tỷ lệ này của hai đội bỏ xa cặp đấu còn lại khi Qatar đặt 1 ăn 5.00 còn UAE đặt 1 ăn 9.00. Điều này cho thấy, đội bóng nào giành chiến thắng ở cặp đối giữa Iran và Nhật Bản có khả năng rất lớn để nâng cao chức vô địch.
Con đường đến với trận bán kết của thầy trò HLV Carlos Queiroz khá suôn sẻ. Họ kết thúc bảng D với ngôi đầu bảng khi thắng Yemen 5-0, hạ Việt Nam 2-0 và bị Iraq cầm chân với tỷ số 0-0. Ở hai trận thuộc vòng knock-out, Iran thắng Oman 2-0 và thắng Trung Quốc 3-0.
Trong khi đó, Nhật Bản giành cả 5 chiến thắng và đều xảy ra với tỷ số sít sao. Họ thắng Turkmenistan 3-2, Oman 1-0 và Uzbekistan 2-1 ở vòng bảng. Bước sang vòng knock-out, đội bóng của HLV Moriyasu hạ Saudi Arabia (vòng 1/8) và Việt Nam (tứ kết) đều với tỷ số 1-0.
Tình hình lực lượng:
Iran sẽ không có sự phục vụ của chân sút Taremi khi cầu thủ này nhận đủ 2 thẻ vàng còn Nhật Bản có đầy đủ đội hình mạnh nhất.