F1 tìm “ánh sáng cuối đường hầm”

thứ ba 19-5-2015 21:41:33 +07:00 0 bình luận
Trước tình trạng tỷ lệ người xem sụt giảm nghiêm trọng, F1 không có lựa chọn nào khác là phải tự làm mới mình bằng một cuộc “đại phẫu” quy mô chưa từng có.

xe

Đại phẫu

Đưa trở lại việc tiếp nhiên liệu giữa chặng, cho các đội tự do lựa chọn loại lốp đua và tăng tốc độ, giảm thời gian mỗi vòng đua 5 – 6 giây là những điểm đáng chú ý nhất trong cuộc họp quan trọng của các “cự đầu” làng F1 hồi giữa tuần trước.

Ngay trong năm 2016, các đội sẽ được phép lựa chọn loại lốp mình muốn trong các chặng. Từ năm 2017, việc tiếp nhiên liệu giữa chặng sẽ chính thức trở lại. Đây là một quyết định khá khó hiểu bởi khi quyết định từ bỏ việc tiếp nhiên liệu, Liên đoàn đua xe quốc tế (FIA) đã đưa ra lý do rất rõ ràng và xác đáng là để “tiết kiệm chi phí vận chuyển thiết bị cũng như khuyến khích nhà sản xuất động cơ phát triển việc tiết kiệm sử dụng nhiên liệu (để giảm trọng lượng xe)”. Việc tiếp nhiên liệu trở lại chắc chắn không có lợi cho những vấn đề kể trên. Đặc biệt, nó nhiều khả năng sẽ tăng chi phí của các đội về nhân sự cũng như về vận tải, trong thời điểm làng F1 đang gặp khó khăn không nhỏ về tài chính.

Tuy nhiên, việc này cũng có mặt tốt là giảm trọng lượng xe, đồng nghĩa với giảm tải áp lực cho bộ phanh hiện đang luôn trong trạng thái tới hạn ở mỗi chặng đua, đồng thời cũng khiến việc điều khiển chiếc F1 trở nên khó khăn với các tay lái.

“Nhóm chiến lược” của làng F1 cũng quyết định tăng tốc độ của xe. Mục tiêu là giảm thời gian mỗi vòng đua từ bốn đến năm giây thông qua sửa đổi điều luật khí động học, sử dụng lốp rộng hơn và giảm trọng lượng của xe. Trong năm 2017, động cơ của F1 cũng sẽ được tăng vòng tua, tăng tiếng ồn. F1 cũng sẽ cấm hoàn toàn những hỗ trợ bên ngoài với các tay lái ở cú xuất phát.

Những hệ lụy

Trên cơ bản, những thay đổi kể trên xem ra có thể cải thiện tính hấp dẫn của môn thể thao tốc độ này. Nhưng cái gì cũng có giá của nó.

Cuộc họp lần này có mặt FIA, đại diện các đội đua lớn, những người nắm quyền thương mại của F1 cũng như các nhà sản xuất động cơ. Thế nhưng, những đội đua nhỏ thì không được phép có mặt. Thế nên, cũng dễ hiểu khi quyền lợi của họ không được bảo vệ.

Việc tiếp nhiên liệu giữa chặng, thay đổi điều lệ về khí động học hay tăng sức mạnh động cơ đều có chung một đặc điểm: Tăng chi phí. Đây là áp lực nặng nề với các đội đua nhỏ, vốn đang ở cảnh sống dở chết dở.

Thông báo của “nhóm chiến lược” cũng có đề cập sơ qua việc ý tưởng giảm chi phí được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, ngoài vài câu nói sáo rỗng thì chưa có thêm bất cứ thông tin cụ thể nào.

Ai cũng hiểu một điều là các đội đua lớn của làng F1 không mặn mà, thậm chí phản đối quyết liệt việc giảm chi phí này bởi điều đó đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa lợi thế cạnh tranh lớn nhất của họ là có… nhiều tiền.

Mâu thuẫn của làng F1 đang được đẩy đến cực điểm khi một bên là nỗ lực sinh tồn của kẻ không có gì để mất và một bên là quyền lợi của kẻ vừa có tiền vừa có quyền.

LONG NGUYỄN

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm