Công thức 1: Cuộc đấu của những ông trùm

thứ ba 22-12-2015 3:52:02 +07:00 0 bình luận
Tối hậu thư của Ferrari thực ra chỉ là bề nổi của cuộc đấu tranh quyền lực giữa những ông trùm đang tìm mọi cách chi phối giải đấu có trị giá hơn 1,6 tỷ USD mỗi năm.

Một bên là Ferrari với trợ thủ Mercedes đang ngày càng chiếm ưu thế nhờ giá trị của mà động cơ turbo V6. Một bên là cáo già Ecclestone với sự ủng hộ của chủ tịch FIA Jean Todt. Khác với cuộc cạnh tranh trong mùa giải 2015 vừa qua, kết quả của cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai của F1 trong nhiều năm tới.

Những diễn viên phụ

Dietrich Mateschitz, chủ tịch của hãng đồ uống Red Bull từng muốn tham gia cuộc chơi này bằng cách bắt tay với Ecclestone chống lại Ferrari và Mercedes. Kết quả, đội đua của ông không thể nào tìm được động cơ mới cho mùa giải sau, phải chấp nhận dùng động cơ Renault thiếu tính cạnh tranh. Cơ hội vô địch mùa tới của Red Bull gần như bằng không, và đó cũng là bài học xương máu cho những ai “sức yếu mà vẫn muốn ra gió”.

Diễn viên phụ đầu tiên của cuộc chiến quyền lực này chính là chủ tịch FIA Jean Todt. Từng là cựu giám đốc điều hành đội đua Ferrari, Todt với kinh nghiệm của mình chắc chắn sẽ có nhiều tư vẫn xác đáng cho Ecclestone. Ông cũng là người đứng đầu cơ quan làm luật F1 là FIA.

Tuy nhiên, Todt là một chủ tịch khá im hơi lặng tiếng. Dù ủng hộ tỷ phú người Anh nhưng Todt chủ yếu dành hết tâm lực cho chiến dịch an toàn lái xe mà ông cùng bạn gái, diễn viên Dương Tử Quỳnh là những người tiên phong.

Trong khi đó, người được cho là đứng đằng sau, thực sự bày mưu tính kế cho Ecclestone là cựu chủ tịch FIA Max Mosley. Cặp bài trùng này từng thao túng toàn bộ F1 đến trước khi Mosley bị mất chức năm 2009. Không nắm thực quyền nhưng là người rành cuộc chơi F1 đến chân tơ kẽ tóc và quá am hiểu cách làm luật của FIA, Mosley chính là kiến trúc sư cho những bước đi gần đây của Ecclestone.

Phía bên kia chiến tuyến là Toto Wolff, giám đốc điều hành đội đua Mercedes. Mới 43 tuổi nhưng ông đang nắm trong tay đội đua số một và nhà cung cấp động cơ số một làng F1. Tài năng và tiếng nói của Wolff là sự hỗ trợ cực kỳ quan trọng cho Ferrari trong cuộc chiến chống Ecclestone. Tuy nhiên, vấn đề là Wolffn không hoàn toàn nắm quyền tại đội Mercedes. Ông chịu sự chi phối của ban lãnh đạo hãng xe Đức và đây là điểm yếu mà Ecclestone đang tìm cách tận dụng. Đó có lẽ cũng là một phần lý do Mercedes chấp nhận núp bóng Ferrari trong lần tranh chấp này.

Marchionne vs Ecclestone

Đây là hai nhân vật chính của cuộc đấu giành quyền kiểm soát F1. Marchionne nắm trong tay quyền sinh sát tại hãng Ferrari. Trong khi đó, Ecclestone là người chi phối F1 trong vài thập niên trở lại đây.

Marchionne nổi tiếng cứng rắn. Ông chính là người “đá đít” Di Montezemolo khỏi chức chủ tịch Ferrari sau 23 năm gắn bó. Dù chỉ vài lần lên tiếng về đội F1, nhưng người đàn ông mang hai dòng máu Canada và Italia đã khiến làng F1 khiếp vía vì phong cách không khoan nhượng. Một lãnh đạo của F1 từng miêu tả biểu hiện của Marchionne trong cuộc họp là “rắn đến mức tàn bạo”. Tuy nhiên điểm yếu của ông này là không có mấy kinh nghiệm ở thể thức đua xe danh giá này.

Bộ đôi quyền lực của F1: Marchionne (trái) và Ecclestone

Trong khi đó, Ecclestone là ma xó của làng F1. Tất cả các cuộc khủng hoảng liên quan đến F1, dù to dù nhỏ thì cũng đều chỉ được giải quyết khi Ecclestone nhúng tay vào. Khôn ngoan, lọc lõi và biến báo, ông được xem là “chúa nhẫn” của cuộc chơi này.

Marchionne mong F1 nằm gọn trong tay những nhà cung cấp động cơ, Ecclestone không chấp nhận để cuộc chơi ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Làng đua xe đang gồng mình chờ đợi một mùa đông nóng bỏng, nơi mà hai nhân vật siêu quyền lực và giàu cá tính sẽ quyết đấu để xem ai mới là ông chủ thực sự của F1.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm