Cách làm F1 của Singapore

thứ ba 15-9-2015 16:47:37 +07:00 0 bình luận
Không mấy nước dám bỏ ra gần 150 triệu USD để tổ chức một chặng đua F1 kéo dài 3 ngày. Cũng chẳng mấy ai kiếm được tiền từ một phi vụ như thế. Nhưng những điều đó không thể làm khó Singapore.

Trước khi quyết định bắt tay làm F1, người Sing đã vời đến công ty tư vấn hàng đầu thế giới Boston Consulting Group (BCG). BCG đánh giá chặng F1 sẽ đem lại cho đất nước này cỡ 1 tỷ USD thu nhập kinh tế trực tiếp và 1 tỷ USD gián tiếp từ hoạt động du lịch và đầu tư có được liên quan đến sự kiện này trong vòng 1 thập kỷ.

Đến thời điểm này, thành quả mà chặng F1 đem lại thậm chí còn hơn những gì BCG dự đoán.

Nhà nước và tư nhân cùng làm

Điểm đáng chú ý là Singapore GP được tổ chức dưới sự bắt tay của chính quyền và tài phiệt địa phương.

Với tỷ lệ 60/40, chính phủ Singapore và tỷ phú Ong Beng Seng ăn chia sòng phẳng chi phí và lợi nhuận. Điều này vừa giảm áp lực cho chính phủ về tài chính cũng như chính trị, vừa giúp sự kiện này được tổ chức chuyên nghiệp dưới sự thúc đẩy của giới tư bản giàu có.

Cách làm F1 của Singapore
Tỉ phủ Beng Seng (phải) và ông trùm F1 Ecclestone.

Ong Beng Seng sở hữu hàng loạt bất động sản, khách sạn hàng đầu Singapore. Ông này cũng ăn sâu bám rễ với làng F1 khi là nhà phân phối xe Ferrari tại Singapore và Thượng Hải (Trung Quốc). Càng đáng nói hơn khi Ong Beng Seng là ông chủ của Lushington Entertainments, một trong những công ty tổ chức sự kiện âm nhạc lớn và thành công nhất châu Á.

Sự kiện F1 tại Singapore hội tụ đầy đủ những thế mạnh của tỷ phú này. Nó vừa là một sự kiện du lịch chính trong năm, vừa là nơi quảng cáo xe hoành tráng, kết hợp với những show âm nhạc đình đám.

Theo thống kê, số khách du lịch đến đảo quốc Sư tử tăng 12% trong những ngày diễn ra chặng đua. 260.000 người đã mua vé vào xem 3 ngày đua, trong đó 40% là khách nước ngoài. Họ không chỉ đến để chứng kiến Alonso hay Hamilton, mà còn có hội xem những ngôi sao ca nhạc như Pharrell Williams, Maroon 5 hay Bon Jovi biểu diễn.

Với giới kinh doanh, đây cũng được xem là cơ hội bằng vàng. Không có con số cụ thể bao nhiêu hợp đồng đã được ký kết qua sự kiện này, nhưng khu khách VIP của trường đua luôn đầy đủ các gương mặt đại diện cho các công ty, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới.

Bắt chẹt ông trùm Ecclestone

Không mấy người ép được ông trùm thương mại của làng F1, nhưng Bernie Ecclestone đã phải “thất thủ” trước sự khôn ngoan và chi li của người Sing. Sau khi kiếm được 50 triệu USD/năm tiền phí tổ chức trong hợp đồng 5 năm đầu với Singapore, tỷ phú người Anh bước vào cuộc đàm phán gia hạn 5 năm hợp đồng (thời điểm 2012) với hy vọng kiếm chác thêm.

Cách làm F1 của SingaporeNhưng ông mau chóng méo mặt khi Bộ trưởng thứ hai của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore S.Iswaran đưa ra một loạt báo cáo về chi phí mà nước này phải bỏ ra để bồi hoàn cho những cửa hàng phải tạm đóng cửa, phí bảo tồn cây xanh, đường xá do tác hại của chặng F1. Singapore đồng ý bỏ ra 50 triệu USD như trước, nhưng bắt Ecclestone phải bồi hoàn số tiền mà “hội chứng F1” gây ra.

Sức ép quá lớn của các nhà tài trợ, được hưởng lợi ích đáng kể từ sự kiện được tổ chức hoàn hảo này khiến Ecclestone phải bấm bụng đồng ý. Kết quả này cùng với kinh nghiệm tổ chức thu được giúp người Sing giảm được 20% chi phí tổ chức.

120 triệu USD cho 3 ngày sự kiện luôn là con số… điên rồ. Nhưng dưới bàn tay tài tình, người Sing đã biến nó không chỉ trở thành khoản đầu tư sinh lãi trực tiếp, mà còn đem hình ảnh một Singapore thịnh vượng và là thủ đô kinh tế của châu Á đi khắp thế giới.

LONG NGUYỄN

Singapore Grand Prix giờ được coi là một trong những sự kiện được giới kinh doanh châu Á chờ đợi nhất trong năm.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm