Hỏa lực tấn công của ĐT Đức đã được khôi phục khi Thomas Mueller tìm lại duyên ghi bàn. Thế nhưng, sức mạnh ấy cũng xây dựng từ chính các cầu thủ phòng ngự.
Tại EURO 2016, đội tuyển Đức chỉ ghi được 7 bàn sau 6 trận, hiệu suất thấp so với tiềm lực của nhà đương kim vô địch thế giới. Tuy nhiên, tình hình đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực khi thầy trò Joachim Loew bước vào vòng loại World Cup 2018. Chỉ sau 2 lượt trận, các chân sút của “Cỗ xe tăng” đã ghi tới 6 bàn.
Tiền đạo chủ lực Thomas Mueller đã khôi phục bản năng “sát thủ” nhưng cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ tuyệt vời từ các nhân tố ở phía sau. 3/6 bàn thắng mà Die Mannschaft ghi được thuộc về các cầu thủ phòng ngự, tỷ lệ cho thấy tầm quan trọng của hàng thủ trong việc hỗ trợ tấn công.
Trước Na Uy, hậu vệ phải Joshua Kimmich ghi bàn thắng thứ hai. Cũng chính tài năng trẻ này kiến tạo để Toni Kroos lập công ở trận gặp CH Czech. Bên hành lang đối diện, Jonas Hector cũng có đường căng ngang giúp Mueller hoàn tất cú đúp.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa phản ánh đầy đủ những đóng góp từ hàng thủ nếu biết rằng vai trò của cặp trung vệ Mats Hummels và Jerome Boateng là vô cùng quan trọng. Không quá khi nói tuyển Đức đang có những cầu thủ kiến tạo ngay từ phía trước khung thành, theo phong cách phát triển tấn công ngay từ phía dưới tại Bayern Munich dưới triều đại Pep Guardiola.
Thống kê đã chỉ ra tầm ảnh hưởng rất lớn của bộ đôi đang khoác áo Bayern. Trong khi Hummels có tới 127 lần chạm bóng trong trận gặp CH Czech thì đối tác Boateng là 94. Điều đó có nghĩa, tổng số lần tiếp xúc bóng của cả hai trung vệ này (221) bằng gần một nửa so với toàn đội hình đối phương.
Đáng chú ý hơn, cả Hummels và Boateng đều sử dụng những đường chuyền dài sở trường của mình để đưa bóng lên phía trên. Điều này nhằm đối phó với hàng tiền vệ số đông của CH Czech luôn tìm cách gây áp lực cao, đồng thời triển khai tấn công nhanh nhờ mức độ chính xác và khả năng xử lý tốt ở phía trên. Ở bàn mở tỷ số, chính Hummels thực hiện đường chuyền khoảng 30 mét để phát động tấn công.
Dưới thời Pep Guardiola, các hậu vệ của Bayern luôn được khuyến khích phát động tấn công. Điều này phù hợp với triết lý phát triển lối chơi ngay từ các cầu thủ phòng ngự của nhà cầm quân người Tây Ban Nha. Những đường chuyền dài là đặc trưng của Hummels từ Dortmund nay được cả Carlo Ancelotti lẫn Joachim Loew khai thác triệt để.
Nếu trước đây những đường chuyền dài là điều cấm kị đối với một HLV theo trường phái tiqui-taca như Guardiola là thì nó đã trở nên thịnh hành dưới thời Ancelotti. Thay vì chuyền ngắn để khởi động cho một đợt tấn công, những trung vệ có khả năng phất bóng chính xác cao như Hummels, Boateng được chấp nhận chuyền dài vượt tuyến.
Loew đã sử dụng thứ vũ khí này từ lâu ở đội tuyển và nay sự kết hợp giữa Hummels và Boateng càng trở nên tốt hơn khi cả hai thành đồng đội tại CLB.