Khi quả bóng "Telstar 18" bắt đầu lăn trên các sân cỏ World Cup 2018 cũng là lúc mọi sự chú ý sẽ hướng về ĐT Nga. Không phải vì họ là chủ nhà. Cũng không phải vì họ sở hữu một số cầu thủ "khá xuất sắc" như Dzagoev, Igor Akinfeev, Golovin… mà chỉ đơn giản là do sự ngờ vực.
Chưa bao giờ đội tuyển Nga, và trước đây là Liên Xô, bước vào một giải đấu lớn trong tình hình tệ hại như hiện nay, với vị trí thấp nhất trong lịch sử trên bảng xếp hạng FIFA (70) và trải qua 7 trận liên tục mà không giành được chiến thắng.
Vậy thì liệu "Sbornaya" có trở thành đội chủ nhà thứ hai, sau Nam Phi vào năm 2010, bị loại ngay từ vòng bảng trong lịch sử World Cup?
Tuyển Nga bước vào World Cup với thứ hạng trên BXH FIFA còn kém cả đối thủ ở trận mở màn Saudi Arabia
Càng ngờ vực về đội tuyển Nga bao nhiêu thì càng tiếc nuối cho thời hoàng kim của họ bấy nhiêu, đặc biệt là trong những năm 80 của thế kỷ trước, khi dòng chữ CCCP trên ngực áo của các cầu thủ Liên Xô đã quá đỗi quen thuộc và thân thương với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Đó cũng là thời điểm lần đầu tiên người hâm mộ bóng đá ở nước ta được xem truyền hình trực tiếp các giải đấu lớn. Tôi còn nhớ như in những đêm ngồi thấp thỏm bên TV, có khi chỉ là màn hình đen trắng với kích thước còn nhỏ hơn cả chiếc iPad Air hiện tại, để chờ tín hiệu từ nhà đài. Nếu có tín hiệu, cả xóm hò reo nếu không thì đành buồn thiu đi ngủ.
Và tất nhiên, đó cũng là lần đầu tiên thế hệ chúng tôi có dịp biết đến bóng đá Liên Xô, dù trước đó từng được nghe đến chức vô địch EURO 1960 hay thủ môn huyền thoại Lev Yachine giành Quả bóng vàng năm 1963, điều cho đến giờ chưa thủ môn thứ hai làm được.
ĐT Liên Xô cũ (CCCP) từng là thế lực của bóng đá châu Âu và thậm chí tại World Cup với nhiều hảo thủ
Thời đó, không chỉ các nhà báo mà ngay cả những người hâm mộ ở nước ta cũng có thể đọc thuộc lòng tên của các cầu thủ trong đội hình xuất phát của Liên Xô tại World Cup 1986, như cách họ từng nhớ như in đội hình của Brazil năm 1982 hay Pháp năm 1984.
Igor Belanov, Aleksandr Zavarov, Ivan Yaremchuk, Oleg Kuznetsov… đã trở nên quá quen thuộc với người Việt Nam. Họ, những thành viên của CLB Dynamo Kiev lừng lẫy đã đá bại Atletico Madrid (3-0) ở trận chung kết Cúp C2 và cho đến nay đó vẫn còn nguyên vẹn như một trong những khoảnh khắc hạnh phúc thuần khiết nhất mà bóng đá hiếm khi sản sinh.
Bên cạnh niềm vui, tất nhiên, cũng có cả những giọt nước mắt, như khi Liên Xô bị Bỉ loại ở vòng 2 World Cup 1986 tức tưởi sau 120 phút (3-4) và khi Zavarov và các đồng đội bại trận trước Hà Lan (0-2) trong trận chung kết EURO1988.
Bóng đá Liên Xô đã chinh phục NHM qua những khoảnh khắc như thế.
Nhưng bây giờ chúng ta buộc phải nhìn đội tuyển Nga dưới một lăng kính khác bởi kể từ khi Liên Xô tan rã, việc vượt qua vòng bảng ở các kỳ World Cup đã trở thành mục tiêu phấn đấu mà chưa một lần thành công của "Sbornaya".
Sau "thời kỳ CCCP", bóng đá Nga có thể sản sinh ra những quái kiệt như Onopko, Kalchelskis, Mostovoi, Karpin hay đặc biệt là Oleg Salenko - người lập kỷ lục ghi 5 bàn/trận đấu ở World Cup, khi Nga vùi dập "sư tử bất khuất" Cameroon tới 6-1 tại USA 94', nhưng vinh quang trong quá khứ vẫn là điều gì đó xa vời.
Salenko dù đã ghi 5 bàn/trận và giành "chiếc giày vàng World Cup 1994" thì Nga vẫn bị loại ở vòng bảng
Ba thế kỷ sau những đêm Hè Espana 82' hay Mexico 86', mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi. CĐV Việt Nam không còn phải thấp thỏm trước màn hình TV đen trắng chờ đợi tín hiệu trận đấu nữa.
World Cup, và bóng đá, đã tiến một bước dài phát triển, không chỉ mỗi việc số đội tham dự giải lên tới con số 32 và tới đây sẽ còn là 48.
Cũng không còn dòng chữ CCCP trên ngực áo các cầu thủ mà thay vào đó Quốc huy của Liên bang Nga. Thông tin giờ xuất hiện ngập tràn các phướng tiên truyền thông và với 1 chiếc smartphone bạn có thể dễ dàng tìm hiểu mọi thứ về ĐT Nga. Nhưng chắc sẽ khó có NHM Việt nào có thể đọc vanh vách tên những "ngôi sao" trong đội hình Nga hiện tại.
"Sbornaya" đã rơi xuống tận cùng của nỗi thất vọng. Giờ thì họ có thể bước qua sự ngờ vực để ít nhất đặt chân vào vòng knock-out một kỳ World Cup, dưới danh nghĩa ĐT Nga?