Việc Messi bất ngờ bị treo giò 4 trận khiến Argentina có nguy cơ sẩy chân ở sân bóng La Paz có độ cao hơn 3.600m so với mực nước biển cao hơn bao giờ hết.
Chỉ 6 giờ trước khi diễn ra trận đấu giữa Bolivia và Argentina tại vòng loại World Cup 2018, Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA bất ngờ công bố án phạt treo giò Lionel Messi 4 trận vì hành vi lăng mạ trọng tài biên Marcelo Van Gasse ở trận thắng Chile vào cuối tuần trước.
Quyết định mạnh tay của FIFA khiến Messi phải vắng mặt trong 4 trận đấu kế tiếp của ĐT Argentina tại vòng loại World Cup 2018 gặp Bolivia (28/03), Uruguay (31/08), Venezuela (05/09) và Peru (05/10). Tổn thất này chắc chắn sẽ gây ra không ít khó khăn cho Albiceleste trong chuyến làm khách đến Bolivia để thi đấu ở sân bóng có độ cao hơn 3.600m so với mực nước biển.
Phong độ không tốt của Messi khi lên “trời” đá bóng được thể hiện rõ ràng ở việc anh chỉ có 1 pha lập công duy nhất khi ĐT Argentina thất bại trước Colombia ở Bogota vào năm 2007.
Điều tương tự cũng xảy ra ở các trận còn lại khi Argentina sẩy chân trước Bolivia và Ecuador. Dưới sự dẫn dắt của Diego Maradona, “các vũ công Tango” bất ngờ thua trắng 2 bàn trước Ecuador tại vòng loại World Cup 2010. Albiceleste cũng buộc phải chia điểm với Bolivia và Ecuador trong 2 lần làm khách trên sân đối thủ tại vòng loại World Cup 2014.
Nhưng thất bại đau đớn và tủi hổ nhất của Argentina khi chơi bóng trên trời phải kể đến trận thua lịch sử 1-6 trước Bolivia tại vòng loại World Cup 2010, trận thua đậm nhất của “các vũ công xứ Tango” kể từ thất bại 0-5 trước Colombia tại vòng loại World Cup 1994.
Thất bại gây sốc này khiến nhiều cầu thủ Argentina bị suy sụp nặng, bao gồm cả Messi. Ngôi sao Argentina đổ lỗi cho việc phải thi đấu ở độ cao hơn 3.600m so với mực nước biển khiến nhiều cầu thủ Argentina bị ngộp thở và xuống sức nhanh chóng vì không khí quá loãng.
Chính Messi đã phải nôn khan trong giờ nghỉ giải lao và thi đấu vật vờ trong quãng thời gian còn lại của trận đấu. Tình cảnh tương tự tiếp tục xảy ra tại vòng loại World Cup 2014, Messi nôn khan ngay trên sân, còn Angel di Maria thậm chí còn phải sử dụng cả bình thở oxy để chống chịu với điều kiện không khí loãng tại La Paz.
Thực tế, FIFA từng ra lệnh cấm tổ chức các trận đấu ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển vì điều kiện không khí quá loãng tại đây sẽ ảnh hưởng cực nghiêm trọng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của cầu thủ.
Không nói đâu xa, chỉ 4 tháng sau khi ĐT Argentina bị cầm chân ở Bolivia tại vòng loại World Cup 2014, cầu thủ 18 tuổi người Peru, Yair Clavijo đã qua đời ngay trên sân vì tái phát bệnh tim khi vận động mạnh trong điều kiện không khí loãng.
Mặc dù vậy, FIFA vẫn phải rút lại lệnh cấm trên trước sự phản đối dữ dội của các quốc gia có sân bóng ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển như Bolivia hay Peru.
Trước tình thế này, không ít đội bóng phải nghĩ ra độc chiêu để chống lại điều kiện không khí loãng ở những "sân bóng trên trời", ví như BLĐ San Lorenzo (Argentina) từng cho cầu thủ sử dụng viagra trước khi đá bán kết lượt về Copa Libertadores với CLB Bolivar trên sân bóng hơn 3.600m tại La Paz.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng, chúng ta không thể đá bóng ở nơi đó”, Messi chia sẻ sau thảm bại trước Bolivia vào năm 2009, “Thật khủng khiếp khi phải chơi bóng tại La Paz. Một số đồng đội của tôi đã cảm thấy chóng mặt và đau đầu trước từ trước khi ra sân. Tôi thì chỉ cảm thấy khó thở khi phải chạy trên sân".
Trùng hợp ở chỗ, Bolivia gây sốc trước Argentina khi họ đang xếp áp chót trên bảng xếp hạng vòng loại World Cup 2010. Bây giờ, Bolivia cũng chỉ xếp trên Venezuela tại vòng loại World Cup 2018, trong khi Argentina mới vươn lên xếp thứ 3.
Liệu đội chủ nhà có thể tiếp tục khiến Argentina gặp ác mộng ở trận đấu vào đêm nay?