Ở hiệp 4, trận đấu giữa THCS Wellspring và THCS Ngọc Lâm, VĐV Trần Lê Gia Khánh bên phía đội chủ nhà bị thổi lỗi kỹ thuật vì có những phát ngôn thiếu cân nhắc. Đây cũng là tình huống lỗi cá nhân thứ năm khiến Khánh bị truất quyền thi đấu.
Sau trận đấu, VĐV Gia Khánh tỏ ra hối hận và được HLV trưởng dẫn đi xin lỗi trọng tài Lê Quang Sáng. Trọng tài Quang Sáng từ tốn giải thích cho Gia Khánh lỗi sai để em sửa chữa trong tương lai. Một trận đấu căng thẳng kết thúc bằng cái bắt tay thân thiết giữa trọng tài và cầu thủ.
Chia sẻ về sự việc, trọng tài Lê Quang Sáng cho biết tình huống căng thẳng hoàn toàn có thể khiến các em nổi nóng. Điều quan trọng là các em sẽ rút ra được bài học gì sau khi trọng tài thổi lỗi: "Các em còn nhỏ quá, có thể còn chưa ý thức được việc mình làm là lỗi, là sai. Mình phải giải thích để các em hiểu ra, sau này không tái phạm nữa. Chuyện này rất bình thường".
Trong bóng rổ học đường, vai trò của huấn luyện viên được tôn lên như một người thầy giáo, cô giáo dạy dỗ, uốn nắn cho các vận động viên. Tuy nhiên, vai trò của các trọng tài trong việc giáo dục các cầu thủ trẻ cũng quan trọng không kém. Tại Vietnam Students Basketball League, những người cầm cân nảy mực đều được quán triệt tư tưởng này.
"Đối với bóng rổ ở lứa tuổi trẻ, yếu tố giáo dục được đặt lên hàng đầu", trọng tài Bùi Quang Huy khẳng định. "Bên cạnh việc điều hành trận đấu một cách công tâm, trung thực, chúng tôi sẽ luôn hướng dẫn, nhắc nhở, giải thích để các em sai sót ở đâu, mắc lỗi gì để các em rút ra kinh nghiệm".
Với các trọng tài, dĩ nhiên yếu tố công bằng và chính xác luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng họ cũng chính là những người được các cầu thủ trẻ nhìn vào nhiều nhất. Những trọng tài gương mẫu, biết lắng nghe và chia sẻ sẽ có tác động vô cùng tích cực tới sự phát triển của những vận động viên đang ở trong giai đoạn hình thành nhân cách.