Khi nhắc tới giải bóng rổ học sinh, người ta mặc định rằng giải đấu đó sẽ diễn ra ở một địa điểm tập trung và các đội sẽ thi đấu trong bầu không khí phần nhiều là tĩnh lặng vì thiếu khán giả. Không chỉ bóng rổ học sinh, ngay cả bóng rổ chuyên nghiệp trước thời VBA và nhiều môn thể thao tập thể khác như bóng chuyền, bóng ném... đều rơi vào tình cảnh tương tự.
Tuy nhiên, Vietnam Students Basketball League đã mang tới một sự thay đổi lớn trong tư duy tổ chức các giải đấu. Tại VSBL 2020, các vận động viên được thi đấu ngay trên chính mặt sân trường quen thuộc, dưới sự cổ vũ của đông đảo cổ động viên. Có thể nói, Giải Bóng rổ Học sinh Trung học Cơ sở năm 2020 đã đem bầu không khí bóng rổ cuồng nhiệt tới từng ngôi trường.
"Cổ vũ ngay trên sân trước đem lại cảm giác rất khác so với cổ vũ ở sân trung lập", em Phương Anh, học sinh trường THCS Cầu Giấy bày tỏ. "Chúng em có cảm giác mình nắm quyền chủ động trên sân vì mọi người đều có cảm giác thân thuộc với ngôi trường này. Hôm qua, chúng em đã lên facebook kêu gọi và thu hút rất nhiều học sinh cũng như cựu học sinh đến đây".
Như một lẽ đương nhiên, việc thi đấu trước mắt đông đảo khán già nhà sẽ khiến các cầu thủ thi đấu nhiệt huyết hơn. Trong ngày khởi tranh của VSBL, hai đội chủ nhà Cầu Giấy và Thực Nghiệm đều lội ngược dòng thành công, bất chấp việc thi đấu chuệch choạc ở hiệp đầu tiên.
"Trước đây, khi thi đấu ở các sân tập trung, chẳng mấy khi bọn em có cổ động viên tới theo dõi. Nhưng nay được thi đấu ở sân nhà, sân đấu em đã gắn bó 4 năm cuộc đời, cảm giác dễ đánh hơn rất nhiều", Phạm Đức Minh, đội trưởng của THCS Cầu Giấy nhận xét. "Sự cổ vũ của các khán giả, phụ huynh đã truyền lửa để chúng em thi đấu tốt hơn".
Sự cổ vũ của người hâm mộ đội chủ nhà cũng khuyến khích các cổ động viên ... đội khách. Sau khi chứng kiến đội Lê Quý Đôn thua trên sân Cầu Giấy, một vị phụ huynh dõng dạc tuyên bố: "Lần sau phải huy động thêm nhiều anh chị nữa, chứ hôm nay lép về hoàn toàn rồi, làm sao mà các con chơi hay được".
Xuất hiện một giải đấu ở không gian sân trường rộng rãi, những tiếng cổ vũ đã thu hút rất nhiều sự tò mò của các vị phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên. Cũng nhờ có VSBL mà nhiều người có lần đầu tiếp xúc với bóng rổ, thắc mắc rằng "tại sao thổi còi rồi mà vẫn tính điểm?". Những thắc mắc ấy sẽ khiến các bậc cha mẹ tìm hiểu nhiều hơn về môn thể thao này và có thể đây sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều em nhỏ tham gia tập luyện.
"Hôm nay chị cho cháu sang học bóng đá ở bên cạnh, tình cờ lại thấy sân trường vui quá nên vào xem luôn", chị Quỳnh, một khán giả trên sân Thực Nghiệm chia sẻ. "Chị xem bóng rổ cũng thấy vui vui, nếu con nó thích thì cho đi tập luôn, coi như thêm một môn thể thao rèn luyện sức khỏe".
Việc đưa các trận đấu về sân trường không phải là không có hạn chế, khi nhiều trường chưa có sân đấu chất lượng cao. Dẫu vậy, những trận cầu đông đúc khán giả lại chính là động lực để nhà trường tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất để học sinh rèn luyện thể thao.
"Em nhìn đây này", một giáo viên trường Thực Nghiệm chỉ ra công trình đang dang dở bên cạnh sân bóng rổ bên cạnh sân bóng rổ. "Nhà thi đấu của trường xây dựng gần xong rồi, chỉ đợi năm sau giải đấu quay lại là sẽ vào đó tổ chức thi đấu".
Ảnh: Minh Hiếu