Trong năm 2020, Giải Bóng rổ học sinh Trung học cơ sở năm – Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng đã tạo nên một luồng gió mới đối với phong trào bóng rổ học đường khi trở thành sân chơi mới lạ, hấp dẫn cho lứa tuổi học sinh THCS với thể thức thi đấu giúp các em được thường xuyên ra sân vào mỗi cuối tuần.
Nhân dịp này, chúng tôi có dịp ngồi lại cùng ông Phan Thanh Bình, Phó Ban tổ chức Vietnam Students Basketball League và cũng là nhà sáng lập Học Viện Giáo dục - Thể thao Hoa Kỳ (ASA) để nói về giải đấu trong lần đầu tổ chức.
PV: Xin chào ông Phan Thanh Bình, cảm ơn ông đã nhận lời mời phỏng vấn của Webthethao. Thưa ông, Vietnam Students Basketball League đã trở thành sân chơi bóng rổ học đường hấp dẫn nhất trong năm qua. Một trong những lý do khiến sức hút của giải đấu lớn đến như vậy là thể thức thi đấu sân nhà - sân khách mới lạ. Đâu là lý do khiến Ban tổ chức lựa chọn thể thức thi đấu này?
Tôi từng đi du học bên Mỹ và có điều kiện theo dõi bóng rổ học sinh ở đây, từ các trận đấu cho tới cách thức tổ chức. Khi trở về Việt Nam, tôi sáng lập ASA với sứ mệnh giáo dục và đào tạo thể thao cho các bạn học sinh
Một trong những điều khiến tôi đắn đo là nếu cho các bạn tập kỹ năng mãi, nhưng không cho các bạn cơ hội thể hiện, không cho các bạn ấy mục tiêu thì rõ ràng là không thể tối ưu hóa những gì chúng ta đang làm. Điều đó khiến tôi phải nhìn xung quanh xem đang có những giải đấu bóng rổ như thế nào.
Trước đây tôi cũng từng thi đấu giải học sinh. Ở thời của tôi, có ít trường tham gia nên được thi đấu nhiều, ít nhất là 3 trận, được chia bảng không khác gì bóng đá cả. Nhưng gần đây số trường tham dự đông quá, trong khi các nhà tổ chức thiếu đi sự nghiên cứu để tạo ra một sân chơi tốt nhất.
Bạn không thể nào có được một nền tảng tốt để tạo ra các tài năng bóng rổ nếu như không có một sân chơi xứng tầm, đặc biệt là ở lứa tuổi học đường. Các cầu thủ không có thời gian cọ xát, các huấn luyện viên cũng không được cọ xát, vậy thì lấy đâu ra sự phát triển?
Nếu như còn cảnh các đội bóng tập luyện cả năm, xong thi đấu 1 trận rồi về, thì sẽ xuất hiện các trường hợp đăng ký thi đấu cho các con học sinh được vui, mang đúng tính chất có mặt, không tạo được ra tính cạnh tranh. Chiến thắng không phải là quan trọng nhất, nhưng trong thể thao thì tinh thần chiến thắng cũng rất quan trọng chứ.
Trong một sân chơi tốt, các đội bóng được thi đấu nhiều, cọ xát nhiều, tạo nên bản sắc của đội bóng, tự nhiên tính cạnh tranh trong các VĐV, các HLV cũng được khơi dậy. Tự các bạn sẽ muốn chơi tốt lên, có những mục tiêu mới. Đó là những gì mà chúng tôi đã ấp ủ.
PV: Những bước đầu tiên của VSBL đã chứng kiến những thành công nhất định. Sau khởi đầu suôn sẻ, liệu giải đấu còn có thể mở rộng tới quy mô nào thưa ông?
Chúng tôi muốn xây dựng giải đấu này ở quy mô toàn quốc, ở tất cả các cấp độ, từ cấp một cho tới Đại học, tạo ra một hệ thống thi đấu toàn diện, tạo ra sức ảnh hưởng tích cực đối với thanh thiếu niên Việt Nam. Qua việc phát triển đó, chúng ta sẽ tạo ra những tài năng cho đất nước.
PV: Vậy tại sao Vietnam Student Basketball League lại quyết định tiếp cận với lứa tuổi Trung học Cơ Sở đầu tiên?
Ở lứa tuổi Tiểu học hiện cũng đã có giải học sinh, và với thể thức thi đấu sân nhà – sân khách thì lứa này cũng gặp nhiều khó khăn hơn do các em còn bé. Ở lứa tuổi cấp 3 thì các em đã trưởng thành, nhưng tôi nhận thấy cũng đã có nhiều giải đấu, nhiều cơ hội cọ xát. Nhiều đơn vị mở giải, mà các bạn đó cũng đủ lớn để tự mở giải đấu với nhau, nên chúng tôi quyết định bắt đầu với lứa THCS.
Chúng tôi chưa nghĩ tới việc khi nào mở rộng sang các lứa tuổi khác, mà muốn tập trung làm giải đấu trước mắt cho thật tốt đã. Cũng có thể hệ thống này sẽ nhảy lên cấp độ sinh viên luôn, tùy thuộc vào hoàn cảnh.
PV: Ông từng nói muốn VSBL sẽ bao trùm mọi cấp độ học đường, khiến tôi liên tưởng tới hệ thống NCAA của Mỹ. Vậy sau bao lâu thì giải đấu này sẽ đạt được mục tiêu ấy?
Tôi nghĩ 10 năm là con số phù hợp để tổ chức hệ thống bóng rổ ở đủ các cấp độ trên toàn quốc. Với riêng Hà Nội, có lẽ con số ấy là 5 năm.
PV: Phong trào bóng rổ đã phát triển lớn mạnh ở những thành phố có điều kiện kinh tế tốt như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh khác còn có nhiều khó khăn trong việc phát triển phong trào, vậy giải đấu liệu có những thay đổi nào về mô hình để áp dụng cho các địa phương còn lại không?
Chúng tôi muốn bắt đầu từ những giải đấu dành cho các thành phố lớn, chứng minh cho cả nước về những gì mà chúng tôi có thể làm được, đặc biệt là sứ mệnh chúng tôi muốn mang lại. Ở những giải đấu thể thao học đường, sự mệnh xã hội vẫn luôn là hàng đầu. Sẽ có nhiều đơn vị tổ chức nhìn vào những sự mệnh ấy để tài trợ cho giải đấu, và từ nguồn tài trợ ấy để đầu tư về sân bãi, cột rổ cho những đơn vị còn khó khăn, từ đó có thể phát triển phong trào.
PV: Tổ chức giải bao giờ cũng khó khăn, là lần đầu thì lại càng nhiều vất vả. Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất mà VSBL đang gặp phải?
Khó khăn nhất đối với Vietnam Students Basketball League vào thời điểm hiện tại là vấn đề về con người và vấn đề về tài chính. Để tạo ra một giải đấu thực sự chất lượng, đầu tiên, em cần có những con người thực sự tâm huyết, sẵn sàng hy sinh thời gian cá nhân để dành nhiều thời gian hơn đem lại sân chơi hấp dẫn cho học sinh.
Về mặt tài chính, chắc chắn năm đầu tiên làm thì sẽ không có tiền rồi. Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh này, nhiều công ty còn gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân sự, rất khó để thuyết phục họ bỏ tiền ra tài trợ cho một giải đấu thể thao. Hai vấn đề ấy gắn liền với nhau và đem lại thử thách rất lớn cho ban tổ chức. Giải đấu năm nay không hề có lãi, thậm chí là lỗ, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tạo ra sân chơi tốt nhất cho các em học sinh.
Ảnh: Minh Hiếu