"Ngọc nữ Wushu" Dương Thúy Vi
Dù phải gộp hai nội dung sở trường Thương thuật và Kiếm thuật sở trường, Dương Thúy Vi vẫn xuất sắc đứng đầu trong cả hai ngày thi đấu ở SEA Games 32 để giành tấm huy chương vàng đầu tiên cho Wushu Việt Nam trên đất Campuchia.
Tấm huy chương vàng không chỉ đánh dấu lần thứ 5 "ngọc nữ" làng Wushu đứng trên đỉnh cao tại đấu trường SEA Games, chiến thắng ngay trong ngày sinh nhật tuổi 30 còn kỉ niệm tròn 10 năm cô thống trị ở các sàn đấu quốc tế.
Năm 2013, Dương Thúy Vi lần đầu giành HCV SEA Games 27 ở nội dung Đao thuật, trước khi giành tấm HCV Thương thuật ở giải Vô địch Wushu thế giới diễn ra cùng năm. Kể từ đó tới nay, Thúy Vi là vận động viên đầu tiên của Wushu Việt Nam giành được thành tích ở các giải đấu quốc tế thuộc mọi cấp độ:
- HCV SEA Games 27, 29, 29, 31, 32
- HCV ASIAD 2014
- HCV Vô địch Wushu Thế giới 2013
- HCV World Games 2022
Đả nữ làng Muay Việt Nam Bùi Yến Ly
Thuộc lứa vận động viên đầu tiên của đội Muay-Kickboxing Hà Nội, Bùi Yến Ly cũng lần đầu tỏa sáng trên đấu trường quốc tế ở SEA Games 2013 trên đất Myanmar, tấm huy chương vàng đánh dấu tuổi 18 và cũng bắt đầu hành trình 10 năm đứng trên đỉnh cao của Muay Việt Nam.
Liên tiếp trong một thập kỉ, Bùi Yến Ly là cái tên không có đối thủ ở hạng cân 54-57kg đấu trường quốc nội. Cô cũng là vận động viên Muay đầu tiên giành chức vô địch World Games - Đại hội thể thao lớn nhất thế giới cho các môn nằm trong nhóm 2 Olympic, cùng 5 chức vô địch thế giới, 1 lần được Liên đoàn Muay Thế giới bầu chọn là nữ võ sĩ xuất sắc nhất năm 2019, 3 HCV Châu Á. Ngoài ra, cô còn giành thêm 3 tấm huy chương vàng ở các kì SEA Games 30, 31, 32, là vận động viên Muay duy nhất tới nay giành huy chương vàng trong tất cả các kì tham dự.
"Sơn nữ" Hà Thị Linh - 10 năm một hạng cân
Trong khi Nguyễn Thị Tâm - Nguyễn Văn Đương lần lượt dừng bước ngay trận đầu tiên tại SEA Games 32 theo cách vô cùng oan nghiệt, nhiệm vụ giành vàng của môn Boxing một lần nữa đặt lên vai Hà Thị Linh khi cô được đánh giá là người có khả năng cạnh tranh cao nhất. Và trong trận chung kết, Linh vẫn mang một vẻ điềm tĩnh lên sàn đấu để hoàn thành nhiệm vụ, đánh dấu 10 năm cô quay trở lại ngôi vị cao nhất ở đấu trường SEA Games.
Tấm huy chương vàng Boxing nữ SEA Games có thể không phải điều gì mới với thể thao Việt Nam. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, sau khi lên ngôi tại SEA Games 2013, cô đã có thời gian tạm nghĩ để có cho mình một gia đình nhỏ với 2 người con. Dù vậy, cô vẫn trở lại thi đấu đỉnh cao, vẫn ở hạng cân mình từng giành chức vô địch để bảo vệ thành tích 2 huy chương vàng cho Boxing Việt Nam trong hai kì liên tiếp.
"Chị đại" Nguyễn Thị Tuyết Mai - Một tình yêu duy nhất với Võ cổ truyền
Tuyết Mai có lẽ là cái tên gặp nhiều khó khăn nhất trong số các vận động viên võ thuật Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Tập luyện võ cổ truyền từ năm 2003, Tuyết Mai chỉ được tham dự SEA Games với tư cách vận động viên của những môn võ khác nhau như Muay Lào (HCV SEA Games 2009), Boxing (HCĐ SEA Games 2011). Cơ hội thi đấu quốc tế dưới màu áo võ cổ truyền của Mai tưởng chừng không còn khi cô đã bước qua tuổi ngoài 30, chuẩn bị chuyển sang sự nghiệp huấn luyện.
Cơ hội đến với Mai khi nước chủ nhà SEA Games 32 tổ chức môn võ truyền thống Kun Bokator, Mai được triệu tập lên đội tuyển Võ cổ truyền Quốc gia đại diện thể thao Việt Nam thi đấu môn võ của nước bạn. Cô tiếp tục chứng tỏ kinh nghiệm và bản lĩnh của mình ở đấu trường quốc tế sau 13 năm - với hạnh phúc được mang hình ảnh và danh xưng võ cổ truyền lên sàn đấu quốc tế.
Châu Tuyết Vân - Giọt nước mắt chia tay SEA Games
Là người thi đấu muộn nhất, và cũng là người trải qua những cảm xúc khó tả nhất, Châu Tuyết Vân đã đánh dấu 8 lần tham dự SEA Games của mình cùng các đồng đội bằng một chiến thắng trong nước mắt.
Ở phần thi Quyền sáng tạo đồng đội, Châu Tuyết Vân cùng Nguyễn Ngọc Minh Hy, Nguyễn Thị Mộng Quỳnh, Hứa Văn Huy và Trần Đăng Khoa thực hiện bài thi mà không mắc lỗi nào quá nghiêm trọng. Toàn đội nhận điểm số 7,040 trong lần đầu tiên, nhưng ban tổ chức nhận thông tin bài biểu diễn đã quá giờ do với quy định. Đội Việt Nam có nguy cơ bị trừ tới 0,3 điểm khi đội Thái Lan và Philippines, hai đội rất mạnh vẫn chưa thi.
Tuy nhiên, sau khi ban tổ chức cùng đại diện đoàn Taekwondo Việt Nam làm việc, xác nhận trọng tài thời gian đã bấm sớm giờ dẫn tới việc đội Việt Nam gặp sự cố lố giờ. Cuối cùng, đội Quyền sáng tạo chỉ bị trừ 0,02 điểm, đưa điểm số xuống 7,020.
Châu Tuyết Vân và các đồng đội đi từ cảm giác lo lắng, hồi hộp, bức xúc tới vỡ òa hạnh phúc chỉ trong hơn 15 phút đồng hồ do quyết định của ban tổ chức. Nữ quyền thủ sinh năm 1990 giành chiếc huy chương vàng SEA Games thứ 6 trong sự nghiệp, cũng là kì SEA Games cuối cùng cô tham dự. Để có được thành công này, Châu Tuyết Vân đã dành cả thanh xuân để cống hiến cho võ thuật, thi đấu mang về vinh quan cho thể thao nước nhà cũng như dẫn dắt lứa vận động viên kế cận tới ngày hôm nay.