Rượu thuốc của dân võ: Từ “thánh thủy” đến độc dược

Hồ Võ
thứ tư 15-5-2019 3:00:00 +07:00 0 bình luận
Theo Lương y Tô Ấn Trà, dân võ hầu như ai cũng biết uống rượu nhưng đại đa số chưa uống rượu đúng cách.

Xuất hiện từ khoảng 7000 năm trước, khi hầu hết các nền văn minh vẫn chưa phát triển, rượu tồn tại với đời sống xã hội và gần gũi tới mức không có bất cứ ranh giới nào để làm cột mốc phân chia rượu. Từ vua chúa phong kiến đến thường dân, từ dịp vui đến buồn, từ uống, nấu ăn, sát trùng tẩy uế… rượu đều có thể được sử dụng.

Tuy vậy, điều đó tạo nên một định kiến sai lầm rằng rượu có thể thoải mái uống mà không cần quan tâm đến liều lượng, cách thức hay mục đích.

Theo Lương y Tô Ấn Trà – thầy thuốc đã có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề cũng như tham gia chia sẻ, tư vấn về Đông Y trên các diễn đàn mạng – rượu có thể xem là “thánh thủy” nhưng cũng có thể là độc dược với bất cứ ai, từ người thường tới dân võ.

Rượu thuốc của dân võ: Từ “thánh thủy” đến độc dược

Lương y Tô Ấn Trà - một trong những thầy thuốc nổi tiếng với nhiều năm nghiên cứu, chia sẻ và tư vấn thuốc Đông Y tại Hà Nội

“Người xưa đã nói: Bán dạ tam bôi tửu, Bình minh sổ trản trà, Nhất nhật đắc như thứ, Lương y bất đáo gia; nghĩa là nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tuần trà, mỗi ngày cứ như thế thì thầy thuốc không bao giờ phải đến nhà. Nói như thế có thể thấy người xưa vẫn luôn quan niệm uống rượu đều đặn và đúng chừng mực hoàn toàn có thể hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Mức “3 chén rượu” tức là khoảng 15-20ml, một liều lượng rượu có thể giúp kích thích thần kinh, hoạt huyết, chuyển hóa chất trong cơ thể,” Lương y Tô Ấn Trà nhận định.

Nói thêm về văn hóa của dân võ và rượu, Lương y Tô Ấn Trà so sánh:

“Nhiều người tập võ hay thấy hình tượng giới võ trong kiếm hiệp có thể nốc từng vò rượu mà vẫn đánh đấm tốt. Thực ra rượu của người Trung Hoa xưa có nhiều loại gọi là “khí tửu”, độ rượu cũng chỉ gần bằng bia. Kể cả Nữ Nhi Hồng trứ danh thực sự cũng chỉ mười lăm – hai mươi độ. Vậy nên dân võ hiện đại đừng thấy vậy mà bắt chước theo, không phải cứ uống rượu giỏi là thành võ sĩ.”

Rượu thuốc của dân võ: Từ “thánh thủy” đến độc dược

Thực ra cao thủ kiếm hiệp nốc rượu cũng không khác người bình thường bây giờ uống bia. Vậy nên đừng nghĩ dân võ nên uống thật nhiều rượu!

Từ phim truyện cho đến hiện thực, có thể thấy rượu đã gắn bó mật thiết với văn hóa võ thuật, đặc biệt là các môn võ thuật truyền thống. Hầu như võ sư nào cũng lưu giữ một vài bài rượu thuốc quý, có thể là sưu tầm được trong quá trình theo đuổi võ thuật, hoặc thậm chí là “di sản” riêng của bộ môn. Khái niệm Y – Võ cũng một phần gắn liền từ đây. Hơn nữa, văn hóa hiện đại xem rượu thuốc là thứ quý giá, bởi nó không chỉ bao hàm giá trị vật chất mà còn đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu mới có được.

Nhưng dân chơi võ càng quý rượu thuốc càng dễ dùng sai. Theo Lương y Tô Ấn Trà, cũng giống như mọi thang thuốc trong Đông Y, bất cứ ai cũng có thể dùng rượu hằng ngày với quy chuẩn “nửa đêm ba chén rượu” giống nhau, nhưng rượu thuốc thì không. Ông nhận định:

“Trong Đông Y, phải tùy người mà điều dưỡng cơ thể, chữa bệnh theo cách khác nhau. Rượu thuốc cũng là thuốc. Dĩ nhiên có những bài thuốc đơn giản, không có nhiều tác dụng phụ thì hầu như ai cũng uống được, có thể điều chế, mua bán và sử dụng đại trà. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cần được dùng một cách chính xác. Từ “tửu lượng”, huyết áp, bệnh có sẵn trong cơ thể, đang âm hư hay bốc hỏa, cơ thể đang bình thường hay đang chấn thương, thậm chí cả thời điểm nên uống rượu,… tất cả những chi tiết đó đều phải cân nhắc đến khi dùng rượu thuốc.

Rượu thuốc của dân võ: Từ “thánh thủy” đến độc dược

Với khả năng hoạt huyết tốt, rượu thuốc xoa bóp có thể giúp người tập võ phục hồi chấn thương, làm săn chắc cơ bắp hoặc hỗ trợ các dược liệu dùng ngoài da thẩm thấu vào cơ thể

Dân võ Việt đang dùng rượu thuốc khá ẩu. Thậm chí có nhiều người còn không biết rằng hầu hết các loại rượu thuốc xoa bóp đều có độc, tránh bôi vào vết thương hở và uống vào có thể gây tử vong. Ngoài ra, cá tính người Việt khi nâng chén thường thích có bạn bè anh em ngồi cùng, nhất là khi có bình rượu quý cũng muốn chia sẻ cho người khác. Thế là cứ vui tay vui miệng uống quá mức, vậy thì có khác gì uống thuốc Tây quá liều đâu?

Mặt khác, thói quen học hỏi truyền miệng là một điều rất tai hại. Những thứ truyền miệng thì thường không chính xác, lại không phù hợp với tình hình thể chất thực tế của mỗi người. Vậy mà vẫn có rất nhiều người cứ nghe được ở đâu đó một bài rượu thuốc bổ gân bổ khớp là làm ngay, dùng ngay. Những yếu tố ngâm bao lâu, liều lượng thế nào, ngâm bằng loại rượu nào, ngâm ở nhiệt độ như thế nào … có lúc dễ dãi tùy tiện được, nhưng cũng có trường hợp biến thuốc thành độc.

Chính vì lẽ đó, hãy chuẩn bị tâm lý cho một sự thật phũ phàng rằng đôi khi bạn sẽ sở hữu được những bình rượu thuốc thật quý và công hiệu, nhưng bạn sẽ không bao giờ được dùng tới. Có thể với người khác loại rượu đó tốt, nhưng với bạn là thuốc độc.”

Rượu thuốc của dân võ: Từ “thánh thủy” đến độc dược

Sở hữu cả một kho rượu thuốc nhưng Lương y Tô Ấn Trà khẳng định mỗi loại rượu thường chỉ phù hợp với mỗi kiểu người, kiểu bệnh, cách dùng và thậm chí thời điểm nhất định, không nên tùy tiện sử dụng

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm dùng rượu thuốc, Lương y Tô Ấn Trà khẳng định:

“Thực ra rượu thuốc cho dân võ không khó kiếm, khó làm. Với đại đa số người dùng, nên dùng những loại thuốc ngâm “lành tính” như ngâm Táo Mèo để tiêu hóa tốt, ăn ngủ ngon; ngâm Thổ phục linh, Thiên niên kiện, Đỗ trọng để bổ gân cốt hoặc dùng các loại rượu thuốc như Địa liền, Huyết giác, Mã tiền để xoa bóp. Dĩ nhiên là phải luôn nhớ rõ điều quan trọng rằng rượu thuốc xoa bóp tuyệt đối không được uống.

Còn về các bài thuốc rượu đặc trị, thì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mới có thể dùng. 

Đối với các loại rượu thuốc được bán tràn lan, tốt nhất không dùng khi không hiểu rõ nó. Phép thử tốt nhất là yêu cầu người bán thuốc trình bày về công dụng, cũng như tác động của nó đến từng nhóm thể trạng. Nếu người bán rượu thuốc không nói được tức là không hiểu rượu, đừng động vào! Các bài rượu thuốc học được trên mạng, kể cả những gì tôi chia sẻ cũng nên hỏi qua ý kiến thầy thuốc Đông Y trước khi dùng. Chẳng phải tự nhiên mà bác sĩ đôi khi phải học cả đời mới hiểu hết về thuốc và bệnh. Những chỉ dẫn của họ vẫn luôn chính xác hơn suy đoán cảm tính của bạn.”

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm