Muay Thái - môn võ thuật cổ truyền của Thái Lan - xuất hiện từ khoảng thế kỷ 16, được coi như một môn võ thuật bắt buộc dành cho binh lính dưới triều đại Vua Naresuan.
Trận đấu Muay chính thức (Tharshanning) đầu tiên là trận đấu giữa Nai Khanomtom, một binh sĩ Xiêm La, giao đấu với mười võ sĩ hàng đầu Miến Điện vào năm 1774. Nai Khanomtom đã đánh thắng mười trận liên tiếp không nghỉ ngơi trước tất cả các đối thủ người Miến. Thứ Muay cổ ấy được gọi là Muay Boran, là nguồn gốc của Muay Thái hiện đại.
Muay Thái được gọi là “nghệ thuật tám chi” vì môn võ này sử dụng 8 điểm tiếp xúc của cơ thể như một cỗ máy chiến tranh. Đôi bàn tay hoạt động như một thanh kiếm, dùng để đâm, để tấn công, để lừa thế, mồi đòn. Các cẳng chân và cẳng tay được rèn để cứng cáp như chiếc khiên. Khuỷu tay có thể cắt, nghiến như một chiếc búa. Chân và đầu gối là những chiếc rìu với sức mạnh vượt trội để có thể lao vào tấn công mọi đối thủ. Toàn bộ cơ thể võ sĩ hoạt động như một thể thống nhất phục vụ cho một mục đích duy nhất - chiến đấu.
Muay Thái - môn võ khốc liệt nhưng cũng đầy tính nghệ thuật
Nhưng để thỏa mãn đam mê với Muay, để biến cơ thể thành một cỗ máy đầy tính sát thương như vậy, cái giá phải trả là không hề nhỏ.
"Để trở thành một võ sĩ, nhất là một võ sĩ Muay Thái, tố chất chỉ là một phần," Nguyễn Kế Nhơn, nhà vô địch WBC Muay Thái chia sẻ.
"Khi đã chơi Muay Thái, bạn sẽ hiểu được nó khốc liệt như thế nào. Đã xác định chơi là chấp nhận đánh đổi những chấn thương, những chấn thương rất nặng. Sau năm tháng, sau những va chạm và chấn thương, người võ sĩ sẽ được trui rèn hơn. Nếu bạn có thể chịu đựng sự đau đớn về mặt thể xác, sự tự tin sau đó mới tăng dần để trở thành võ sĩ chuyên nghiệp được."
Phải đánh đổi như vậy, phải chịu đựng như vậy, tại sao "nghệ thuật tám chi" của môn Muay Thái vẫn hấp dẫn đến thế? Tại sao các võ sĩ Muay Thái của chúng ta có thể giành được những thành tích xuất sắc trên đấu trường quốc tế? Hay cùng tìm hiểu qua phóng sự dưới đây, thông qua lời chia sẻ của nhà vô địch WBC Muay Thái Thế giới Nguyễn Kế Nhơn.