Hậu scandal Vịnh Xuân Nam Anh: Văn hóa võ Việt bị bóp méo

Hồ Võ
thứ ba 23-7-2019 6:00:00 +07:00 0 bình luận
Thời gian vừa qua, làng võ Việt được cộng đồng đặc biệt quan tâm, nhưng đó lại là những góc nhìn sai lệch.

Làng chơi võ Việt Nam là một thế giới đặc biệt - cực kỳ đặc biệt. Bản chất của võ thuật vốn đã là thứ khiến người ta hứng thú vì những tố chất đặc biệt của nó. Không phải tự nhiên mà thể loại phim võ thuật luôn có một chỗ đứng thú vị trong làng điện ảnh, Kim Dung trở thành huyền thoại nhờ những tác phẩm võ hiệp giữa thời hiện đại, và ngay ở Việt Nam, trong thời kỳ võ thuật chưa thực sự phát triển thì tiểu thuyết võ hiệp hiện đại Năm Sài Gòn của Bùi Chí Vĩnh đã ra đời và sau đó được chuyển thể thành phim.

Tôi may mắn đến với làng võ đúng giao điểm của thời kỳ trước và sau khi internet bùng nổ (đây có lẽ là bài viết duy nhất tôi buộc phải kể chuyện ở ngôi thứ nhất - điều phải làm để có thể kể những điều chân thực nhất). Cũng vì sự may mắn ấy mà tôi chiêm ngưỡng được hết sự thật của làng võ Việt - một thế giới của "dân chơi võ" với lối ứng xử đã làm nên một nền văn hóa riêng, giống như thế giới âm nhạc underground cũng có nét văn hóa của họ vậy.

Hậu scandal Vịnh Xuân Nam Anh: Văn hóa võ Việt bị bóp méo

Câu chuyện và kỷ niệm của người trong làng võ thường không đi quá xa khỏi phòng tập hay những bàn cafe. Suy nghĩ của chơi võ vừa dễ gần, vừa rất đặc biệt và khác lạ so với thế giới bên ngoài

Làng chơi võ Việt bị ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi văn hóa lễ nghĩa Á Đông. Dù có nhiều mâu thuẫn và khác biệt giữa nhóm chơi võ hiện đại và truyền thông nhưng văn hóa trọng tình nghĩa và ứng xử ấy lại là điểm chung rõ ràng nhất. Ngay bây giờ, cách Nam vương Quyền Anh Trương Đình Hoàng hay những võ sư võ cổ truyền đối xử với bạn bè và học sinh khá tương đồng trong chuyện lễ nghĩa.

Văn hóa trọng tình nghĩa dẫn đến nhiều thứ mà có lẽ tôi phải kể bằng những câu chuyện ông X - ông Y để tránh rắc rối đến người thật, việc thật. Những con người làng võ cuốn hút nhưng cũng kỳ lạ vì điểm này. Họ vừa gần, vừa rất xa với thế giới bên ngoài làng võ. Có những chuyện nói nôm na là "người trong nghiệp này mới hiểu".

Trước hết là sự tôn trọng. Sự tôn trọng trong làng võ đôi khi là từ tâm ý (do kính nể nhau vì trình độ, vai vế, ân nghĩa...) nhưng đôi khi chỉ là chuyện hình thức. Chẳng hạn như những câu chuyện xung quanh Vịnh Xuân Nam Anh thời gian gần đây, rất nhiều võ sư tỏ ra không đồng ý nhưng không bao giờ muốn để câu chuyện vượt ra khỏi bàn cafe. Đơn giản chỉ vì họ không muốn vậy. Đó là một sự tôn trọng mang tính hình thức "nước sông không phạm nước giếng".

Người trong làng chơi võ hiểu chữ "thượng võ" rất khác với người bình thường, mà có lẽ cách hiểu của họ mới là đúng nhất: thượng võ là "đặt võ lên hàng đầu". Chuyện gì tổn hại đến võ thuật, đến danh dự của bộ môn hay con người đều là những chuyện nghiêm trọng hàng đầu. Và khi mọi chuyện không giải quyết được bằng đàm phán thì "đặt võ lên hàng đầu" trong danh sách cách giải quyết vấn đề cũng là lựa chọn thường thấy.

Hậu scandal Vịnh Xuân Nam Anh: Văn hóa võ Việt bị bóp méo

"Thượng võ" là gỉ? Phải chăng là đặt võ thuật vào mọi thứ trong đời sống của mình, hành xử như người võ, suy nghĩ như người võ và tôn trọng người khác - tự trọng với bản thân như một người chơi võ?

Dĩ nhiên, chuyện bạo lực là điều không nên cổ súy trong cộng đồng nói chung. Nhưng người làng võ lấy đó làm nét riêng, làm linh hồn trong thế giới của họ. Cũng giống như giới nghệ sĩ thường xuyên sử dụng cần sa còn giới hiphop underground có mối liên hệ mật thiết với graffiti, trong làng võ thì thứ không thể thiếu là nắm đấm. Nước trong thì không có cá, đó là sự thật, và võ mà không có "chạm tay chạm chân" thì sẽ trông méo mó rất nhiều.

Ông X ông Y có mâu thuẫn với nhau? Nào cùng lên sàn. Hai võ sĩ chỉ trích nhau trên mạng vì chuyện gì đó? Thích thì lên sàn. Lò võ X nói lò võ Y không phải hệ phái chính thống chân truyền? Chỉ sau 2 ngày võ sư lò Y đã có mặt trước cửa nhà ông X yêu cầu "phát biểu lại". Đây là chuyện hết sức bình thường của giới võ và diễn ra hàng ngàn lần trước khi Flores nổi tiếng khi bắt đầu chuỗi scandal với Nam Huỳnh Đạo. Đơn giản là báo chí không đưa tin, xã hội này không biết và tưởng rằng không tồn tại.

Thứ không thực sự tồn tại - hay nói đúng hơn là không được ủng hộ trong "làng võ underground" lại chính là thứ trên mặt báo hiện giờ: việc những con người có mâu thuẫn hay lời thách đấu với nhau phải trao đổi... status Facebook qua lại hàng chục lần trước sự chia sẻ của báo chí (mà phải có báo chí quan tâm mới làm nhé!), là liên tục những luận điểm bắt bẻ nhau, người này bảo người kia né kèo, người kia lại bảo người này không sắp xếp được trận đấu.

Chuyện dùng trình độ cao thấp để phân lý lẽ trong làng võ xưa nay làm gì rườm rà đến vậy!

Hậu scandal Vịnh Xuân Nam Anh: Văn hóa võ Việt bị bóp méo

Mâu thuẫn và biến cố trong làng võ thường bắt đầu từ võ và kết thúc cũng bởi võ. Hiếm khi nào trong những câu chuyện ấy có sự tham gia của truyền thông hay dư luận từ bên ngoài.

Nhiều người đang bắt đầu dùng từ "Võ biz" để nói về làng võ bây giờ, ám chỉ những thị phi và màu mè trước ống kính dư luận như Showbiz. Làng võ Việt không khóa mình khỏi xã hội nhưng cũng chưa bao giờ cần xã hội phải quá quan tâm tới việc mình làm. Điều cần quan tâm là điều gì đúng, điều gì đúng với lễ nghĩa, với phép tắc của làng võ, và ai là người chịu trách nhiệm đứng ra đảm bảo rằng làng võ này tiếp tục vận hành đúng trật tự của nó.

Bộ mặt của làng võ chưa bao giờ được đưa ra trên mặt báo, trước sự theo dõi của nhiều "người ngoại đạo" như thời gian gần đây. Nhưng tiếc thay, nó lại là bộ mặt méo mó của một bộ phận thiểu số. Và rồi cộng đồng này đang tưởng rằng làng võ Việt thực chất cũng chỉ là những con người chỉ làm một thứ gì đó thật quyết liệt và kịch tính khi có phóng viên đứng nhìn hay soi từng dòng trạng thái Facebook của họ.

Chưa từng! Làng võ này chưa từng là như vậy. Luôn có một bộ phận thiểu số như vậy, nhưng nó chưa từng là gương mặt đại diện cho cá tính của làng chơi võ Việt. Thế giới ấy âm thầm hơn, đặc sắc và nhiều kỷ niệm thú vị hơn. Có những câu chuyện có lẽ tôi cũng sẽ tự giữ cho mình bên bàn cafe chứ không bao giờ nói được trên mặt báo, chẳng hạn như chuyện một người đàn anh X đã từng phải giải quyết mâu thuẫn võ vẽ của mình như thế nào, một người thầy võ đã phải đi đàm phán với người khác như thế nào để xin lỗi cho cái sai của học trò mình, những người võ sĩ mà tôi mất nhiều ngày trời xin phỏng vấn nhưng chỉ nhận được câu: "Xin lỗi nhưng mình không muốn nổi tiếng".

Hậu scandal Vịnh Xuân Nam Anh: Văn hóa võ Việt bị bóp méo

Người trong làng võ không hẳn rằng thích ẩn mình, nhưng có cái tôi cực lớn và cũng thích giữ những câu chuyện hay biến cố thành kỷ niệm cho riêng mình hoặc những người thực sự thân thiết - đủ gần gũi để thực sự hiểu lối sống, lối nghĩ và lối hành động của người làng võ

Đó là những câu chuyện mà tôi, người ấy, những người khác trong làng võ này đều muốn nó là câu chuyện của riêng làng võ. Dĩ nhiên thế giới này cần sự hiểu biết về nhau, nhưng có những thứ nét riêng vốn là tài sản của những người thực sự thuộc về thế giới ấy.

Làng võ Việt trở nên đặc biệt là ở chỗ nét văn hóa riêng của nó được bảo tồn nhờ lối sống đứng ngoài dư luận, không cần khen chê hay nổi tiếng. Thứ duy nhất họ muốn được xã hội này biết đến đó là cái nghiệp này đòi hỏi và đã lấy đi của họ bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt.

"Làng võ mà! Làm nhiều hơn nói!" - trích lời một người đàn anh làng võ mà một lần nữa, tôi cũng sẽ giấu tên trong bài viết này.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm