Giải Vô địch Wushu Toàn quốc năm 2019 vừa diễn ra tại Thành phố Vũng Tàu (từ ngày 2-7/4/2019 vừa qua) một lần nữa nhắc lại bài toán đau đầu của ngành thể thao đối kháng Việt Nam: làm thế nào để các giải đấu võ thuật đáng thu hút hơn?
Hơn 260 võ sĩ Tán Thủ thi đấu ở đủ các nội dung, trong đó có nhiều găng mặt nằm trong đội tuyển quốc gia, cống hiến hàng trăm trận đấu đối kháng (Sanda) và bài biểu diễn quyền thuật (Taolu) đỉnh cao, thế nhưng Giải Vô địch Wushu Toàn quốc năm 2019 vẫn tiếp tục cảnh... chùa bà Đanh.
Đây là thực tế không phải mới đây, và cũng không hề có ngoại lệ ở hầu hết các giải đấu võ thuật đối kháng. Các Liên đoàn, Bộ môn, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh chủ nhà luôn tiêu tốn khá nhiều vật chất để tổ chức một giải đấu thành công và có chất lượng chuyên môn cao nhưng hiệu quả vẫn chỉ quanh đi quẩn lại ở những dòng chữ đã quá quen thuộc trên các mặt báo "tạo sân chơi cọ sát cho võ sĩ, tuyển chọn những gương mặt ưu tú vào đội tuyển Quốc gia, tạo cơ hội để ban tổ chức, trọng tài thực hành, rèn luyện kỹ năng tổ chức và điều hành trận đấu chuyên nghiệp, chính xác..."
Khán giả ở đâu trong bài toán tổ chức giải đấu?
Bất kể dưới đài đấu là những trận đấu hay đến mức nào, khán đài vẫn chỉ lác đác chỗ ngồi của các... vận động viên, huấn luyện viên hoặc (hiếm hoi) một vài bạn bè, người thân của võ sĩ đến dự.
Thực trạng này làm phí phạm vật chất, thời gian và công sức của cả một hệ thống từ ban tổ chức đến võ sĩ. Thành tích: Có! Hoàn thành mục tiêu tuyển chọn võ sĩ: Có! Nhưng yếu tố "xã hội võ võ thuật, đưa bộ môn đến với quần chúng, quảng bá hình ảnh bộ môn" đang ở đâu trong thực trạng này?
Giữa khán đài vắng vẻ ấy, âm thanh nổi bật nhất có lẽ là tiếng các huấn luyện viên liên tục chỉ đạo chiến thuật cho học trò.
Và có lẽ, các huấn luyện viên là những người thoải mái nhất với thực trạng này vì họ có thể thực hiện công việc của mình một cách thoải mái, ít phân tâm và áp lực khán giả nhất.
Các võ sĩ cũng "tranh thủ" thực tế này mà có những giây phút tập luyện thoải mái.
Suốt 5 ngày, Nhà thi đấu Thành phố Vũng Tàu được các võ sĩ của Giải Vô địch Wushu Toàn quốc 2019 "bao trọn gói" cho việc tập luyện và thi đấu.
Các bài biểu diễn quyền thuật (taolu) cũng chịu chung cảnh vận động viên kiêm luôn khán giả.
Người thì live stream trận đấu về trang cá nhân để chia sẻ với bạn bè...
... người thì quản lý lịch thi đấu và... hết.
Dĩ nhiên, những giải đấu kiểu "mở cửa như đóng cửa" này khiến các võ sĩ - đặc biệt là những người chưa quen đứng trước đám đông có phong độ thi đấu tốt nhất. Tuy nhiên, nó không giải quyết được bài toán lớn nhất để đưa bộ môn lên một tầm cao mới.
Chúng ta đang quá hài lòng với thực trạng này. Một khán đài vắng đại diện cho rất nhiều bài toán "ẩn" mà đôi khi báo chí vẫn nhắc tới rồi buông xuôi, chẳng hạn như những võ sĩ đem lá cờ Việt tung hoành Âu - Á nhưng chẳng một ai biết tên, những con người giải nghệ và đem một thời oanh liệt về bên tủ hàng tạp hóa, đắng cay hơn là những người không thể chịu đựng chấn thương với vinh quang to lớn nhưng thành quả vật chất còm cõi.
Trong khi Quyền Anh thế giới tạo ra những ngôi sao triệu đô (và Việt Nam đang bắt đầu con đường đó), Liên đoàn Taekwondo Thế Giới đưa ra lời hứa "biến Taekwondo thành bộ môn có thể kiếm tiền bằng nghiệp đấu đài" và bóng đá từ lâu đã được xem như là con đường thoát nghèo thật sự, rất nhiều bộ môn vẫn chưa đưa hình ảnh võ sĩ Việt đến với cộng đồng. Giá trị của một võ sĩ bị giới hạn bởi những tấm huy chương trong khi họ có thể trở thành một nhân vật truyền cảm hứng, một gương mặt được các nhà quảng cáo săn đón, một nhà vô địch có thể tạo nên những giá trị lớn từ danh tiếng của mình, thứ danh tiếng mà họ đã thực sự đổ máu để có được, hay ít nhất là một tên tuổi uy tín có thể được nhiều người săn đón khi họ giải nghệ lui về làm nghiệp huấn luyện cá nhân.
Tất cả những điều ấy, tưởng chừng to lớn, thực ra vẫn bắt đầu từ một hình ảnh: khán đài - vắng hoặc đông. Khán đài vắng bao nhiêu thì hình ảnh người võ sĩ trong xã hội thấp bé và ít giá trị bấy nhiêu.
Trần Ngọc Lượng (xanh), tay đấm từng khiến khán đài Coco Championship đảo điên tham dự giải Tán Thủ với vài tiếng reo hò lạc lõng.
Tuyển Tán Thủ Quảng Ngãi "một mình một chợ" tạo chút sinh khí trên khán đài.
Khán đài vắng - câu hỏi đơn giản nhưng cần câu trả lời hai chiều. Thực tế rất nhiều sự kiện võ thuật đối kháng đình đám ở Việt Nam như Thai Fight, HBF... cũng phải phát một lượng lớn vé mời, huy động một lực lượng truyền thông hùng hậu mới nhét đủ khán đài. Rõ ràng khán giả Việt chưa coi việc đi xem đấu võ đài là một hình thức giải trí như xem ca nhạc, đi hội chợ (như ở Thái Lan), vị trí của võ thuật và hình ảnh người võ sĩ trong lòng xã hội chưa cao. Ở chiều ngược lại, các giải đấu chưa thực sự chú tâm vào việc thu hút người xem, hay ít nhất quảng bá về việc tổ chức giải đấu (Giải Vô địch Wushu Toàn quốc 2019 tổ chức ở một trong những thành phố du lịch nổi bật nhất Việt Nam nhưng trên khía cạnh truyền thông lại mờ nhạt như... không hề tồn tại.).