Ở các võ đài không chuyên, sự náo nhiệt, những tiếng hò reo cổ vũ và không khí cuồng nhiệt nơi khán đài chính là kết tinh của những con người chung đam mê. Tạm bỏ qua những trận đấu đỉnh cao, những "chiến binh" không chuyên tại Bài Danh Chiến vẫn đem đến sự sôi động cho khán giả theo một cách rất riêng.
Chuyện của người "chơi" võ
Mở màn cho sự kiện giao lưu võ thuật Bài Danh Chiến là những trận đấu nhỏ chỉ với 2 hiệp đấu và 2 phút thi đấu. Dù chỉ có 4 phút thượng đài, những chiến binh "tay ngang" của Bài Danh Chiến vẫn có thể cống hiến nên những trận đấu đẹp mắt.
Kể cả khi đã bỏ qua những danh vọng của võ đài chuyên nghiệp, những võ sĩ không chuyên, nói cách khác là những con người yêu võ này đã thể hiện được sự gắn kết của những người anh em "chơi võ". Tôi không dùng từ "luyện võ" vì đâu đó, chữ "luyện" vẫn còn mang một ý nghĩa khá nặng nhọc, trong khi với những võ sĩ "tay ngang" này, võ thuật là một điều gì đó giúp họ được sống trọn vẹn. Họ không phải "luyện" võ mà họ đang "chơi" với võ.
Đối với giới chơi võ, việc "chạm tay chạm chân" là một nét văn hóa
Nhưng người làng võ lấy đó làm nét riêng, làm linh hồn trong thế giới của họ. Cũng giống như giới nghệ sĩ thường xuyên sử dụng cần sa còn giới hiphop underground có mối liên hệ mật thiết với graffiti, trong làng võ thì thứ không thể thiếu là nắm đấm. Võ mà không có "chạm tay chạm chân" thì sẽ trông méo mó rất nhiều.
Cũng như thế, họ đến với Bài Danh Chiến trong tâm thế "chơi" là chính. Những pha đòn nặng ký, hay thậm chí là cả những lần chịu đòn đau, tất cả đều chỉ gói gọn trong chữ "chơi". Điều khiến Bài Danh Chiến trở nên đặc biệt hơn cả, đó chính là giải đấu này đem đến cảm giác thi đấu chuyên nghiệp cho những người "chơi" võ ấy.
Khi người chơi võ thực sự được chơi
Bài Danh Chiến trở thành sân chơi "chuyên" cho người chơi võ
Nếu như bóng đá, bóng rổ, cứ vài tháng lại có một giải đấu nhỏ cho , thì làng võ Việt vẫn còn thiếu một sân chơi cho giới không chuyên. Các giải đấu cấp huyện, cấp tỉnh lại quá xa vời cho những người chơi võ không chuyên. Những người anh em chơi võ chỉ có thể tự cùng nhau giao lưu một cách tự phát.
Giới chơi võ vốn đã quen với việc tự thi đấu tự làm trọng tài cho nhau, võ đài thì chẳng có, có chăng chỉ là những chiếc dây thừng quấn tạm 4 góc cũng đã trở thành nơi để những anh em giao lưu. Bài Danh Chiến xuất hiện và ngay lập tức thổi một làn gió mới vào cho giới "võ phủi" Việt Nam. Khán giả, bình luận viên, trọng tài,... đã đưa Bài Danh Chiến trở thành võ đài "phủi" sáng giá nhất hiện nay.