Trong văn hóa Á Đông, đồ vật bén nhọn bằng kim loại có ý nghĩa tâm linh rất lớn. Người Á Đông cổ xưa tin rằng các vận dụng như dao, kéo, vũ khí bén mang "khí lực" rất mạnh và có phần khắc nghiệt với sinh khí con người.
Điều thú vị rằng trong nhiều nền văn hóa bên ngoài Á Đông, người ta cũng xem các vật bén nhọn có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Người Đông Âu có các loại dao thờ, trong khi người da đỏ châu Mỹ có tục cắm rìu hay con dao vào cột nhà để báo hiệu rằng bộ lạc đang trong tình trạng chiến tranh, chỉ gỡ bỏ xuống khi đã ổn định được các xung đột với những bộ lạc lân cận.
Trong văn hóa Á Đông, các vật dụng kim loại và đặc biệt là vũ khí có ý nghĩa tâm linh khá lớn
Việc các vật kim loại bén nhọn có một vị trí đặc biệt trong văn hóa và tâm linh có lẽ xuất phát từ việc bản chất các dụng cụ này vốn là những công cụ quan trọng và gây ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển văn minh nhân loại. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng mọi nền văn minh trên toàn thế giới đều bắt đầu bùng nổ khi con người bắt đầu biết cách khai thác và chế tác kim loại.
Quay lại câu chuyện "một nghìn lẻ đổi dao tiền triệu", nó bắt đầu từ một quan niệm thú vị. Người Á Đông cổ xưa tin rằng đồ kim khí bén như dao kéo có thể tác động tâm linh, cắt đứt mối quan hệ. Cũng từ đó mà người xưa có tục tặng dao kéo cho nhau như một lời tuyên bố khéo léo và tế nhị rằng "Tôi và người này chính thức cắt đứt mối quan hệ", dù đó là anh em, bạn bè, tình duyên, gia đình...
Niềm tin này lớn đến mức người ta cũng cho rằng việc vô tình tặng dao kéo cho nhau, dù là vô tình nhưng sát khí từ món đồ ấy về lâu dài sẽ tạo ra những duyên cớ phá hoại mối quan hệ giữa hai người.
Theo quan niệm Á Đông, sát khí của vũ khí - công cụ bén dễ làm tổn hại mối quan hệ nếu như nó được sử dụng như món quà.
Bên cạnh đó, các nền văn hóa phương Đông cũng có một số quan niệm khác về cách sử dụng dao kéo như một vật tâm linh, chẳng hạn tin rằng đặt con dao dưới gối có thể trừ ma quỷ, hoặc em bé sơ sinh không nên để gần binh khí, dao kéo vì sát khí của chúng quá lớn còn khí lực của em bé quá yếu ớt không thể chịu đựng được.
Vì những quan niệm này mà người Á Đông nhìn chung cực kỳ kiêng kỵ việc cho tặng các vật bén như dao kéo, dù nó chỉ là công cụ thường ngày.
Riêng trong giới võ, việc tặng vũ khí bén là điều không thể tránh khỏi. Đối với dân võ thuật cổ điển, đao kiếm là món đồ quý giá và mang nhiều giá trị to lớn. Không chỉ là một vũ khí, đao kiếm còn mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh hay chỉ đơn giản là một món đồ quý và phù hợp để trở thành món quà giữa bạn hữu, thầy trò hay giữa những tay chơi võ với nhau.
Vậy nên, giới võ thuật Á Đông hình thành một phong tục thú vị: khi được tặng món vũ khí bén như dao, kiếm, đao... người được tặng sẽ đưa lại cho người kia một đồng tiền lẻ, giá trị đồng tiền nhỏ như thế nào cũng được và bất kể món quà được tặng có giá trị đến đâu.
Quan niệm Á Đông cho rằng hành động này khiến cho việc nhận món quà sẽ trở thành "mua lại món vũ khí' và xóa bỏ được ý nghĩa chia cắt mối quan hệ giữa hai người. Ngày nay, phong tục này vẫn còn được lưu truyền trong cộng đồng võ thuật, đặc biệt là những có sở thích sưu tầm, trưng bày các loại vũ khí bén.
"Phong tục" này cũng tồn tại trong giới phượt hoặc dân chơi EDC vì con dao lưỡi rìu là công cụ quá quen thuộc, việc cho tặng lẫn nhau cũng là điều khó tránh khỏi như dân võ