Thể thao trong điều kiện “bình thường mới”
Cũng giống như năm ngoái, những hoạt động thi đấu thể thao đỉnh cao cùng các giải đấu thuộc hệ thống quốc gia lại được tổ chức dồn dập trong ít tháng cuối năm, trong thời điểm dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Tuy nhiên, đợt dịch thứ tư vừa qua kéo dài hơn hẳn, nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng cũng lớn hơn. Vì thế các hoạt động thể thao cuối năm 2021 cũng trở lại chậm hơn so với thời điểm này của năm 2020.
Theo công văn gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý thể dục - thể thao của ngành, các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia về việc thí điểm tổ chức giải thể thao trong điều kiện bình thường mới, Tổng cục Thể dục Thể thao dự kiến chỉ tiến hành tổ chức thí điểm 2 giải vô địch quốc gia theo hình thức “khép kín” từng bộ phận, thời gian dự kiến từ cuối tháng 10/2021, bước đầu tổ chức tại các tỉnh, thành phố không có dịch bệnh hoặc đã kiểm soát được dịch bệnh.
Dự kiến của ngành là tổ chức thí điểm giải Karatedo, đua thuyền hoặc cầu lông ngay trong tháng 10 này, nhưng việc đảm bảo an toàn phòng dịch được đặt lên hàng đầu, bên cạnh yếu tố chất lượng chuyên môn. Theo ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, việc tổ chức thí điểm các sự kiện, giải thi đấu phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý y tế, kiểm soát dịch bệnh, tổ chức làm tiền đề cho các giải tiếp theo, cũng như công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 trong năm 2022. Phương án tổ chức giải “khép kín” từng bộ phận được thực hiện đối với tất cả các đối tượng tham dự giải.
Ưu tiên tuyệt đối an toàn phòng dịch
Bên cạnh việc thực hiện nguyên tắc 5K, khai báo y tế đầy đủ, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong thời hạn 72 giờ trước khi đến địa phương đăng cai tổ chức giải.
BTC và đơn vị tham dự các giải thi đấu đến từ khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao phải có giấy chứng nhận tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, đến từ khu vực nguy cơ thấp thì có giấy chứng nhận tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19.
Tất cả các thành viên dự giải đều phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bắt buộc bằng phương pháp test nhanh 3 ngày/lần, giữ khoảng cách an toàn và sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân...
Đối tượng dự giải sẽ được phân loại thành 3 nhóm: nhóm một là các thành viên BTC Trung ương, cán bộ các đoàn, các HLV, VĐV, bác sĩ, giám sát, trọng tài; nhóm hai có BTC địa phương, bộ phận phục vụ, truyền thông, cung cấp dịch vụ và nhóm ba là các thành viên không thuộc hai nhóm nêu trên.
Các thành viên thuộc nhóm một sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc bên ngoài và với nhóm hai, không rời khỏi khu vực được quy định, Trong khi các thành viên thuộc nhóm ba không được tiếp xúc với nhóm một, được tiếp xúc hạn chế với nhóm hai trong trường hợp cần thiết do nhu cầu công việc và chỉ được xuất hiện tại một số khu vực giới hạn do ban tổ chức quy định.
Trong thời gian tổ chức giải, địa phương đăng cai tổ chức phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn, có phương án, kịch bản phục vụ công tác tổ chức về địa điểm lưu trú, phương tiện, đường di chuyển, khu tập luyện, thi đấu và có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị dự giải thực hiện tốt các quy định tổ chức trong điều kiện bình thường mới. Ngược lại, phía các đơn vị tham dự sẽ phải đáp ứng các quy định chặt chẽ về đi lại, ăn nghỉ trong thời gian diễn ra giải, như ở tập trung tại các khách sạn do BTC chỉ định và giám sát.
Trên thực tế, đây không phải là mô hình lần đầu được xây dựng mà ngay trong thời điểm giữa năm đã được BTC giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam áp dụng cho các trận đấu tại VBA Premier Bubble Games, diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa).
Ở thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hàng trăm thành viên của VBA đã tập luyện, thi đấu thử nghiệm gần 40 trận với tiêu chí “tập trung cách ly”, ăn nghỉ gần 3 tháng tại khách sạn Mường Thanh – Viễn Triều, thực hiện “một cung đường, 2 điểm đến” giữa khách sạn - nhà thi đấu đa năng trường Đại học Nha Trang…
Các thành viên liên quan từ BTC, trọng tài, HLV, cầu thủ các đội bóng, tới nhân viên Nhà thi đấu hay khách sạn đều được chia thành các nhóm, hạn chế tiếp xúc tối đa giữa các nhóm, di chuyển với phương tiện riêng, thậm chí là lối đi riêng, liên tục test SARS-CoV-2 với sự phối hợp cùng CDC Khánh Hòa.
Nhờ những biện pháp triệt để được thực hiện nghiêm túc mà hàng trăm thành viên VBA đều được an toàn tuyệt đối trong quãng thời gian kéo dài tới hơn 2 tháng và sau đó trở về hơn 30 tỉnh thành. Đây cũng có thể được coi là cơ sở để BTC các giải thể thao đỉnh cao trong thời gian tới tự tin đưa các hoạt động thi đấu đến thành công trong hoàn cảnh “bình thường mới”.
Dấu hiệu khả quan 3 tháng cuối năm
Tập luyện – thi đấu, là quy trình bắt buộc để các VĐV duy trì và cải thiện thành tích. Việc tham dự giải còn tạo sự hưng phấn tâm lý, nhất là với thành viên các đội tuyển quốc gia ở nhiều môn, những người hầu như chỉ tập chay trong suốt gần 2 năm qua, đồng thời phải thực hiện “cấm trại” tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.
Tín hiệu khả quan nhất chính là việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có văn bản trình Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc cho phép đón khán giả vào sân ở 1 trận đấu trong tháng 11 khi đội tuyển Việt Nam tiếp đón Nhật Bản và Saudi Arabia ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, khu vực châu Á.
Trước đó, trận đấu đầu tiên trên sân nhà, các học trò của HLV Park Hang Seo đã tiếp tuyển Australia tại Mỹ Đình mà không có khán giả. Đã nhiều tháng trôi qua kể từ lần cuối cùng những CĐV được vào sân, trực tiếp theo dõi 1 trận đấu của bóng đá Việt Nam.
Nhưng tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, quan điểm chỉ đạo về công tác phòng chống dịch từ Chính phủ, các bộ ngành cũng đã có những thay đổi khi Việt Nam có thể chuyển từ “Zero COVID-19” sang “Sống chung với COVID-19”. Dù trong hoàn cảnh nào, cuộc sống vẫn tiếp diễn.