Trần Phi Hoàng Long và cú vấp mang tên U18 Việt Nam

Minh Hiếu
thứ hai 31-8-2020 21:11:35 +07:00 0 bình luận
Những ngày cuối hè 2019, đội tuyển U18 Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ với chiến tích tại giải 3x3 châu Á. Tuy nhiên, cùng lúc đó có một người lặng lẽ gặm nhấm sự chua chát của sai lầm tuổi trẻ. Đó là Trần Phi Hoàng Long.

Vượt qua mọi sự phản đối vì cơ hội độc nhất vô nhị

Trần Phi Hoàng Long là một trong những thành viên của đội tuyển U18 Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Học sinh Đông Nam Á vào tháng Bảy năm 2019. Màn trình diễn của đội tuyển ở giải đấu trên đất Indonesia thực sự khả quan và Long Lu chính là một trong những gương mặt thể hiện ấn tượng nhất.

Nhờ đó mà chỉ 4 ngày sau khi trở về nhà, tài năng trẻ của đội bóng rổ không chuyên Jokers nhận được cuộc gọi từ HLV Kevin Yurkus. Vị chiến lược gia người Mỹ muốn Hoàng Long tiếp tục đồng hành cùng mình ở một giải đấu khác, FIBA U18 3x3 Asia Cup, một giải đấu mang tầm cỡ châu lục. Bước ra đấu trường quốc tế những hai lần trong vòng 1 tháng là điều mà ít tài năng trẻ nào dám mơ tới.

Tuy nhiên, lần này chuyện cống hiến cho màu áo tuyển trẻ quốc gia không còn suôn sẻ với cậu học sinh trường THPT Hoàng Văn Thụ. Thời điểm giải đấu diễn ra trùng với khoảng thời gian bắt đầu năm học và gia đình cũng như nhà trường không muôn em phí phạm thời gian ở năm lớp 12, năm học quyết định tới khả năng thi Đại học.

Trần Phi Hoàng Long và cú vấp mang tên U18 Việt Nam
Trần Phi Hoàng Long (số 16) trong đợt tập trung trước ASEAN School Games. Ảnh: Facebook Trần Phi Hoàng Long

"Vì lo cho chuyện học tập của em, mẹ đã từ chối thẳng thừng. Trong khoảng thời gian sau đó, mối quan hệ của hai mẹ con không thực sự tốt vì luôn đưa ra những quan điểm trái chiều nhau. Dù biết mẹ lo cho mình vì mục địch tốt, nhưng cơ hội đấu giải 3x3 là rất lớn và cũng không dễ có được. Em đã phải nói chuyện rất nhiều để mẹ đồng ý cho dự giải".

"Sau khi vượt qua cửa ải gia đình là tới khó khăn từ cô giáo chủ nhiệm. Cô rất quan tâm tới chuyện học hành và từ chối kí đơn xin nghỉ của em. Nhưng một vài hôm sau thì cô cũng có trao đổi với phía nhà trường, và điều thần kì xảy ra khi Ban Giám hiệu đồng ý cho em đi thi đấu".

2 tuần sau khi ASEAN School Games khép lại, Trần Phi Hoàng Long chuẩn bị mở ra một chương mới trong sự nghiệp với chuyến bay vào Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của chàng trai Hà Nội.

Trần Phi Hoàng Long và cú vấp mang tên U18 Việt Nam
Long Lu đã vượt qua nhiều sự phản đối để có được chiếc áo đội tuyển U18 quốc gia. Ảnh: Minh Hiếu

Cuộc sống không chỉ có màu hồng

Với tất cả những người chơi bóng rổ, 3x3 không phải là thể thức lạ lẫm. Bất cứ ai ra sân đấu phủi đều đã từng có những cuộc đấu 3 người trên nửa sân. Nhưng Hoàng Long nhanh chóng nhận ra sự khác biệt một trời một vực của đấu trường chuyên nghiệp.

"Khi chơi phủi, mình có thể lười thủ một chút. Nhưng tại đây, chỉ cần hở ra một chút là đối phương đã có điểm. 3x3 đòi hỏi tốc độ cao, sức mạnh cơ bắp vì luật chơi cho phép va chạm nhiều, bỏ qua những lỗi lặt vặt. Quan trọng nhất là trong lúc thi đấu không được ngưng nghỉ chút nào, bản thân luôn phải ở trong trạng thái hoạt động với tần suất cao".

Ngày ngày, thầy trò Kevin Yurkus tập hai buổi, tập gym vào buổi sáng và tập kỹ thuật, chiến thuật vào buổi chiều. Với những người đã quen với cuộc chơi 3x3 và tham gia lò đào tạo bóng rổ chuyên nghiệp như Kim Ji Soo, Tony Sundberg hay Liễu Triệu Bảo Thiện, đó không phải là khó khăn quá lớn.

Trần Phi Hoàng Long và cú vấp mang tên U18 Việt Nam
Hoàng Long sớm cảm nhận sự khác biệt giữa đấu trường không chuyên và chuyên nghiệp. Ảnh: Phạm Minh

Tuy nhiên, với một cầu thủ xuất thân từ giới bóng rổ không chuyên, đây thực sự là thử thách không nhỏ chút nào. Khác biệt về khí hậu và cường độ tập luyện khiến Hoàng Long dần suy sụp cả về thể chất và tinh thần. Những khó khăn không biết nên chia sẻ cùng ai dồn nén trở thành sự ức chế.

“Đỉnh điểm là có một ngày em xin nghỉ vì quá mệt mỏi, cơ thể rệu rã và trán hơi sốt. Thầy Kevin cho em nghỉ buổi sáng nhưng buổi chiều thì em vẫn phải tới tập. Khi đó đội tập trung với thầy Stefan Nguyễn và hai thầy khác của SSA. Có một người ném 3 điểm rất giỏi và em phải theo kém thầy đó”.

“Sau vài lần không theo kịp và bị mất điểm, em bị thầy Kevin nhắc nhở tiếp tục chạy, tiếp tục kèm người. Mệt mỏi và bất mãn, em bắt đầu có thái độ không tốt, phạm lỗi người ta mạnh hơn. Em có cảm giác trống rỗng, không biết mình đang chơi bóng rổ vì lý do gì”.

Trần Phi Hoàng Long và cú vấp mang tên U18 Việt Nam
Hoàng Long cảm thấy lạc lõng và mất phương hơn ở chính mảnh đất quê ngoại. Ảnh: Minh Hiếu

Tiếng chuông cửa lúc 2 giờ sáng và sự thức tình muộn màng

“Khi về phòng, em nhận cuộc gọi của thầy Kevin, nói muốn gặp riêng em ở căng tin sân bóng. Em tưởng đó chỉ là một cuộc nói chuyện bình thường, nhưng thầy nói rằng: Tôi có cảm giác cậu chưa sẵn sàng và tôi nghĩ cậu nên về Hà Nội. Tôi nghĩ như thế là tốt nhất vì hiện tại cậu như chẳng còn ở đây vậy”.

Trong trường hợp này, nhiều người sẽ nói lời xin lỗi và xin thêm một cơ hội nữa, HLV Kevin Yurkus hiểu điều đó và ngồi lại một lúc để chờ đời phản ứng cũng như câu trả lời của cậu học trò mà ông yêu mến và đặt nhiều niềm tin. Tuy nhiên, sự khốc liệt của đấu trường chuyên nghiệp đã đánh bại tinh thần của chàng trai sắp bước vào năm học cuối cấp.

“Em lúc đó cũng không biết bản thân đang cần gì và muốn gì, nên em đã đồng ý với ý kiến trên. Có lẽ đó là lúc tệ nhất, vì vẻ mặt của HLV Kevin thể hiện rõ ràng một sự thất vọng tràn trề. Khi về đến chỗ ở, bản thân em cũng không ý thức được điều mà mình đã làm nữa. Em dọn hết đồ đạc và bay về ngay trong buổi tối hôm ấy”.

Trần Phi Hoàng Long và cú vấp mang tên U18 Việt Nam
Sau khi nói chuyện với HLV Kevin Yurkus, Hoàng Long chấp thuận để BHL đặt vé máy bay đi ngay trong đêm. Ảnh: Facebook Long Lu

Có lẽ sau khi đặt chân tới Nội Bài, điều khó khăn nhất đối với Long Lu là phải đối diện với mẹ mình, người mà em đã phải dốc công thuyết phục, để rồi lại phải chứng kiến cảnh cậu con trai trở về cùng hai bàn tay trắng.

“2 giờ sáng, em bấm chuông và thấy mẹ chạy xuống mở cửa, nhìn em với một ánh mắt đầy bất ngờ. Sau khi kể chuyện, em đã chuẩn bị sẵn tinh thần để nghe mẹ mắng rất lâu, nhưng cuối cùng mẹ chỉ bảo em đi ngủ. Sự im lặng đó dường như đã khiến em thức tỉnh. Em cảm tưởng như mình đã đánh mất niềm tin của mẹ, vì bóng rổ là niềm đam mê của em và mẹ luôn tin tưởng em mỗi khi nói tới chuyện thể thao”.

“Nằm trên giường, em úp mắt xuống gối, mồm vừa cắn gối vừa khóc gào lên như một đứa trẻ con. Lúc đó em mới ý thức được rằng mình vừa vứt đi cơ hội mà biết bao người Việt Nam mong muốn. Em đã tự chửi rủa, dằn vặt bản thân trong suốt nhiều ngày sau đó. Nhờ có những lời động viên của bố mẹ, các anh em cũng như ban quản lý Thang Long Warriors nên em mới có thể bình tĩnh trở lại”.

Trần Phi Hoàng Long và cú vấp mang tên U18 Việt Nam
Tài năng trẻ của Thang Long Warriors có một bài học để đời. Ảnh: Minh Hiếu

Cái giá của sự trưởng thành

Trở lại năm học lớp 12 cùng bạn bè ở trường Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ, dường như Trần Phi Hoàng Long đã có đủ khoảng thời gian cần thiết để xóa đi nỗi chán bóng rổ. Khi giải đấu U18 3x3 FIBA Asia Cup khởi tranh, em cũng chăm chú theo dõi như bao người hâm mộ khác. Nhưng cảm xúc của Long Lu lại rất riêng.

“Ở mọi giải đấu 3x3, mỗi đội đều có 4 người, riêng đội Việt Nam chỉ có 3 người nên chắc chắn gặp khó khăn về thể lực. Em theo dõi, vừa mừng vì những người đồng đội của mình giành chiến thắng, nhưng lại cũng có cảm giác của một kẻ thua cuộc, vì mình đã làm mất thời gian của mọi người”.

Sau khi giải đấu kết thúc, thông tin về việc đội tuyển U18 Việt Nam chỉ cử 3 vận động viên tham dự trở nên rầm rộ và bắt đầu có những lời trách móc hướng tới bộ đôi HLV Kevin Yurkus – Tô Quang Trung, cho rằng đội nhà có thể tiến xa hơn với đầy đủ thành viên trong đội.

Trần Phi Hoàng Long và cú vấp mang tên U18 Việt Nam
Nụ cười và tình yêu bóng rổ đã trở lại với Long Lu (giữa). Ảnh: Phạm Minh

“Em cảm thầy dường như tất cả mọi người đang phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của bản thân mình. Vì vậy, em đã gửi lời xin lỗi công khai thông qua Bóng Rổ TV để nhận lỗi. Đó là bài học để đời và em sẽ luôn cố gắng để trở nên tốt hơn, sửa chữa những sai lầm mình đã gây ra”.

Bức tâm thư đã khiến hộp thư cá nhân của Trần Phi Hoàng Long dày lên trông thấy. Có những người động viên, nhưng phần nhiều trong số đó là những lời chua cay, đe nẹt chàng trai còn chưa bước sang 18 tuổi. Nhưng Long Lu coi đó đơn thuần là cái giá cho sai lầm của bản thân và nhờ đó rút ra những bài học cho tương lai.

Kỳ thực, con đường sự nghiệp bóng rổ của Trần Phi Hoàng Long vẫn còn rộng mở. Hiện em đang tập luyện cùng đội trẻ của Thang Long Warriors và có cơ hội ra mắt người hâm mộ tại VBA 2020. Trong cuộc sống, ai cũng có những vấp váp và những người thắng cuộc sẽ biết rút ra những kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm