Sinh ra tại Sóc Trăng, không phải con nhà nòi nhưng với sự đam mê và sở hữu chiều cao 1m80, Quốc Tân đã có thể kiếm sống với nghiệp bóng rổ.
Con đường dẫn tới thể thao chuyên nghiệp
Chưa bao giờ Bùi Quốc Tân nghĩ mình có ngày sẽ trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp. Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống thể thao tại làng quê nghèo ở Sóc Trăng, từ một cậu học sinh cấp 2, Tân bén duyên và đến với bóng rổ khá tình cờ, dù trước đó Tân chưa chơi môn thể thao nào.
Với thể hình khá lí tưởng (1m80), Tân đã lọt vào mắt xanh các tuyển trạch viên Trung tâm huấn luyện thi đấu tỉnh Sóc Trăng và từ đó Tân bắt đầu con đường đến với bóng rổ.
Khăn gói rời nhà từ khi còn trẻ, mọi thứ đều bỡ ngỡ đối với Tân nhưng dần dần trong quá trình tập luyện Tân tìm thấy niềm đam mê đối với trái bóng cam. Và nhờ sự đam mê đó cộng với sự kiên trì nhẫn nại, thành quả đã đến.
Lần đầu tiên cái tên Bùi Quốc Tân xuất hiện ở bóng rổ Việt Nam, đó là giải trẻ toàn quốc năm 2009 tổ chức tại Huế. Tân thi đấu cho đội Hậu Giang, do Sóc Trăng không đủ VĐV tham dự. Tại giải đấu đó Hậu Giang xếp hạng 2, chỉ chịu thua TP.HCM.
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất từ khi chơi bóng của tôi là năm 18 tuổi. Tháng 5 thi đấu giải vô địch quốc gia tại Bình Thuận mà tháng 6 phải thi tốt nghiệp.
Vừa mong muốn được thỏa niềm đam mê chơi bóng tại sân chơi lớn nhất cả nước và vừa phải lo tốt việc học tập nên mình hơi lo lắng và bị phân tâm, khi đó mình còn mang cả sách vở đi theo để ngoài thời gian tập luyện và thi đấu, có thể ôn bài và sau khi trở về thì mình cũng hoàn thành kỳ thi với số điểm khá tốt”, Tân chia sẻ.
Những khó khăn trong cuộc sống
Không giống với nhiều VĐV khác, Tân có cuộc sống ngoài bóng rổ khá khó khăn.
Do điều kiện hoàn cảnh không cho phép nên con đường học vấn của Tân dừng lại sau khi đã tốt nghiệp cấp 3. Năm nay mới 24 tuổi (1992) nhưng Tân đang phải gánh trên vai trách nhiệm là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ngoài thời gian tập luyện với trái bóng cam, Tân còn học thêm nghề sửa chữa xe máy để có thể giúp trang trải cuộc sống cho gia đình. Vì thế đối với Tân mỗi lần được chơi bóng như là niềm hạnh phúc, để giải tỏa và tạm gạt ra khỏi đầu những lo toan cuộc sống thường nhật.
VBA ra đời và cơ hội đến sau nỗ lực không biết mệt mỏi
Khi VBA bắt đầu, Tân tham gia thử việc ở đội bóng Cantho Catfish nhưng không được HLV tuyển chọn. Tuy nhiên với niềm đam mê, Tân không chịu lùi bước và tiếp tục thử sức với những đội bóng khác để tìm kiếm cơ hội.
Cuối cùng vận may đã đến với Tân ở Saigon Heat. Một lần nữa anh rời xa gia đình để đi tìm kiếm những thử thách mới tại TP.HCM.
“Thực sự có nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ, mình có thể chơi bóng rổ chuyên nghiệp như hiện nay. Nhưng đến thời điểm này, tôi nghĩ công sức và sự nỗ lực của mình cũng đã được đền đáp xứng đáng", Tân bộc bạch.
“Lúc thi đấu, Tân luôn chơi với tinh thần và khả năng chuyên môn cao nhất. Những cú ném 3 điểm ở thời khắc quan trọng của Tân luôn tạo được niềm tin đối với chúng tôi”, Phạm Thành Nhân nhận xét về đồng đội của mình tại Saigon Heat.
“Những gì tôi đã trải qua và có được ngày hôm nay có lẽ nhờ tính kiên trì, nhẫn nại. Tôi rất thích câu nói “Hard work beat talent when talent doesn’t work hard” (Người tập luyện chăm chỉ sẽ chiến thắng những người có tài năng thiên bẩm nhưng không chịu tập luyện) và tôi luôn nghĩ rằng đó là động lực thúc đẩy để mình luôn cố gắng không ngừng trong sân lẫn cuộc sống ngoài đời”, Tân nói.
Khi được hỏi về mục tiêu cùng Saigon Heat, chàng trai sông nước chia sẻ: "Trước mắt, tôi và đồng đội sẽ cố gắng hết mình để có thể đem lại kết quả tốt nhất cho đội bóng trong từng trận đấu. Hy vọng sẽ là chức vô địch tại VBA lần đầu tiên được tổ chức”.
Video: Những pha bóng ấn tượng của Quốc Tân (số 69) tại VBA