Nhìn từ VBA, cần nhìn nhận đúng hơn về Trash-talk

thứ tư 4-10-2017 14:44:47 +07:00 0 bình luận
Tồn tại trong nhiều thập kỷ của thể thao thế giới, Trash-talk trở thành một hình thức gây ảnh hưởng lên tinh thần các vận động viên.

Tồn tại trong nhiều thập kỷ của thể thao thế giới, Trash-talk trở thành một hình thức gây ảnh hưởng lên tinh thần các vận động viên và nếu không xác định quan điểm đúng đắn sẽ dẫn tới hậu quả khó lường.

Trash-talk là một cách thức xúc phạm bằng lời nói thường thấy trong các sự kiện thể thao nhằm đe dọa, gây hỗn loạn tinh thần cho phe đối lập. Trong bóng rổ gọi hình thức này là Trash Talk, trong khúc côn cầu thì lại dùng từ Chirping còn cricket gọi là Sledging. Sự biến tướng của Trash-talk rất đa dạng tùy theo người sử dụng nhưng cần có những khuôn phép riêng phải quán triệt để tránh gây ra sự xấu xí trong thể thao.

Trash Talk khác với văng tục hay giải thích

Một thời gian, nhiều quan điểm cho rằng Trash-talk là nghệ thuật. Lí do bởi khởi nguồn của nó luôn nằm ở việc sử dụng những câu từ tinh tế độc đáo nhằm gây ảnh hưởng tâm lý lên đối phương theo cách hài hước.

Huyền thoại boxing Muhammad Ali ở thập kỷ 1960 và 1970 chính là người nổi tiếng đầu tiên có thói quen sáng tạo ra những cụm từ trêu chọc đầy thú vị. Ali thậm chí còn phát hành cả một album bao gồm những đoạn Trash-talk rất được yêu thích của ông.

Những câu đáng nhớ có thể được kể tới như “anh ta đấm cứ như một nàng công chúa”, hay “tôi như một con sư tử còn anh chỉ như một con nai”. Hầu hết tất cả đều nằm ở mức giới hạn cho phép và không nhiều những yếu tố tục tĩu trái đạo đức.

...

Muhammad Ali có thể được coi như bậc thầy phổ biến Trash-talk trong giới thể thao Mỹ.

Ngày nay, Trash-talk bị biến tướng đa dạng và nhiều môn thể thao phải ra luật cấm các cầu thủ nói chuyện nhỏ lẻ trên sân hoặc xử phạt những người có hành vi lời lẽ không đúng chừng mực nếu để trọng tài phát hiện. Và tất nhiên đi kèm với xử phạt thì hội đồng kỷ luật phải có sự phân biệt về các dạng giao tiếp nhưng điều này vốn thực hiện không dễ.

Hậu vệ Ngô Tuấn Trung của HCM City Wings tại VBA vừa qua có chia sẻ mang đại ý rằng anh chỉ muốn phân trần và muốn được nghe các trọng tài giải thích hợp lý về các tình huống diễn ra trên sân. Trường hợp này tất nhiên khác và không được tính vào dạng hành động lăng mạ, khiêu khích cũng như Trash-talk.

Nhưng nếu trong quá trình giao tiếp vô ý phát ra những từ tục tĩu hay những cử chỉ thiếu chuẩn thì nhiều trọng tài khó tính có thể biến đây thành lỗi phạt. Những cuộc nói chuyện nhỏ (small talk) nếu chưa xác định được nội dung cũng không tính vào Trash-talk. Ranh giới phân biệt thực ra rất mong manh.

...

Nhìn từ xa, các tình huống như này rất khó để phân biệt tính chất.

Do đa phần rất khó để xác định các cầu thủ đã thì thầm điều gì vào tai nhau nên các ban kỷ luật gần như bất lực trong việc xử lý các tình huống kín đáo. Khuôn phép giới hạn chỉ còn nằm ở ý thức của người sử dụng. Trash Talk cần được phân biệt với văng tục, lăng mạ hay lời nói thù hẳn gây tổn thương sâu sắc tới người khác.

Trash Talk không dễ

Có Trash-talk trên sân và ngoài sân, có phong cách lèm bèm không ngớt như Gary Payton, hoặc kết hợp giữa việc nói với cử động khuôn mặt đầy biểu cảm của Reggie Miller, đôi khi áp vía kiểu Kevin Garnett, hay ghê gớm nhất là Michael Jordan với chỉ vài câu nói nhưng làm mất cả cảm giác ném rổ của đối phương.

Quan sát những cầu thủ được hâm mộ nhất trong khoản Trash-talk, có thể nhận thấy hầu hết họ là các siêu sao thể hiện được giá trị lớn trên sân. Điều này cho thấy, một cầu thủ Trash Talk hay sẽ được công nhận khi bản thân có thực lực, phải chơi hay mà nói cũng hay. Quan trọng, điều họ làm phải có lợi ích thiết thực chứ không nhằm gây rắc rối.

HLV Tyronn Lue của Cavaliers hiện tại cho hay: “Bạn sẽ không bao giờ thắng trong các cuộc Trash-talk với các siêu sao như Allen Iverson, Kobe Bryant hay Shaq. Trash-talk phổ biến thường nhắm tới điểm yếu nơi các kỹ năng của đối phương, các mối quan hệ đang bị chê cười của họ ngoài đời hay thói quen lạ nào đó ..v.v. Nhưng với các siêu sao, cứ mỗi lần bạn thử chọc tức họ thì họ sẽ chỉ cho bạn thấy các thông số (ghi điểm, kiến tạo) mà họ có được. Lúc đó, bạn chẳng còn gì để nói.”

Video những cầu thủ Trash-talk nổi tiếng nhất của NBA.

Ngoài mục đích gây ảnh hưởng lên tinh thần đối thủ để dễ dàng đạt được chiến thắng, Trash-talk có những mặt hại thấy rõ.

Ví dụ như ở chính trận đấu giữa Sai gon Heat và Ha Noi Buffaloes vừa qua tại VBA, những lời qua tiếng lại đã khiến ngôi sao Việt Arnold chơi quyết liệt và hiệu quả hơn giúp Heat giành thắng lợi. Trash-talk phản công dụng, điều này mà rất dễ xảy ra khi vô tình kích động tinh thần thi đấu của một cầu thủ ngôi sao.

Chưa hết, nếu một cầu thủ gặp một bậc thầy lão luyện hơn về Trash-talk thì chính anh ta lại bị chọc tức và xuống tinh thần, làm ảnh hưởng tới khả năng thi đấu.

Nhưng nghiêm trọng hơn, Trash-talk có thể dẫn tới các tình huống ẩu đả, bạo lực làm xấu đi hình ảnh của giải đấu. Xét về yếu tố cá nhân, nó còn tạo ra những mối thù hận lâu dài giữa những cầu thủ, đội bóng hay cả cộng đồng cổ động viên. Bởi thế, nếu coi Trash-talk là nghệ thuật thì hãy hướng tới sự châm biếm tinh tế nhằm đạt được mục đích thay vì hủy hoại những giá trị tốt đẹp.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm