Ban tổ chức VBA ứng phó thế nào khi mùa giải 2020 bị hoãn?

Minh Hiếu
chủ nhật 5-7-2020 11:50:40 +07:00 0 bình luận
VBA đã gặp rất nhiều khó khăn và cho tới nay vẫn chưa thể khởi động mùa giải 2020. Vậy Ban tổ chức đã, đang và sẽ làm những gì để giải đấu diễn ra thuận lợi?

VBA 2020 sẽ không lùi lịch thi đấu nữa

Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức mùa giải 2020. COVID-19 đã khiến Ban tổ chức lùi lịch khởi tranh từ tháng Sáu tới tháng Bảy. Sau đó, vì sự khó khăn trong việc đi lại của các ngoại binh, huấn luyện viên và cầu thủ gốc Việt, mùa giải tiếp tục bị hoãn cho tới cuối năm. Người hâm mộ vẫn lo ngại rằng mùa giải sẽ tiếp tục hoãn nếu tình hình COVID-19 tại nước ngoài chưa khả quan, hoặc tệ hơn là VBA 2020 sẽ không tồn tại.

Dẫu vậy, ông Trần Chu Sa, COO của VBA cho biết Ban tổ chức không có ý định hủy mùa giải năm nay và cuối năm 2020 sẽ là thời hạn chót để Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam diễn ra. Lý do chính là vì cuối năm 2021 sẽ có SEA Games 31 tổ chức tại Hà Nội.

"Nếu đến thời điểm dự kiến mà tình hình vẫn bất lợi cho việc tổ chức, VBA vẫn sẽ diễn ra dù có thể sẽ xuất hiện đôi chút yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn hay trải nghiệm của khán giả. Lý do là năm sau chúng ta sẽ phải ưu tiên cho ĐTQG tập trung, tập huấn chuẩn bị cho SEA Games diễn ra tháng 11. VBA 2021 dự kiến sẽ phải diễn ra sớm hơn thường lệ và việc lùi mùa giải 2020 muộn hơn nữa hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị cho mùa giải 2021".

Ông Trần Chu Sa - COO của VBA. Ảnh: Việt Long

Với phát biểu của ông Sa, chắc chắn VBA đã tính tới phương án thi đấu với toàn bộ nội binh cùng một số ít các cầu thủ gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là các đội hoàn toàn có thể thi đấu với quỹ lương lớn hơn vì không còn suất ngoại binh, dẫn tới việc nhiều nội binh có thể hưởng lợi. Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam sẽ không được tăng lương một cách bừa bãi:

"Việc tăng lương cho vận động viên phải xét trên nhiều yếu tố chưa không chỉ dựa vào việc có thêm ngân sách hay tiết kiệm được một vài khoản chi phí. Tăng bao nhiêu và tăng theo lộ trình như thế nào để vừa là sự khích lệ, vừa là động lực để VĐV phấn đấu, cố gắng tập luyện và thi đấu sẽ phải được chúng tôi cân nhắc kỹ lưỡng".

"VBA sẽ không vì một số yếu tố thay đổi trước mắt mà thay đổi chính sách phát triển trong dài hạn dành cho vận động viên. Đặc biệt là năm nay cũng không phải một năm dễ dàng mà bản thân Giải đấu cũng như Chủ sở hữu các câu lạc bộ cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn".

VBA có thể diễn ra với toàn nội binh? Ảnh: Minh Hiếu

Khó đưa huấn luyện viên, vận động viên từ nước ngoài tới Việt Nam

Một trong những nỗ lực lớn nhất của Ban tổ chức VBA là xin phép cho các nhân sự nước ngoài đến Việt Nam. Ở môn bóng đá, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã xin được giấy phép chuyên gia cho Giám đốc Kỹ thuật Yusuke Adachi sang làm việc. Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam đã có động thái tương tự, thậm chí là từ rất sớm, nhưng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.

"VBA với sự hỗ trợ từ Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam cũng đã có những bước chuẩn bị để xin giấy phép chuyên gia từ sớm. Tuy nhiên, tình hình nhân sự có nhiều biến động theo tình hình khởi động trở lại của các giải đấu khác trên thế giới".

"Bên cạnh đó, đa số các nhân sự nước ngoài của giải đấu lại đến từ Mỹ, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 nên việc xét duyệt cũng có phần khó khăn hơn. Tuy nhiên, việc xin cấp phép nhập cảnh cũng chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể", ông Trần Chu Sa tiếp lời.

HLV Eric Weissling cùng nhiều nhân sự nước ngoài của VBA khó tới Việt Nam

"Việc sắp xếp được chuyến bay quốc tế về Việt Nam và việc cách ly sau khi nhập cảnh là cả một quá trình không hề đơn giản. Đây cũng là rào cản chính khiến các vận động viên, chuyên gia người nước ngoài lo ngại. Một số trong các nhân sự này dù ban đầu nhận lời nhưng nay đã từ chối tham gia VBA".

Như vậy, Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam gặp quá nhiều khó khăn trong việc đưa những chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên tới thi đấu tại Việt Nam tại mùa giải năm nay. Viễn cảnh về việc VBA không có ngoại binh đang dần trở nên rõ ràng hơn.

Saigon Heat phải ưu tiên cho VBA

Saigon Heat từng nhiều lần khởi đầu ABL muộn. Ảnh: Việt Long

Sự thay đổi lịch trình của VBA cũng sẽ có tác động đối với lịch thi đấu của VBF cũng như đội bóng rổ chuyên nghiệp Saigon Heat tại ABL. Tuy nhiên, theo ông Trần Chu Sa, các vướng mắc đã được đưa ra và giải quyết, trong đó có việc Saigon Heat sẽ phải dành sự ưu tiên cho đấu trường quốc nội.

"Phia Ban điều hành giải đấu đã cùng Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam và câu lạc bộ Saigon Heat thảo luận trong một thời gian dài để đưa ra thời gian tổ chức mới cho VBA. Theo đó, cần phải dung hòa lợi ích của giải đấu cũng như các đơn vị liên quan".

"Với Giải Bóng rổ Nhà nghề Đông Nam Á, khi chưa thể xác định được thời gian giải đấu có thể quay trở lại chính thức, Saigon Heat sẽ phải ưu tiên cho VBA, vì VBA không chỉ là một giải quốc nội chính mà đội tham dự, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và rèn luyện lực lượng cho đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế, đặc biệt là SEA Games năm sau do Việt Nam tổ chức".

Saigon Heat sẽ phải ưu tiên cho đấu trường trong nước. Ảnh: Việt Long

"Nếu ABL có quay trở lại vào thời điểm cuối năm nay, có thể Saigon Heat sẽ phải có phương án tham gia thi đấu muộn từ đầu năm sau, như những gì họ đã làm ở cuối năm 2019 để tập trung đội tuyển tham dự SEA Games", ông Sa kết luận.

Trước mùa giải ABL 2019-20, Saigon Heat cũng từng có một lần phải bắt đầu muộn, đó là vào mùa giải 2017-18, khi VBA 2017 kết thúc vào thời điểm cuối năm bởi ảnh hưởng của lịch thi đấu SEA Games 29. Vì vậy, đây không phải là trường hợp mới mẻ với đội bóng thành phố mang tên Bác.

Một trong những giải đấu quan trọng nhất của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam là Giải Vô địch Quốc gia dự kiến diễn ra vào tháng 12, tức là trùng lịch thi đấu mới của VBA. Dù ông Sa không nhắc tới, nhưng nhiều khả năng giải VĐQG sẽ được đẩy lên sớm hơn VBA, nhất là khi đa số cầu thủ tham dự cả hai giải đấu.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm