Câu chuyện 8 VĐV của 4 đội bóng đang thi đấu tại VBA by Jetstar 2017 được triệu tập đi thi đấu giao hữu ở Australia (15 đến 25/9) cùng đơn vị chủ quản là LĐBR TP. Hồ Chí Minh đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Theo lý giải của Tổng thư ký Liên đoàn bóng rổ VN (VBF) ông Đặng Hà Việt lý giải, thực tế việc này không có gì lạ và sẽ còn diễn ra trong tương lai khi bóng rổ Việt Nam phát triển.
Giải quyết khúc mắc
Đầu tiên, cần phải nhắc lại rằng Liên đoàn bóng rổ TP.HCM là cái nôi cung cấp nhiều vận động viên thi đấu chuyên nghiệp tại VBA mùa đầu tiên 2016, nổi tiếng thì có như Lê Ngọc Tú, Huỳnh Hải, Tuấn Trung...năm nay nổi lên có Hoàng Tuấn (Danang Dragons).
Mặc dù thi đấu cho các CLB tại VBA nhưng biên chế của các VĐV vẫn nằm ở các đơn vị bóng rổ địa phương do được họ đào tạo tại đây. Công ty tổ chức VBA sẽ có đại diện để ký hợp đồng với các VĐV thông qua đơn vị chủ quản địa phương.
Và trước khi ký, các bên sẽ cùng thỏa thuận với nhau một số điều khoản, trong đó có việc triệu tập cầu thủ theo một kế hoạch có sẵn từ trước. Giống như việc Liên đoàn bóng rổ TP.HCM vừa gọi 8 VĐV lên đường sang Australia thi đấu giao hữu.
Ông Việt nói rõ: "Họ đã làm việc với phía VBA về việc này từ trước, và các đội bóng đều đồng ý điều khoản này. Bóng rổ là môn chơi chiến thuật và tâm lý. Mùa giải còn rất dài và cuộc đua play-off không thể bị ảnh hưởng chỉ bởi 1-2 trận đấu".
Tổng thư ký VBF dẫn ví dụ như như việc đội tuyển quốc gia triệu tập cầu thủ bóng đá lên tuyển và khẳng định: "Bóng rổ Việt Nam đang trên đà phát triển và sau này việc gọi cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, tập huấn sẽ còn diễn ra".
Không thể phủ nhận việc bốn đội có sử dụng cầu thủ của Liên đoàn bóng rổ TP.HCM bị mất quân lần này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội hình trong khoảng thời gian 10 ngày (từ 15-25/9/2017) nhưng từ phía BHL đều có sự thông cảm.
HLV Ricky Magallanes của HCMC Wings, đội bóng mất đến ba vị trí quan trọng chia sẻ: "Chúng tôi chấp nhận và có sự thích nghi cho trận đấu với Hanoi Buffaloes. Các cầu thủ trẻ sẽ có nhiều cơ hội thi đấu hơn để chứng minh năng lực của họ".
Dung hòa lợi ích các bên liên quan
Như đã đề cập ở trên, việc BTC VBA với Liên đoàn bóng rổ TP.HCM đã có sự thống nhất từ trước về kế hoạch đi đấu giao hữu tại Australia. Chấp nhận việc này là một cách "dung hòa lợi ích các bên hòng tạo ra giá trị bền vững", theo lời ông Việt.
Theo đó, mỗi đơn vị địa phương có những kế hoạch riêng và cần sử dụng con người của họ. Chi phí đào tạo một VĐV bóng rổ chuyên nghiệp rơi vào khoảng 10 triệu/tháng cho quãng thời gian 10 năm và họ có trách nhiệm với cơ quan chủ quản.
Ông Đặng Hà Việt cũng kết luận: "Trong điều lệ giải có quy định đảm bảo quyền lợi cơ quan chủ quản, cũng như lợi ích quốc gia, bởi vậy khi có thỏa thuận, các đội bóng phải nhả người. Nếu VĐV không chấp hành có thể sẽ bị cấm thi đấu tại VBA".
Câu chuyện dung hòa lợi ích hay còn gọi là huy động và và chia nguồn lực vì cái chung bền vững và lâu dài của bóng rổ Việt Nam cũng qua việc này được cụ thể hóa hơn.