Đồng Nai xuống hạng (Kỳ 5): Đá bóng vì ai?

thứ sáu 20-11-2015 22:40:41 +07:00 0 bình luận
Trước khi V.League 2015 hạ màn, khẩu hiệu “CLB bóng đá Đồng Nai tri ân, xin lỗi lãnh đạo và người hâm mộ bóng đá Đồng Nai” được treo lên, để rồi bây giờ, đội bóng thấp thỏm chờ phán quyết từ lãnh đạo. Phải chăng, đó là cái giá phải trả khi không coi khán giả là số 1?

Múa lân để… giải hạn

Trước mỗi trận đấu trên sân nhà, BLĐ Đồng Nai thường thuê đoàn lân đến múa. Nhiều người cứ ngỡ đó là “tấm lòng” lãnh đội tri ân khán giả nhưng sự thật phũ phàng, múa lân là để phục vụ công tác… giải hạn. Điều ấy bắt đầu từ trận thua tan nát trước Đồng Tháp, khi các chân sút thay nhau đá ra ngoài trong những tình huống ngon ăn. Đoàn lân xuất hiện đúng thời điểm Đồng Nai “đen” nhất và có nguy cơ xuống hạng.

Chuyện múa lân khiến người hâm mộ chợt nhớ về khẩu hiệu “CLB bóng đá Đồng Nai tri ân, xin lỗi lãnh đạo và người hâm mộ bóng đá Đồng Nai” được căng lên trịnh trọng trước cổng SVĐ. Cứ theo câu chữ mà xét thì khán giả chỉ là… số 2.

Hai câu chuyện khác nhau nhưng có cùng một điểm chung là Đồng Nai chưa bao giờ trân trọng, đặt khán giả ở vị trí hàng đầu. Với suy nghĩ đó, sân Đồng Nai đã vắng dần khán giả theo từng mùa bóng. Và bi kịch thật sự bắt đầu từ thời điểm cuối mùa 2014, khi các cầu thủ dính tiêu cực trong trận đấu với Than Quảng Ninh khiến cho khán giả bắt đầu ghẻ lạnh.

PCT Hội CĐV Đồng Nai, Trần Đình Chiến đã từng buồn bã chia sẻ rằng ông cùng các CĐV trong Hội đi kêu gọi NHM đến sân cổ vũ cho đội nhà mà phải rước thêm nhiều hổ thẹn. Nhiều người thẳng thừng tuyên bố, đến chuyện xem qua truyền hình họ còn không thèm chứ đừng nói đến sân cổ vũ. Câu cửa miệng của họ là: “Xem gì mấy đứa bán độ…”.

Trong bối cảnh bị khán giả quay lưng, BLĐ đội bóng cần có những sự thay đổi để lôi kéo “thượng đế” trở lại sân là điều bắt buộc. Nhưng Đồng Nai không làm được điều ấy, và sự thờ ơ của khán giả cũng góp phần “tiễn” họ xuống hạng, khi thành tích trên sân nhà vô cùng bết bát.

Không khán giả, không thể kiếm tiền

Bóng đá không có khán giả sẽ chết. Điều ấy giống như kim chỉ nam, chân lý mà các đội bóng đều phải nhớ để hướng về. “Thượng đế” có đến sân thì mới bán được vé, mới có tiền biển quảng cáo, mới thu hút được nhà tài trợ, những nguồn thu thiết thực hơn nhiều so với tiền bản quyền truyền hình.

Trong suốt 3 năm lên V.League, Đồng Nai chi ít nhất 40 tỷ đồng/mùa nhưng phải sống trong cảnh đợi chờ chuyện giải ngân tiền bạc. Họ là đội bóng được tài trợ bởi các doanh nghiệp Nhà nước nên số tiền tiêu pha được định mức sẵn và cấp theo từng giai đoạn chứ không thể cầm sẵn trong tay cả “một cục” kinh phí của cả mùa.

Nhưng thay vì nghĩ cách kiếm tiền, thậm chí là bắt tay vào việc nhặt tiền lẻ từ khán giả để thoát dần sự chi phối tiền bạc của các doanh nghiệp thì Đồng Nai chỉ biết “nằm chờ” ngân sách. Oái ăm hơn, khi chưa có tiền “rót” xuống thì họ đi vay mượn theo từng mùa bóng để trang trải. Thế nên, mới xảy ra bi kịch là họ đang nợ lương các cầu thủ trong 4 tháng qua vì chưa có tiền giải ngân.

Với một cách làm bóng đá thiếu chuyên nghiệp, Đồng Nai xuống hạng trong nợ nần là cái giá phải trả cho một đội bóng làm bóng đá mà không xem khán giả là số 1, là đích ngắm cuối cùng để phục vụ. Bây giờ, một trong những lý do khiến số phận của Đồng Nai còn chưa được quyết, cũng liên quan mật thiết đến tiền bạc và niềm tin của khán giả nhà. 

Mùa bóng này, sân Đồng Nai duy nhất một lần được lấp đầy là trận đấu với HA.GL, khi phần lớn khán giả đến xem những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Trong khi đó, rất nhiều lần khán giả bỏ về sớm khi kết quả trận đấu sớm được định đoạt, bởi phần lớn họ đều ngán ngẩm đội nhà.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm