Theo luật, 6 tháng trước khi hết hợp đồng cầu thủ được phép liên lạc với đội bóng mới nếu muốn thay đổi. Thế nên khi các HLV, lãnh đạo liên hệ với cầu thủ mà họ muốn tuyển mộ là điều bình thường và cần làm. Tuy nhiên, với môi trường BĐVN thì việc nắm bắt tư tưởng, ý định để có lựa chọn tốt nhất và tránh bị “hớt tay trên” đôi khi trở thành lý do để thực hiện mục đích khác.
Khi cầu thủ mà đội bóng này đã “liên hệ” để mùa sau ký hợp đồng với những hứa hẹn, tự bản thân cầu thủ đó sẽ hiểu ý, ý thức được điều cần làm để “lấy điểm” dù không được đặt trực tiếp vấn đề về việc “xin điểm” hay đá hộ, trong trường hợp đối thủ là đối tượng cạnh tranh với đội bóng có thể sẽ đầu quân. Nó có thể là việc xuống phong độ thất thường, sai sót cá nhân và cũng có thể là gồng lên đá trối chết để “giúp”. Đó là thực tế và có không ít trường hợp xảy ra ở V.League, hạng Nhất.
Đó cũng chính là lý do khiến những đội bóng tham gia cuộc đua trụ hạng ở đoạn cuối giải cứ phải đề phòng “thù trong, giặc ngoài” và đặt trong tình trạng “như thời chiến”.
Ví dụ như CLB XSKT.Cần Thơ thời gian qua, nhiều cầu thủ rục rịch chuẩn bị cho tương lai sau khi mùa giải kết thúc, vì họ biết rằng dưới thời GĐKT Vũ Quang Bảo chắc chắn sẽ không có cơ hội ở lại. Đối mặt với nguy cơ và lo trụ hạng, việc quan trọng nhất với ông Bảo là phải dùng đủ loại võ để nắn gân, động viên lẫn trấn an tâm lý quân. Trước mỗi buổi tập và thi đấu, BLĐ và BHL luôn rất sát sao, tìm mọi cách phòng tránh cầu thủ bị lôi kéo từ các đối thủ cạnh tranh và tránh tư tưởng “trước sau gì cũng đi, đá để làm gì”.
V.League giai đoạn quyết định thành bại và điều mà người ta sợ nhất là cách mà các đội bóng đi “liên hệ” với cầu thủ, khi mạnh ai nấy chạy. Và ở BĐVN, nếu không trông chờ được vào lương tâm, ý thức cầu thủ thì cách làm hiệu quả nhất là “lấy độc, trị độc”.
LÊ NGUYÊN