Không phải là “con nhà nghèo”, cũng không hẳn là đội bóng giàu tiềm lực tài chính nhưng S.Khánh Hòa BVN luôn đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa cá nhân và đội bóng để duy trì sự ổn định.
Ở mùa giải 2015, S.Khánh Hòa BVN vượt qua những sóng gió để trở lại “mái nhà xưa” V.League. Đội bóng phố Biển được nhận diện là ứng viên nặng ký cho suất xuống hạng bởi lực lượng chủ yếu là cầu thủ trẻ cùng “hàng dạt” từ các đội bóng khác.
Thế nhưng, chỉ sau một mùa giải, S.Khánh Hòa BVN khiến tất cả phải ngạc nhiên với chất ngổ ngáo của mình. Họ là một trong những đội bóng đặt dấu ấn đậm nét trong lối chơi lẫn tinh thần chiến đấu. Cách nhìn cho đội bóng phố Biển đã khác. Một số cầu thủ cũng “bước ra ánh sáng” từ sự thành công chung của đội nhà.
Giờ đây, Quốc Chí, Tuấn Mạnh, Trần Văn Vũ, Đình Khương, Lâm Ti Phông,... là những cái tên gây sốt trên thị trường chuyển nhượng. Rất nhiều đội bóng sẵn sàng bỏ ra số tiền khá lớn để chèo kéo. Thế nhưng, ba mùa giải vừa qua, lực lượng của S.Khánh Hòa BVN luôn giữ được sự ổn định. Những cầu thủ cùng đội bóng phố Biển chinh chiến ở V.League 2015 vẫn đang đóng vai trò trụ cột.
Trước đây, khi Khatoco Khánh Hòa giải thể và chuyển giao về Hải Phòng, bóng đá phố Biển phải đập đi xây lại; thậm chí, có thời điểm, lương của mỗi cầu thủ ở đội 1 chỉ dao động khoảng 1 triệu/tháng. Mặc nhiên, họ được gắn với biệt danh là “con nhà nghèo”.
Thế nhưng, quá khứ đầy rẫy cay đắng đã khép lại. S.Khánh Hòa BVN giờ đây không phải là đội bóng giàu tiềm lực nhưng họ cũng không quá nghèo đến nỗi để cầu thủ chịu thiệt thòi. Theo đó, mỗi trận thắng bất kể sân nhà hay sân khách đều được thưởng 300 triệu đồng.
Trong khi đó, lương cầu thủ loại A là 30 triệu đồng/tháng (chưa tính thuế). Để các cầu thủ phấn đấu và tạo sự công bằng, phân loại cầu thủ liên tục được thay đổi từng tháng tùy thuộc vào sự cống hiến, nỗ lực của họ. Một cầu thủ hạng A của tháng này có thể tụt xuống hạng C của tháng khác nếu không duy trì phong độ hay thái độ không chuẩn mực.
Khác với một số đội bóng, ở S.Khánh Hòa BVN, không có phân biệt giữa cầu thủ đang đào tạo trẻ và cầu thủ hưởng hợp đồng chuyên nghiệp. Tất cả bình đẳng như nhau. Nếu một cầu thủ trẻ thi đấu xuất sắc, cống hiến thì họ vẫn được xếp loại A và nhận mức lương 30 triệu đồng/tháng.
Khi đã tạo được giá trị của mình, rất nhiều cầu thủ được nhiều đội bóng khác chèo kéo. S.Khánh Hòa BVN không ngăn cấm các cầu thủ thương thảo với đội bóng khác. Họ vẫn để cầu thủ được quyền lựa chọn. Thế nhưng, những lúc các cầu thủ đang có sự lưỡng lự, BHL cùng với cá nhân đó ngồi lại với nhau. Ở đó, đích thân HLV Võ Đình Tân sẽ trao đổi một cách sòng phẳng về những gì được và mất đối với họ khi ở lại và khi ra đi.
Vấn đề của S.Khánh Hòa BVN là họ luôn đảm bảo mọi quyền lợi cho cầu thủ như về lương, thưởng, lót tay. Tuy không bằng các đội bóng khác song nó cũng không quá thấp. Thuận lợi của đội bóng phố Biển là các cầu thủ của họ hầu hết là người địa phương và vùng lân cận nên khi cân nhắc các yếu tố, vấn đề gia đình được các cầu thủ xem xét đến. Tất nhiên, như HLV Võ Đình Tân từng chia sẻ, lựa chọn nằm ở các cầu thủ và S.Khánh Hòa BVN luôn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa cầu thủ cũng như đội bóng.
Trước khi V.League hạ màn, một trụ cột của S.Khánh Hòa BVN được “thiếu gia” chèo kéo với mức lót tay 1 tỷ đồng/mùa. Tuy nhiên, con số mà đội bóng phố Biển đưa ra cho cầu thủ của mình không kém cạnh là bao với 800 triệu đồng/mùa. “Dù mức lót tay hay lương có thể thấp hơn các đội bóng khác nhưng mọi chế độ ở đây điều không quá thua kém và S.Khánh Hòa BVN như một gia đình nên khó mà rời xa được”, một trụ cột của đội bóng phố Biển bày tỏ.