Một nghịch lý là V.League 2016 đang rất kịch tính trong cuộc đua vô địch nhưng giải đấu vắng khách so với cuộc đua trụ hạng mùa trước.
Cả vòng đấu không bằng trận chung kết ngược
Đó là tổng khán giả vòng 23 V.League 2016 theo Ban tổ chức thống kê được 24 nghìn 500 người dõi theo 7 trận đấu, nhưng con số ấy không bằng trận đấu chung kết ngược của vòng 23 mùa trước, khi trận đấu giữa Đồng Nai và HA.GL có đến 25 nghìn khán dõi theo.
Cũng tại vòng 23 V.League 2015, không chỉ sân Đồng Nai có con số kỷ lục 25 nghìn khán giả mà sân Bình Dương cũng gần lấp đầy với 18 nghìn khán giả đến xem B.Bình Dương gặp FLC Thanh Hóa. Nó hoàn toàn trái ngược so với những trận đấu chỉ có vỏn vẹn 1.000 – 1.500 người ở vòng 23 V.League 2016.
Sức nóng của cuộc đua trụ hạng mùa trước còn được kiểm chứng qua những trận đấu có lượng khán giả rất đông như Đồng Nai – FLC Thanh Hóa vòng 21, với 19 nghìn người dõi theo. Riêng sân Pleiku gần như được lấp đầy trong các trận đấu của HA.GL.
Lượt về V.League 2016, trận đấu quan trọng giữa Hải Phòng và Hà Nội T&T vòng 20 có khoảng 9 nghìn khán giả. Hay trận đại chiến giữa Hải Phòng và FLC Thanh Hóa vòng 22 có 16 nghìn khán giả. Vòng 24, Hải Phòng – QNK.Quảng Nam có 15 nghìn khán giả…
Điểm qua những trận đấu có số lượng khán giả cao nhất trong giai đoạn quan trọng của V.League 2016 để thấy được sự khác biệt so với cuộc đua trụ hạng mùa trước. Dù có một thực tế thì sân Lạch Tray đang là điểm sáng lớn về chuyện thu hút khán giả ở mùa này, với lương khán giả trung bình lượt đi lên đến 17.500 người/trận.
Tất cả đã cho thấy một sự nghịch lý khi V.League 2016 đang đua rất… khốc liệt nhưng giải đấu lại ế khách, hoặc không có sức nóng bằng cuộc đua trụ hạng mùa trước. Đó thực sự là một điều đáng tiếc khi V.League 2016 đang có một đua vô địch thuộc diện nóng bỏng nhất lịch sử.
Vì sao ế khách?
Tổng giám đốc VPF ông Cao Văn Chóng đã trao đổi rất thẳng thắn và thừa nhận có những nguyên nhân khiến cho lượt về V.League 2016 trở nên vắng khán giả, dù giai đoạn lượt đi có những tín hiệu đầy tích cực, thậm chí đông khán giả hơn so với mùa trước.
"Bắt đầu từ EURO 2016 thì lượng khán giả giảm và những vòng đấu gần đây có chiều hướng tăng. Việc khán giả không đạt như kỳ vọng thì tôi nghĩ cũng có nhiều nguyên nhân.
Theo cá nhân tôi cảm nghĩ, có thể do công tác chuyên môn còn một số vấn đề như công tâc trọng tài và một số điều khác, chưa như kỳ vọng của người hâm mộ. Tuy nhiên, một số trận đấu gần đây có trọng tài ngoại điều hành thì công tác trọng tài được cải thiện rất nhiều.
Công bằng mà nói thì những trận đấu gần đây lượng khán giả đã tăng lên rồi. Khi số lượng khán giả bình quân thì có một số sân đang rất vắng, do thành tích của CLB không được tốt. Ví dụ như sân Đồng Tháp, Long An, Bình Dương. Những sân có số lượng khán giả ít khiến khán giả bình quân thấp.
Thực ra, các trận đấu tranh chấp thứ hạng có lượng khán giả cao chứ không hề thấp như sân Hải Phòng, sân Quảng Ninh hay sân Thanh Hóa…
Tôi cũng muốn nói cho hết ý vấn đề này khi nguyên nhân chính là dịp EURO khiến cho khán giả bị san sẻ, bởi họ coi các trận cầu đỉnh cao. Điều thứ 2 là thời điểm ấy một số vấn đề liên quan đến chuyên môn trọng tài lùm xùm có thể giảm niềm tin của người hâm mộ. Tôi thẳng thắn nhìn nhận thôi… ", ông Cao Văn Chóng nói.
Theo ông Cao Văn Chóng, V.League 2016 thiếu một hiện tượng kiểu HA.GL mùa trước cũng khiến cho giải đấu kém thu hút khán giả. Tuy nhiên, ở góc độ của nhà tổ chức giải thì không lệ thuộc 1 đội bóng nào cả mà giải đấu xây dựng hình ảnh trên 14 đội bóng.
Tựu trung nhiều vấn đề thì V.League 2016 rõ ràng giảm nhiệt trong giai đoạn quyết liệt nhất, trong đó điểm nhấn lớn nhất chính là niềm tin khán giả bị giảm sút với vấn đề trọng tài và khán giả nghi ngờ về tính kịch trong sự kịch tính của giải đấu.
Mùa này, Hải Phòng là đội bóng có lượng khán giả trên sân nhà cao nhất. Riêng trận đấu vòng 8 giữa đội bóng đất Cảng và B.Bình Dương có đến 28 nghìn khán giả đến xem. Một con số kỷ lục của giải đấu nhưng sân Lạch Tray cũng giảm nhiệt trong giai đoạn cuối, dù Hải Phòng đang có cơ hội lớn để vô địch.