Sự mù mờ về luật lệ của “ao làng” Đông Nam Á
Theo công bố của Philippines hồi tháng 3, Việt Nam bị xếp ở nhóm hạt giống số 4 (nhóm thấp nhất) của môn bóng đá nam. Theo giải thích, cách chia nhóm này được dựa trên thành tích của các đội tuyển ở SEA Games 2017.
Giải đó, đội tuyển U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hữu Thắng bị loại ngay từ vòng bảng. Chính vì vậy, Việt Nam cùng Lào, Timor Leste và Campuchia bị xếp vào nhóm 4 tại SEA Games 30.
Tuy nhiên, mới đây VFF đã thông qua Uỷ ban Olympic Việt Nam (VOC) gửi văn bản khiếu nại lên Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. VFF cho rằng cách sắp xếp kể trên có vấn đề. Việt Nam kết thúc giải với 10 điểm, trong khi Myanmar (9 điểm) và Singapore (6 điểm) nhưng lại được xếp vào nhóm 3 ở Đại hội năm nay.
Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á sẽ đưa điều này ra trong cuộc họp Ban chấp hành của tổ chức này ngày 22/4. Việt Nam có được xếp lại nhóm hạt giống hay không thì chưa biết, nhưng điều này cũng làm dấy lên vấn đề về luật chia nhóm của SEA Games. Thậm chí, đây là vấn đề về cách làm việc chẳng giống ai của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á.
Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: “Đây có thể là vấn đề kỹ thuật, có lẽ nhiều môn cần phải sắp xếp nên nước chủ nhà có nhầm lẫn. Đại diện ban tổ chức SEA Games cũng đã tiếp nhận ý kiến và sẽ báo cáo Ủy ban tổ chức SEA Games 30 để điều chỉnh cho phù hợp”
Vấn đề kỹ thuật ? Tại một giải đấu mang tính khu vực, nếu đó là nhầm lẫn thì nó quá nghiệp dư. Chia nhóm dựa theo thành tích nhưng đội có số điểm cao hơn lại xếp vào nhóm dưới.
Nhưng đâu phải chỉ có thế, ngày 11/9/2018 , LĐBĐ Đông Nam Á mới quyết định độ tuổi cho môn bóng đá nam tại SEA Games 2019 là U22. Trước đó, các quốc gia Đông Nam Á có ý kiến tranh cãi về việc nên sử dụng lứa U21 hay U22.
Rồi đột nhiên, ngày 18/3/2019, Philippines đã bất ngờ thông báo bên cạnh quy định độ tuổi tham dự là U22, các quốc gia Đông Nam Á sẽ được đăng ký thêm 2 cầu thủ có độ tuổi cao hơn so với quy định (U22+2). Việc việc làm này bắt nguồn từ chất lượng đào tạo trẻ không thật tốt của bóng đá Philippines, họ muốn tận dụng nguồn lực của ĐTQG. Và với vai trò chủ nhà của mình, gần như chắc chắn Philippines “muốn gì cũng được”.
Luật lệ tham dự, phân chia nóm thi đấu được quyết định nhiều bởi nước chủ nhà hơn là từ LĐTT khu vực. Những điều không giống ai này có lẽ chỉ có tại nơi mà NHM gọi là “ao làng” Đông Nam Á.
Muốn lấy được “vàng”, việc làm này là không cần thiết
Bị xếp vào nhóm 4 là một bất lợi nhưng Việt Nam hiện nay đã ở vị thế rất khác so với trước đây. Chúng ta đang là ĐKVĐ Đông Nam Á, là đệ tứ anh hào tại Asiad và nằm trong top 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019.
SEA Games là một đấu trường nhỏ không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA. Thế nhưng, HCV tại nơi đây lại là khao khát của biết bao thế hệ cầu thủ và NHM bóng đá Việt Nam. Hiểu được điều này, đích thân thầy Park sẽ cầm quân tại SEA Games 30.
Đội hình U22 Việt Nam có nhiều cầu thủ vừa cùng thầy Park hạ gục người Thái 4 bàn không gỡ, để đứng đầu vòng loại bảng K giải U23 Châu Á. Việt Nam hiện nay có tướng tài, binh giỏi, khí thế lại đang lên cao, gặp ai tại Đông Nam Á này thì cũng đâu có sao.
Nếu chúng ta bị xếp vào nhóm bất lợi tại đấu trường Châu lục thì không nói. Còn tại nơi "ao làng" như SEA Games, các đội bóng vốn đã quá hiểu nhau. Dù Việt Nam nằm Nhóm 3 hay Nhóm 4 thì chúng ta cũng sẽ chỉ rơi vào 1 trong 2 bảng đấu có đầy đủ các nhóm hạt giống.
Không gặp Thái Lan, Malaysia thì cũng là Indonesia, Singapore hay Philippines, lẽ ra chính họ phải sợ việc Việt Nam nằm ở Nhóm hạt giống số 4 mới đúng. Với những thành công rất lớn thời gian qua, không đội nào muốn gặp thầy trò HLV Park Hang-seo ngay từ vòng bảng.
Việc khiếu nại tuy là đúng nhưng cũng không quá cần thiết, Việt Nam muốn giành HCV thì không được phép e ngại bất kỳ đối thủ nào. Với thực lực hiện tại, NHM bóng đá Việt Nam tin rằng, Quang Hải và các đồng đội sẽ có lần đầu tiên giành được Vàng của môn bóng đá nam SEA Games.