Sự bất lực của BTC và VPF
B.Bình Dương đã vô địch sớm 2 vòng đấu và lễ đăng quang được tổ chức ở đâu, bao giờ không phải cái gì to tát. Thế nhưng, nó lại là vấn đề, sau một cuộc chiến mà phía đội bóng đất Thủ chọn cách đối đầu với BTC, với VPF cùng thách thức “nếu trao ở Gò Đậu thì B.Bình Dương không nhận Cúp” và cuối cùng những nhà tổ chức chịu thua, chấp nhận theo ý muốn của nhà vô địch.
Một đội bóng nhà giàu, tiền và lực mạnh lại là nhà bảo trợ cho V.League như B.Bình Dương, tầm ảnh hưởng bao trùm và có thể chi phối nhiều thứ, trong đó có BTC là chuyện bình thường, ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng có. Tuy nhiên, cái cách mà B.Bình Dương ép VPF để nhất quyết làm theo ý mình cho thấy vị thế của BTC và VPF bây giờ. Nhìn lại thì không chỉ mùa giải này mà mấy năm qua, VPF thực sự yếm thế và dường như ngày càng đánh mất chính mình, không kiểm soát nổi cuộc chơi.
Ít người biết, phải nhờ đến sự tác động lẫn níu giữ, TGĐ Phạm Ngọc Viễn mới không rút lui ngay khi V.League 2015 chuẩn bị khởi tranh nhưng ở lại chỉ để làm tròn trách nhiệm và chờ vài tháng nữa về hưu. Thế nên, vị trí và vai trò của ông Viễn mùa này gần như không có.
Trước ông Viễn, GĐĐH kiêm Trưởng BTC V.League Trần Duy Ly xin từ chức và nghỉ hưu trong âm thầm, với bao cay đắng sau “án kỷ luật” từ vụ mổ băng trận Thanh Hoá – XMXT.Sài Gòn mùa 2013. Từ những chuyên gia lão làng như các ông Trần Duy Ly, Phạm Ngọc Viễn, Nguyễn Hữu Bàng (Phó GĐĐH VPF, Trưởng BTC giải hạng Nhất 2013) đến thất bại của chuyên gia Nhật Tanaka Koji sau một mùa giải ngồi ghế Trưởng giải đến sự chi phối và kiểm soát từ VFF…, tất cả đã bộc lộ những vấn đề bất cập ngay ở cấp thượng tầng, từ chính VPF và BTC giải.
Án phạt vội vàng và thiếu lý trí đối với XMXT.Sài Gòn dẫn đến việc đội bóng của bầu Thuỵ bỏ giải ở mùa 2013; việc những đội bóng cỡ HV.An Giang, K.Kiên Giang (sau này đều giải tán) cũng dám gây áp lực ngược lên trọng tài, BTC rồi đến mùa này, từ các HLV Lê Huỳnh Đức, Ngô Quang Trường; từ Thanh Hoá, ĐT.LA đến Đồng Nai, Đồng Tháp và đặc biệt là HA.GL của bầu Đức nếu không phê phán, đả kích thì cũng ra mặt “bật lại”… cho thấy sự yếm thế của BTC và VPF.
Nó thể hiện rõ nhất ở việc người ta chọn cách im lặng, trốn tránh hoặc đối mặt kiểu đối phó trước những sự cố xảy ra, những trận đấu đầy nghi vấn mà chính CĐV của các đội bóng vì quá bức xúc đã lên tiếng yêu cầu VFF, VPF vào cuộc điều tra tiêu cực.
Đáng buồn và đáng sợ khi V.League lại có dấu hiệu quay về “thời kỳ đồ đá”, khi những mối liên kết, quan hệ để “đá trên bàn” có cơ hội chi phối cuộc chơi và những “thây ma” sống lại, trong sự bất lực vì mất kiểm soát của những người có trách nhiệm.
“Quân hồi vô phèng”
Sau chiến thắng nhọc nhằn của ĐTVN trước Đài Loan (Trung Quốc) ở VL World Cup 2018, bầu Đức đăng đàn tuyên bố: “Còn HLV Miura thì BĐVN không phát triển được”. Ông Đức dù là PCT VFF nhưng thẳng thừng đề nghị cho ông thầy người Nhật nghỉ và “cho Miura nghỉ, tôi lo tất…”.
Hãy nhớ, bầu Đức không chỉ là ông chủ của HA.GL mà hiện đang là Phó Chủ tịch VFF. Và rõ ràng, không ngẫu nhiên ông Phó VFF tuyên bố luôn mình “không có quyền và không có khả năng thay đổi điều gì cả, khi vai trò của tôi ở VFF chỉ mang tính chất phụ họa…”, dù ông nổi tiếng là hay phát ngôn “văng miệng”. Cùng với những phát biểu liên quan đến HA.GL và V.League ở mùa giải này, chính bầu Đức không coi ai ra gì, kể cả BTC cũng như VPF.
Ai cũng có thể “chửi” và mạnh ai nấy làm, miễn sao đạt mục đích của mình, tình trạng đó không phải mùa này mới xuất hiện mà nó tồn tại từ vài năm nay. Chính xác, kể từ khi cái bóng của bầu Kiên – người đứng lên “dựng cờ khởi nghĩa”, sáng lập ra VPF và quyết tâm cải tổ BĐVN – không còn, BĐVN không có người cầm đầu và rơi vào tình trạng mất kiểm soát khi thiếu một đầu tàu có đủ thế, lực và hiểu biết, đam mê bóng đá để làm.
V.League của VPF sau 4 mùa giải với những thay đổi tích cực nhưng rồi cuối cùng lại đối diện với những vấn đề cũ và nguy hiểm hơn, rơi vào tình trạng loạn lạc như “rắn mất đầu” khi “cả làng cùng chạy”.
Cay đắng thay!
Độc Phong
Những phát biểu “để đời” của bầu Đức
“Nếu U.19 VN không vô địch SEA Games 2017, hãy gọi tôi là Đức nổ”: Sau khi U.19 VN thất bại tại giải U.19 châu Á tại Myanmar vào tháng 10/2014, ông chủ Học viện HA.GL Arsenal JMG tuyên bố như vậy.
“Cấm cầu thủ U.19 nhận thưởng của VFF”: “Tôi nói thẳng là không bao giờ. Thậm chí VFF có thưởng tôi cũng cấm cầu thủ nhận tiền. Tôi cấm cầu thủ tuyệt đối đụng đến tiền, không đá banh vì tiền mà phải vì màu cờ sắc áo, vì trách nhiệm”. Sau khi U.19 VN với nòng cốt là cầu thủ Học viện HA.GL Arsenal thi đấu ấn tượng tại giải U.19 ĐNÁ năm 2013, ông Đức khẳng định.
“12 tỷ là đủ đá V.League”: “Ở HA.GL, tôi chỉ cần 12 tỷ đồng là đủ đá V.League 2015. Nếu tính thêm phải thuê 2 cầu thủ ngoại thì 15 tỷ đồng là tối đa. Đấy là tính toán trong điều kiện các cầu thủ HA.GL được ăn sung mặc sướng, đi máy bay ở khách sạn sang trọng chứ không phải chi tiết kiệm”. Bầu Đức “nổ bom” và khiến cả V.League phản ứng bởi phát ngôn liên quan đến tiền bạc từ trường hợp đặc biệt của HA.GL, sau khi cho rằng mùa giải này HA.GL sẽ có lãi.
“HA.GL không có thói quen sa thải HLV”: Ông Đức khẳng định như vậy khi HLV Graechen và đội bóng của ông có thành tích bết bát ở lượt đi nhưng khi giải đấu còn 5 vòng, nhà cầm quân người Pháp phải ra đi.
“HA.GL bị đánh hội đồng”
Thất bại liên tiếp và nguy cơ phải xuống hạng, bầu Đức đã đổ lỗi cho việc các cầu thủ trẻ bị các CLB, trọng tài “đánh hội đồng”.
“Đi xin điểm thì nhục lắm”: “Tôi đã khẳng định nếu HAGL rớt hạng thì làm lại từ đầu, xem như đó là bài học quý giá. Chúng tôi đã chấp nhận rớt hạng thì việc gì phải đi xin điểm, xin đội bạn nương chân. Nhục lắm, không bao giờ chúng tôi làm chuyện đó…”., ông chủ HA.GL nói sau chiến thắng 3-1 trước SLNA.
“Sa thải Miura đi, tôi sẽ lo tất cho ĐTVN”: Sau chiến thắng 2-1 trước Đài Loan (Trung Quốc) của ĐTVN, bầu Đức đã liên tục xuất hiện trên truyên thông với những tuyên bố rất sốc, khi yêu cầu sa thải ông thầy người Nhật vì “còn Miura, BĐVN không phát triển”.