Từ truyện Tsubasa đến hành động "chẳng giống ai" của CLB TPHCM và Công Vinh

thứ ba 9-1-2018 11:37:20 +07:00 0 bình luận
Chuyện CLB TPHCM đồng tổ chức Giải bóng đá học đường, cùng việc Lê Công Vinh muốn “đãi cát tìm vàng” ở đây 1 lần nữa động đến vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt.

Chuyện CLB TPHCM đồng tổ chức Giải bóng đá học đường, cùng việc Quyền chủ tịch Lê Công Vinh muốn “đãi cát tìm vàng” nơi đây một lần nữa động đến vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt.

Từ những trang truyện tranh “Captain Tsubasa”, Itto của Nhật Bản, một thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam được truyền cảm hứng về việc có thể trở thành những ngôi sao sân cỏ, thỏa niềm đam mê ngay khi vẫn còn là học sinh, sinh viên.

Năm 2016, Phan Công Thuận ký hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp với CLB Đồng Tháp. Anh bước thẳng từ giảng đường Đại học Huế đến V.League 2016. Dù không trụ lại được lâu với môi trường bóng đá đỉnh cao nhưng hành trình của Công Thuận vẫn trở nên nên vô cùng đặc biệt. Công Thuận chứng minh cho thế hệ mới thấy rằng từ giảng đường đến V.League là có thật.

Phan Công Thuận ký hợp đồng với Đồng Tháp năm 2016 là câu chuyện có thật về việc từ giảng đường đến bóng đá. Ảnh: Trần Khánh.
Phan Công Thuận ký hợp đồng với Đồng Tháp năm 2016 là câu chuyện có thật về việc từ giảng đường đến bóng đá. Ảnh: Trần Khánh.

Thế nhưng, Công Thuận là cá thể và hành trình ấy vẫn được nhìn với ánh mặt quá đỗi ngạc nhiên. Với những thế hệ đồng trang lứa Thuận ở Nhật Bản, Hàn Quốc, câu chuyện đã trở nên bình dị hơn rất nhiều trong suốt 1 thập kỷ qua.

Mới đây nhất, U23 Nhật Bản công bố danh sách tham dự VCK U23 châu Á 2018, có 4 cầu thủ đến từ các trường Đại học. HLV Kim Bong Gil của U23 Hàn Quốc giữ lại 23 cái tên và chẳng phải ngẫu nhiên, danh sách ấy có đến 8 người xuất thân từ bóng đá Đại học.

23 cầu thủ của Hàn Quốc đến từ 18 đơn vị khác nhau, với Nhật Bản là 21. U23 Australia cũng đem đến một đội hình cực kỳ đa dạng về đơn vị chủ quản, 23 cầu thủ được chọn từ 15 CLB khác nhau, trong đó có 8 CLB ở châu Âu. Còn với Việt Nam, 23 cầu thủ chỉ đến từ 8 CLB, hơn phân nửa là những CLB có tiềm lực như HAGL, Hà Nội FC hay FLC Thanh Hóa.

U23 Nhật Bản là đối thủ của U23 Thái Lan tại bảng B, U23 Hàn Quốc là đối thủ của U23 Việt Nam tại bảng D VCK U23 châu Á 2018. Dẫu vậy, không phải đến lúc này người Việt mới biết câu chuyện ấy và thực tế trên sân, những cầu thủ xuất thân từ giảng đường trong đội hình của đội tuyển Hàn Quốc hay Nhật Bản thi đấu chẳng kém gì những đồng đội được đào tạo bài bản từ các đội trẻ của CLB.

U23 Hàn Quốc là đối thủ tại bảng D VCK U23 châu Á 2018 của U23 Việt Nam. Đội hình của họ có 8 cầu thủ xuất thân từ trường Đại học.
U23 Hàn Quốc là đối thủ tại bảng D VCK U23 châu Á 2018 của U23 Việt Nam. Đội hình của họ có 8 cầu thủ xuất thân từ trường Đại học.

Bóng đá học đường Việt Nam kém phát triển hơn hẳn vì vấn đề kinh tế, vì thiếu thầy, thiếu thợ, thiếu quỹ đất và thiếu cả các chương trình, chiến lược. Bóng đá học đường ở Việt Nam về cơ bản vẫn rất nhỏ lẻ, không đều ở các địa phương, cũng như quận huyện.

Cả nước chỉ có một Giải bóng đá sinh viên Toàn quốc dành cho các trường Đại học. Bóng đá phong trào phát triển thời gian qua nhưng gần như chỉ dừng lại ở các đô thị lớn với các sân đấu 7 người, futsal còn bóng đá sân 11 vẫn là thử thách lớn.

Câu chuyện này một lần nữa được xới lên với những phát biểu từ Quyền chủ tịch CLB TPHCM, Lê Công Vinh, ông nói: “Chúng tôi sẽ cử tuyển trạch viên đến xem các trận đấu và tuyển chọn những cầu thủ xuất sắc nhất thử việc ở CLB bóng đá TPHCM. CLB TPHCM cũng cam kết sẽ tổ chức giải đấu trong nhiều năm”.

“Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, bóng đá sinh viên rất phát triển như ở Hàn Quốc đội sinh viên Hàn Quốc rất mạnh, còn ở Nhật, nhiều cầu thủ xuất thân từ sinh viên đã và đang khoác áo tuyển Nhật Bản. Thế nên, không chỉ tổ chức giải cho sinh viên của riêng TPHCM mà sắp tới chúng tôi còn mong muốn tổ chức giải cho sinh viên toàn quốc”.

Giải đấu mà Công Vinh nhắc đến là Giải Bóng đá Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh - CUP VINAPHONE với sự góp mặt của 17 đội đến từ 17 trường đại học có phong trào thể thao nổi bật trong địa bàn thành phố.

Quyền chủ tịch Lê Công Vinh và HLV Miura có mặt tại Giải bóng đá Sinh viên TPHCM - Cup Vinaphone.
Quyền chủ tịch Lê Công Vinh và HLV Miura có mặt tại Giải bóng đá Sinh viên TPHCM - Cup Vinaphone.

Công Vinh muốn tìm những viên “ngọc thô” như cách bóng đá Nhật Bản tìm thấy Shinji Kagawa. Tiền vệ xuất thân từ những đội bóng địa phương ở Nhật Bản rồi vụt sáng trở thành ngôi sao từng khoác áo Manchester United (Anh) và Borussia Dortmund (Đức) ở thời điểm hiện tại.

CLB TPHCM đồng tổ chức một giải đấu sinh viên được thừa nhận là cách để CLB quảng bá hình ảnh. Họ muốn thu hút số lượng cổ động viên là những người trẻ đến từ các trường đại học. Thế nhưng, sự quan tâm đến bóng đá học đường là điều không thể phủ nhận và việc đánh tiếng sẽ không bỏ lỡ những tài năng là cách CLB mở cửa với một nguồn cung cầu thủ nữa bên cạnh các lò đào tạo. Sự kiện này được coi như một hỗ trợ của CLB với nỗ lực phát triển bóng đá học đường của Liên đoàn bóng đá TPHCM (HFF).

CLB TPHCM cũng cho thấy những dấu hiệu của việc gắn bó mật thiết với bóng đá học đường. HLV Toshiya Miura, một người Nhật Bản, sẽ mang hiểu biết từ cái nôi của phát triển bóng đá học đường châu Á đến với TPHCM.

Họ liên tục ký hợp đồng với những cầu thủ có quá khứ, phát triển tài năng từ trường học như trung vệ Đình Luật. Và mới nhất là hai hợp đồng với thủ môn Thanh Diệp và tiền đạo Nguyễn Hải Anh. CLB TPHCM thật sự đang hướng mục tiêu đến với địa phận chưa khai phá được hết tiềm năng ở Việt Nam.

Suốt một thời gian dài, bóng đá Việt Nam vẫn xây nhà từ nóc. Gần đây, hệ thống đào tạo trẻ đang thay đổi với chiều hướng tích cực. Trung tâm đào tạo trẻ của Liên đoàn và hàng loạt lò đào tạo được như Viettel, PVF, Hà Nội, HAGL được đầu tư.

Thế nhưng, không thể khoán hết cho các CLB, các Trung tâm hay Học viện thầu toàn bộ việc phát triển bóng đá trẻ được, mà nhất thiết phải đồng bộ với bóng đá học đường, thể thao học đường để giảm tải.

Bóng đá học đường ở thời điểm này là câu chuyện không thể có kết thúc khi còn chưa có bắt đầu.

Tiền đạo Hải Anh mới ký hợp đồng với CLB TPHCM cũng xuất thân từ bóng đá học đường.
Tiền đạo Hải Anh mới ký hợp đồng với CLB TPHCM cũng xuất thân từ bóng đá học đường.

U23 Hàn Quốc:

- Thủ môn (3): Kang Hyeon Mu (Pohang Steelers), Song Bumkeun (ĐH Hàn Quốc), Lee Tae Hui (Incheon United).

- Hậu vệ (8): Go Myeong Seok (Bucheon FC 1995), Kuk Tae Jeong (Jeonbuk Hyundai), Park Jae Woo (Daejeon Citizen), Yu Young Jae (ĐH Hàn Quốc), Lee Geon (Ansan Greeners FC), Lee Sang Min (ĐH Soongsil), Jo Sung Wook (ĐH Dankook), Hwang Hyun Soo (FC Seoul).

- Tiền vệ (9): Kim Moonhwan (Busan Ipark), Yoon Seung Won (FC Seoul), Jang Yun Ho (Jeonbuk Hyundai), Cho Young Wook (ĐH Hàn Quốc), Cho Yu Min (ĐH Chung-Ang), Cho Jae Wan (ĐH Sangji), Choe Jae Hoon (FC Anyang), Han Seung Gyu (Ulsan Hyundai), Hwang Ki Wook (AFC Tubize).

- Tiền đạo (3): Kim Gun Hee (Suwon Samsung), Park In Hyeok (FK Vojvodina), Lee Geun Ho (ĐH Yonsei).

U23 Nhật Bản: 

- Thủ môn (3): KOJIMA Ryosuke (Waseda University), ABE Koto (University of Tsukuba), HATANO Go (F.C.Tokyo)

- Hậu vệ (5): YANAGI Takahiro (F.C.Tokyo), SYOUJI Honoya (Zweigen Kanazawa), TATSUTA Yugo (Shimizu S-Pulse), HARA Teruki (Albirex Niigata), KOGA Taiyo (Kashiwa Reysol)

- Tiền vệ (12): ITAKURA Kou (Vegalta Sendai), URATA Itsuki (Giravanz Kitakyushu), MIYOSHI Koji (Kawasaki Frontale), KAMIYA Yuta(Ehime FC), MORISHIMA Tsukasa (Sanfrecce Hiroshima), NAGANUMA Yoichi (FC Gifu), INOUE Shion (Tokyo Verdy), TAKAGI Akito (Gamba Osaka), FUJITANI So (Vissel Kobe), ENDO Keita (Yokohama F・Marinos), IWASAKI Yuto (Kyoto Sanga F.C.), ITO Hiroki (Jubilo Iwata U-18)

- Tiền đạo (3): HATATE Reo (Juntendo University), KOMATSU Ren (Sangyo Noritsu University), TAGAWA Kyosuke (Sagan Tosu)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm