Đó là câu nói của một cựu trọng tài đã từng đam mê, từng mắc sai lầm và từng nhất quyết xin nghỉ để không còn lần nào phải hối hận nữa.
>>> HLV Chu Đình Nghiêm: "Trọng tài ép, còn tôi suýt bị hành hung bởi người của BTC sân"
>>> Video: Cận cảnh Lương "dị" và HLV Chu Đình Nghiêm phản ứng quyết định của trọng tài
Một trong những quyết định đúng nhất là dừng lại
Cựu trọng tài Nguyễn Xuân Hòa giờ luôn được nhớ đến sau quyết định công nhận rồi lại hủy bỏ bàn thắng nẩng tỷ số lên 3-2 của Đồng Tâm Long An trong trận thua ngược SHB Đà Nẵng tại V.League 2008. Quyết định của ông Hòa đến sau sự tác động của một vị giám sát tạo nên cảnh tượng khó quên tại giải đấu số 1 Việt Nam.
Ông từng chia sẻ: "Trước đây một nửa cuộc sống của tôi là bóng đá, bây giờ thì gần như không còn ràng buộc nào cả. Mọi thứ vẫn ổn và tôi thấy cuộc sống dễ chịu hơn nhiều".
Đó không chỉ là cảm giác của trọng tài Hòa. Một cựu trọng tài từng bị tố nhận hối lộ để rồi bị treo còi vĩnh viễn đầu những năm 2010 cũng có chung suy nghĩ. Ông xin được giấu tên để nói được thoải mái nhất: "Từ trọng tài trở thành người thường mới thấy mình giống người hơn".
"Tôi từng sốc vì không được làm trọng tài nữa nhưng giờ thấy may mắn vì không phải làm trong môi trường đó nữa. Không còn phải đối mặt với những áp lực từ cầu thủ, HLV, người hâm mộ, truyền thông. Thích làm trọng tài vì hâm mộ ông Collina của Italia, cũng mong được như thế nhưng đến giờ thì thấy làm người bình thường sướng hơn rất nhiều", ông nói tiếp.
Cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng cũng an nhàn hơn sau khi quyết định treo còi ở giai đoạn lượt về mùa giải 2016. Thời điểm đó, ông bị giáng xuống bắt tại giải hạng nhất. Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi nói lý do xuất phát từ việc ông Dũng không có tiến bộ về mặt chuyên môn.
Không phải người thích đôi co, trọng tài Đinh Văn Dũng quyết định treo còi: "Làm trọng tài như bao nghề đều có rủi ro. Tôi làm ở môi trường mà cảm thấy mình không còn đam mê được nữa, có những người ganh ghét ra mặt, chẳng bận tâm tới chuyên môn. Quyết định giáng tôi xuống giải hạng nhất giúp tôi đưa ra quyết định nhanh chóng hơn về việc không làm trọng tài nữa".
Trọng tài tốt có bị o ép?
"Tôi bắt đầu làm việc từ năm 1999. Anh Nguyễn Tấn Hùng của Ban trọng tài Hà Nội từng nói với tôi rằng "làm đúng ý mình là chết đấy em ạ". Đấy là những lời đầu tiên tôi nghe khi tiếp xúc với nghề này", cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng chia sẻ.
Là người giữ vững lập trường cần cải tổ Ban trọng tài trong một thời gian dài vừa qua, người từng giành danh hiệu còi vàng Việt Nam bày tỏ quan điểm mạnh mẽ và đưa ra dẫn chứng: "Nguyễn Xuân Hòa là ví dụ về việc đang làm đúng lại bị ép làm thành sai".
"Anh Võ Minh Trí cũng là ví dụ. Anh ấy làm ở các trận quốc tế bắt rất tốt, gần như không gặp vấn đề gì và chưa có vấn đề gì nghiêm trọng. Vậy tại sao về giải trong nước lại có những sai sót rất ngớ ngẩn? Tôi vẫn nhớ có trận anh ấy thay đổi liên tục một quyết định từ công nhận, rồi không công nhận rồi lại công nhận một bàn thắng. Phải đặt câu hỏi tại sao một trọng tài có chuyên môn tốt như thế lại sai sót ngớ ngẩn như vậy?".
Cách đây 10 năm, cựu trọng tài Nguyễn Xuân Hòa cũng nói đến vấn đề này: "Ở V.League, trọng tài không phải là vua. Có nhiều điều khó nói nhưng tôi thấy trọng tài bóng đá Việt Nam không được làm việc trong một môi trường thực sự "vô trùng" mà vẫn phải sống với quá nhiều ràng buộc".
Trở lại với hành trình trở thành một trọng tài, đầu tiên, trọng tài trải qua quá trình nộp đơn xin tham gia làm trọng tài tại cấp cơ sở. Tiếp đến, làm việc tại cấp cơ sở, bắt đầu được sinh hoạt cùng đội ngũ trọng tài đi trước. Sau đó, trọng tài này bắt những trận đơn giản như cho trẻ em, đi học thêm các lớp tập huấn từ cơ sở.
Cấp cơ sở đánh giá năng lực và giới thiệu lên quốc gia, tiếp tục được tập huấn đào tạo và bắt đầu điều khiển những trận ở hạng thấp nhất như hạng 3, giải bóng đá nữ. Quá trình này với mỗi người có độ dài về thời gian khác nhau, có thể mất từ 3-5 năm trước khi có thể được bắt tại V.League.
"Thế nhưng, có những người chỉ mất 1 năm để trở thành trọng tài chính ở sân chơi cao nhất", ông Dương Mạnh Hùng chia sẻ.
GĐĐH Huỳnh Mau (HAGL) mới đây cũng lên tiếng: "Nhiều trọng tài xuất thân từ môn khác, được Sở Văn hóa Thể thao địa phương giới thiệu. Không được đào tạo bài bản về bóng đá, về nghề trọng tài mà chỉ cần qua lớp tập huấn ngắn hạn nên khi bước vào môi trường V.League khố liệt, bị sốc, vì không đủ giỏi, đủ bản lĩnh theo kịp các tình huống".
Trách nhiệm của Ban trọng tài VFF vì vậy rất nặng nề trong việc tuyển chọn trọng tài tốt. Tuy nhiên, suy nghĩ một cách logic, những sai sót liên tục trong mỗi mùa giải qua cho thấy Ban trọng tài VFF có thể chưa làm chặt ở một khâu nào đó trong công tác tuyển chọn đầu vào.
Bổ nhiệm một Ban trọng tài như thế nào?
VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, dựa trên nguyên tắc và làm theo quy chế. Chính vì vậy, việc bổ nhiệm một Ban trọng tài mới như thế nào, bỏ phiếu hay chỉ định phụ thuộc vào Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII ban hành quy chế ra sao về vấn đề này.
Chủ tịch VFF có thể trực tiếp bổ nhiệm Trưởng Ban trọng tài. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, công bằng nhất, khách quan nhất phải để các trọng tài có am hiểu chuyên môn đánh giá và bỏ phiếu. Các ứng cử viên vì thế sẽ được công bố để lựa chọn và vận động.
Ban trọng tài tiếm quyền trong thời gian dài?
Sau sự việc Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền vừa phân công trọng tài, vừa làm Giám sát trọng tài, chúng ta lật ngược trở lại về vấn đề này ở những thời điểm trước.
Người đề xuất trọng tài làm nhiệm vụ có thể là Chủ tịch Hội đồng trọng tài trước đây nhưng người quyết định trọng tài được đi làm cuối cùng là Trưởng BTC giải và phần nào đó có Tổng thư ký VFF. Ông Dương Nghiệp Khôi từng làm Trưởng BTC giải trước đây nhưng khi làm Giám sát trận đấu thì hoàn toàn không được nằm trong BTC giải.
Năm 2016, ông Nguyễn Văn Mùi vừa làm Trưởng Ban trọng tài, vừa làm Phó Trưởng BTC giải. Và đến khi có người lên tiếng, báo chí, truyền thông vào cuộc, lãnh đạo VPF khi ấy mới cho ông Mùi thôi chức.
"Vừa đá bóng, vừa thổi còi" vì vậy không phải là câu chuyện mới diễn ra. Việc ông Hiền phân công trọng tài, lại làm Giám sát trọng tài đã diễn ra lâu nhưng đến nay mới được đưa ra mổ xẻ mạnh mẽ. Vai trò của những lãnh đạo VPF trước đây và VFF vì thế bị đặt dấu hỏi.
Tiền lương cho trọng tài Việt Nam đã thay đổi ra sao?
Năm 1999, trọng tài chính Việt Nam nhận số tiền 200.000đ/trận bao gồm tất tần tật tiền công, ăn uống, đi lại. Sau đó, số tiền này được tăng lên thành 400.000đ, 800.000đ (2006), 1.200.000đ (2007).
Sự thay đổi lớn diễn ra vào năm 2012 khi bầu Kiên đi tiên phong cùng sự hỗ trợ từ các ông bầu khác thành lập nên VPF. Số tiền dành cho trọng tài trong một trận đấu được tăng lên 4.000.000đ/trận với trọng tài chính, 6.000.000đ/trận (2015) và hiện tại, con số ấy được cho là đã tăng lên 8.000.000đ/trận.
Ngoài ra, trọng tài hiện tại còn được nhận trợ cấp theo từng trận gồm chi phí di chuyển, ăn ở.