"Không tiền cạp đất mà ăn" là có thật ở V-League 2019

Trần Văn Khánh
thứ bảy 2-2-2019 7:15:00 +07:00 0 bình luận
Mùa giải 2019 với bóng đá Việt Nam hứa hẹn bước đột phá song vẫn còn đó những nỗi lo khó biết nói cùng ai.

Hiệu ứng… Park Hang Seo

Năm Mậu Tuất khép lại với thành công rực rỡ của các đội tuyển Việt Nam dưới bàn tay dẫn dắt của HLV Park Hang Seo. Đó là vị trí thứ 4 ở ASIAD 2018, chức vô địch AFF Cup 2018 và lọt đến tứ kết Asian Cup 2019.

Chưa bao giờ, bóng đá Việt Nam lại vụt sáng như năm Mậu Tuất vừa rồi. Thành công từ các đội tuyển quốc gia sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho các sân chơi giải bóng đá chuyên nghiệp mà trọng tâm là V.League.

Sự trở về của Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng,… ở các CLB sẽ kéo khán giả đến sân nhiều hơn. Ở V.League 2015, khi lứa cầu thủ Công Phượng đôn lên đội 1, mỗi khi HAGL thi đấu, các sân vận động đều chật cứng khán giả.

Không tiền cạp đất mà ăn là có thật ở V-League 2019
Hà Nội FC là một trong những đội bóng đáng xem ở V.League 2019

Cũng ở lượt đi V.League 2018, sau thành công vang dội của U23 Việt Nam, số lượng khán giả đến sân trung bình lên đến gần 8.000 người/trận. Đó là con số khá ấn tượng. Giờ đây, khi các đội tuyển thành công, với việc số lượng các tuyển thủ trải đều qua các đội bóng, hy vọng người hâm mộ sẽ kéo đến sân nhiều hơn so với những mùa giải trước.

Bên cạnh việc chờ đợi từ hiệu ứng khán giả, người hâm mộ kỳ vọng vào sự đột phá của Hà Nội FC ở sân chơi châu lục. Sau nhiều năm chìm nghỉm ở đấu trường AFC Champions League và AFC Cup, Hà Nội FC đang rất quyết tâm để lấy lại thể diện cho bóng đá Việt Nam.

Đội bóng Thủ đô như là đội tuyển quốc gia thu nhỏ với nhiều tuyển thủ góp mặt trong đội hình. Sự bổ sung của thủ môn Bùi Tiến Dũng càng mang đến niềm tin về chất lượng của đội chủ sân Hàng Đẫy. Ban lãnh đạo Hà Nội FC cũng đặt quyết tâm cao sẽ tiến sâu ở giải đấu châu lục trong năm nay.

Khổ sở vì vấn đề… đầu tiên

Bức tranh sáng đang chờ đón bóng đá Việt Nam trong năm Kỷ Hợi. Tuy nhiên, những gam màu xám xịt mang đến nỗi trăn trở cho các đội bóng. Nam Định sống lay lắt trong hơn 1 năm qua kể từ khi thăng hạng V.League 2018.

Suốt cả mùa giải, họ vừa đá vừa trông vào “bầu sữa” từ ngân sách tỉnh nhưng tất cả cũng chỉ trong trạng thái.. chờ. Đội bóng thành Nam phải chuyển sang ở khách sạn tồi tàn, ẩm thấp. Họ tập chỉ để biết đang tồn tại và chỉ hy vọng vào ngày mai tươi sáng.

Vấn đề “đầu tiên” cứ mãi ở đâu và Nam Định trông chờ vào nhà tài trợ mới. Một ngày, hai ngày rồi một tháng, hai tháng. Quãng thời gian chờ đợi càng tăng lên khiến cầu thủ sốt ruột. Tình cảnh bi đát đến nỗi, sát ngày đá giải Viettel mở rộng, thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ vẫn chưa biết có dự được hay không chỉ vì…đầu tiên.

Không tiền cạp đất mà ăn là có thật ở V-League 2019
Thanh Hóa như "phiên chợ chiều" sau 3 năm sống trong ảo mộng

Chỉ đến khi được “ứng” trước 100 triệu đồng, họ mới xách ba lô lên và đi. Cũng phải đến 27 Tết, khi câu chuyện nhà tài trợ xong xuôi, các cầu thủ mới có tiền chia nhau để về nhà đón Tết. 

Với SLNA, sau khi ngân hàng Bắc Á chia tay đội bóng, họ như ngồi trên đống lửa bởi mùa giải sắp đến gần nhưng vẫn chưa có động thái quyết liệt nào từ nhà tài trợ mới. Cả BHL lẫn cầu thủ đều vừa tập vừa nơm nớp lo. 

Một địa phương có truyền thống bóng đá, có số lượng cổ động viên đông đảo, cuồng nhiệt nhất cả nước lại rơi vào tình cảnh tréo ngoe. Nếu Nam Định và SLNA là hiện thân cho nỗi khổ tiền đâu thì Thanh Hóa lại đang bất định về tương lai.

Sau khi tập đoàn FLC chia tay, đội bóng được trả về cho tỉnh. Không có nhiều tiền nên nhiều cầu thủ có tiếng tự thân lo cho mình. Lần lượt Vũ Minh Tuấn, Pape Omar, Trọng Hoàng, Văn Bình, Bùi Tiến Dũng,… ra đi để cứu chính mình. 

Họ còn may hơn những đồng đội khác khi ở lại theo cảnh “đi không được mà ở lại cũng không xong”. Cả đội bóng từ BHL cho đến cầu thủ đều hoang mang cực độ. Cái thời mà họ vung tiền tỷ nay chỉ còn là hoài niệm. Mùa giải chưa bắt đầu nhưng tương lai với Thanh Hóa thì đang u ám.


 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm