V.League trong con mắt người hâm mộ muốn được nâng tầm và coi trọng không chỉ bắt đầu từ những công việc của nhà tổ chức giải mà còn khởi nguồn từ cá thể nhỏ hơn, là đội bóng, là cầu thủ.
Công Phượng – HAGL, Quang Hải – Hà Nội FC
Đó là những danh từ đi liền với nhau. Nhắc đến HAGL, người hâm mộ sẽ nghĩ đến Công Phượng, nhắc đến Hà Nội FC, Quang Hải là cái tên hiện lên trong đầu. Mối liên kết ấy được khởi tạo từ những cá nhân sau đó lan sang các CLB và cuối cùng ảnh hưởng tới đối tượng lớn nhất: giải đấu mang tên V.League.
Mối tương tác ấy có lợi từ khâu quảng cáo đến tiếp thị hình ảnh, từ thương hiệu đội bóng đến sức hút đối với người hâm mộ. Công Phượng tạo nên thương hiệu từ U19 Việt Nam, Quang Hải có một VCK U23 châu Á 2018 đáng nhờ, CĐV cũng yêu mến hơn họ từ đấy. Họ sẽ muốn gặp, muốn xem các cầu thủ ấy thi đấu.
Sau ASIAD 2018, trận đấu giữa Hà Nội FC va HAGL thu hút gần 2 vạn khán giả tới sân tại Hàng Đẫy. Một con số khó tin kể từ khi Hà Nội FC thi đấu tại V.League. Ảnh: Hải Đăng.
Hết đội tuyển tập trung, những cầu thủ ấy gắn liền tên tuổi với CLB chủ quản. CĐV theo chân họ từ đội tuyển cho đến CLB. Những HAGL, Hà Nội FC bắt đầu hưởng lợi từ chính những sản phẩm do họ tự đào tạo nên. Đó là những tấm vé vào sân được bán ra nhiều hơn, những khán đài được lấp đầy hơn cả khi thi đấu sân nhà lẫn di chuyển tới sân khách. Đó là thực tế hiện tại ở bóng đá Việt Nam.
Quang Hải, Công Phượng là những ví dụ điển hình nhất cho thực trạng hiện tại. Lật ngược vấn đề, CLB chủ quản đầu tư cho họ từ lứa trẻ và hiện tại là thành quả họ thu về. Nhìn rộng ra, sự tự hào bắt đầu được hình thành.
Đó là một kiểu tự hào khác gắn liền với tự hào vùng miền. Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng đều có được điều đó. Nam Định thu hút nhiều khán giả đến sân nhá nhất giải, FLC Thanh Hoá xếp thứ 3. Trong số ấy, SLNA, Than Quảng Ninh có sự trồi sụt đáng tiếc nhưng vẫn giữ được Hội CĐV. Trừ HAGL, Nam Định, tất cả các đội trên đều có thứ hạng tốt tại V.League 2018.
Sự ủng hộ của CĐV giảm nhiều nhất ở Bình Dương và đặc biệt là Hải Phòng. Đội bóng đất Cảng chỉ đón trung bình 6,308 khán giản/trận. Thành tích và lối chơi thiếu hấp dẫn là điều họ đối mặt trong 2 mùa gần nhất, dù mùa giải vừa qua, Hải Phòng là đội để thủng lưới ít nhất giải. Bên cạnh đó, chất dữ dội thời Minh Châu không còn, một đội bóng không có hệ thống đào tạo trẻ là nguyên nhân khiến Hải Phòng không thể duy trì được sự ổn định trong thi đấu.
Bản sắc, sự tự hào là thứ hình thành qua nhiều năm tháng, thậm chí là chục năm, trăm năm. Những đội bóng trên từng có được điều đó nhưng cũng trầy trật để làm mới mình, chưa nói đến những CLB mới như TPHCM, Sài Gòn FC hay XSKT Cần Thơ.
CLB TPHCM đầu tư nhiều nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu tại mùa giải 2018. Ảnh: Huy Thịnh.
18 năm mới bắt đầu làm mạnh tay về mặt sân
Báo chí phản ánh, người hâm mộ phàn nàn đã quá nhiều về vấn đề cơ sở vật chất của các CLB. Trong đó, sân thi đấu được nhắc đến nhiều nhất.
Từ nhà vệ sinh đến các khán đài, từ phòng thay đồ đến mặt sân thi đấu, vẫn còn những phàn nàn về chất lượng. Thế nhưng, mùa giải 2017 và 2018 là thời điểm nhiều CLB có sự thay đổi đáng kể trong chuyện này.
CLB TPHCM trưng diện phòng thay đồ mới cho sân Thống Nhất, lắp dàn đèn led đầu tiên tại V.League để phục vụ nhà tài trợ. Hà Nội FC, FLC Thanh Hoá còn nâng cấp thêm mặt sân và mới đây tới lượt SVĐ Cẩm Phả tiến hành tu sửa.
Mùa giải 2017, khi mặt cỏ sân Hàng Đẫy được cải tạo, trở thành mặt cỏ đẹp nhất tại V.League. HLV Nguyễn Đức Thắng, khi ấy còn dẫn dắt Sài Gòn FC thẳng thắn nhận xét: "Thay vì dùng nhiều tiền mua ngoại binh mà chất lượng không đảm bảo, các CLB hãy dùng số tiền đó để nâng cấp mặt cỏ sân đấu".
TTK VFF Lê Hoài Anh chia sẻ thông tin về việc chỉ 5 CLB tại Việt Nam đạt chuẩn chuyên nghiệp của AFC. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú ngồi bên cạnh thì tiết lộ mục tiêu cải thiện chất lượng trận đấu thông qua nâng cấp mặt cỏ tại V.League mùa giải 2019. Ảnh: Hải Đăng.
Mới nhất, VPF đề nghị các CLB dùng một phần tiền thưởng hàng năm từ VPF để tiến hành nâng cấp mặt cỏ ở tất cả các sân tại V.League. Động thái này được các CLB hưởng ứng và từ kinh nghiệm của Hà Nội FC, chi phí tu sửa không quá đắt đỏ.
Những động thái ấy cho thấy từ VPF đến các CLB đã bắt đầu nhận ra họ cần thay đổi điều cơ bản nào để chất lượng giải đấu tăng lên. Mặt cỏ được tu sửa chỉ là một phần trong số đó. Thế nhưng, phải 18 năm đi lên bóng đá chuyên nghiệp mọi thứ mới đần được hiện thực hoá. Chính Chủ tịch VPF đương nhiệm, ông Trần Anh Tú chia sẻ: "Chúng ta mang danh chuyên nghiệp nhưng còn nhiều thứ chưa chuyên nghiệp".
Mặt sân đẹp đồng nghĩa về chất lượng các trận đấu tăng lên, giảm nguy cơ chấn thương cho các cầu thủ. Xét cho cùng, bóng đá cần những cầu thủ giỏi để lôi kéo khán giả đến sân nhưng chất lượng các trận đấu cũng góp phần làm tăng uý tín cho giải đấu.
Mặt sân chỉ là một thước đo, là một ví dụ cũng như một góc độ để đánh giá chất lượng một CLB. Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết, hiện tại chỉ có 5 CLB tại Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn bóng đá chuyên nghiệp của AFC. Vậy 9 CLB còn lại ở V.League, 10 CLB ở Giải hạng Nhất bao giờ đạt chuẩn?
Người hâm mộ đất Cảng ít mặt mà hơn với V.League 2018, những CLB thiếu nền tảng như Hải Phòng mới chính là thực thể khó tồn tại bền vững tại V.League. Ảnh: Trung Thu.
Yếu tố cơ bản về đào tạo trẻ, cơ sở vật chất là một trong những tiêu chuẩn của AFC. Nó có thể tốn tiền của, tốn thời gian nhưng khi được định hình sẽ tạo nên bản sắc cho chính CLB. Nguồn lợi thu lại cũng sẽ chỉ từ đó mới sinh ra được bền vững.
Nếu các CLB có than thở về việc nhà tài trợ ít quan tâm, khán giả ít theo dõi thì cần nhìn lại chính đội bóng đã phát triển đến đâu và đã có những hành động gì để đưa được khán giả tới sân.