Tổng kết V.League 2018 (kỳ 1): Tuyết trắng Thường Châu cứu rỗi giải đấu và… bầu Tú

thứ sáu 19-10-2018 21:09:52 +07:00 0 bình luận
V.League 2018 mở đầu bằng những hoài nghi và cả những tranh cãi đến người đứng đầu Ban tổ chức giải nhưng vẫn đi tới một cái kết không đến nỗi nào.

V.League 2018 mở đầu bằng những hoài nghi và cả những tranh cãi đến người đứng đầu Ban tổ chức giải nhưng vẫn đi tới một cái kết không đến nỗi nào.

1. Đầu tháng 4/2018, bầu Đức tuyên bố ý định rút HAGL khỏi các giải đấu do VPF tổ chức. Ý định ấy bắt nguồn từ một mâu thuẫn với người đứng đầu VPF: ông Trần Anh Tú. Mâu thuẫn ấy lại nổi lên từ câu chuyện một tay bầu Tú đang nắm quá nhiều chức vụ trong hệ thống bóng đá Việt Nam.

Bầu Đức tuyên bố thông qua báo chí và truyền thông. Bầu Tú cũng nhờ... báo chí, truyền thông gửi "tâm thư" đến những phe đối lập trong đó có bầu Đức. Cuối tháng 4, bầu Tú tuyên bố rút khỏi việc ứng cử vào chức Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ. Mọi thứ tạm đi vào yên ả. 

Tổng kết V.League 2018 (kỳ 1): Tuyết trắng Thường Châu cứu rỗi giải đấu và… bầu Tú - Ảnh 1.

Bầu Đức từng đi đầu trong việc "khuyên" bầu Tú từ bỏ một số chức vụ đã nắm và chuẩn bị tranh cử. Ảnh: Tuấn Tú.

Tổng kết V.League 2018 (kỳ 1): Tuyết trắng Thường Châu cứu rỗi giải đấu và… bầu Tú - Ảnh 2.

Bầu Tú từng rất kiên quyết với các quyết định của bản thân nhưng cuối cùng chấp nhận không tranh cử chức Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ nhiệm kỳ VIII. Ảnh: Hải Đăng.

Câu chuyện vào tháng 4 năm nay chỉ là đỉnh điểm của mâu thuẫn mà đến giờ vẫn chưa có đúng sai cuối cùng. Trước đó, từ cuối tháng 12/2017, thời điểm trở thành người đứng đầu VPF, bầu Tú đã bắt đầu trở thành tâm điểm nhận nhiều tranh cãi vì đang nắm quá nhiều chức vụ. Ông ngỡ ngàng chia sẻ với báo giới sau đó: "Tôi không hiểu tại sao mình bị đánh, đánh dữ dội như vậy".

Câu chuyện ấy là sóng gió lớn nhất mà bầu Tú phải đối mặt khi tham gia vào môi trường bóng đá Việt Nam. Câu chuyện ấy đến ngay đầu nhiệm kỳ ông nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT VPF, cũng là thời điểm V.League 2018 mới khởi tranh.

Hình ảnh của người đứng đầu VPF dù muốn hay không cũng đang bị vấy bẩn. VPF lại là đơn vị tổ chức và điều hành các Giải BĐCN Việt Nam, trong đó có V.League, tác động tiêu cực đến giải bóng đá số 1 Việt Nam. Chưa kể, VPF còn những mâu thuẫn hợp đồng bản quyền các Giải BĐCN với Next Media, với Ban trọng tài VFF trước và trong giải đấu. 

Thế nhưng, xen giữa những câu chuyện trên, một kỳ tích bất ngờ đến.

2. Trung Quốc, tháng 1/2018, cả châu Á ngỡ ngàng với Việt Nam, chính xác là đội tuyển U23 Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của một HLV mới toanh mang tên Park Hang Seo, U23 Việt Nam vượt qua một loạt đối thủ tên tuổi để góp mặt trong trận chung kết. Không đến được đỉnh vinh quang nhưng với chiếc HCB, đó cũng đã là đỉnh núi cao vời vợi trong lịch sử bóng đá nước nhà.

Thành công của U23 Việt Nam, hiệu ứng từ những Quang Hải, Tiến Dũng, Xuân Trường, Văn Đức... biến môi trường bóng đá ở dải đất hình chữ S tiếp nhận nhiều điều mới mẻ. Từ giá trị thương hiệu, những cơn sốt truyền thông, câu chuyện về những người hùng và cả hy vọng vào một "thế hệ vàng" mới.

Các cá nhân, doanh nghiệp muốn gắn thương hiệu với cái tên U23 Việt Nam. Những đứa trẻ thì muốn trở thành một Quang Hải, một Tiến Dũng hay Văn Hậu trong tương lai. Trong không khí hân hoan ấy, bóng đá Việt Nam cảm giác chỉ có màu hồng và những thứ chưa đẹp tạm thời không có chỗ đứng.

Chuyện Đại hội VFF, chuyện bầu Tú, chuyện một ông chủ nhiều đội bóng tạm thời được gác lại để nhường chỗ cho những sân khấu rộn ràng ngày khai màn V.League 2018.

SVĐ Hàng Đẫy hiếm khi nào đông như thế ngày khai màn. Sân Pleiku thì vẫn kín khán giả. Người người đến sân để được chứng kiến và theo dõi những tuyển thủ U23 ra sân. Đó là giá trị của hiệu ứng. Dù nó không tồn tại quá lâu nhưng là đủ để V.League 2018 không buồn như một năm trước đó.

HLV Park Hang Seo và các cầu thủ U23 Việt Nam góp phần kéo khán giả tới sân theo dõi V.League sau kỳ tích tại Trung Quốc vào tháng 1/2018. Video: Trung Thu.

3. Hơn 1.1 triệu khán giả tới sân theo dõi V.League 2018 là thống kê chính thức của VPF, chính xác là 1.139.800 khán giả, tương đương 6.297 khán giả/trận. 

Để tiện hình dung, V.League 2017 chỉ có 1.017.000 khán giả với cùng 182 trận đấu. Thai League 1, giải bóng đá được đánh giá là hấp dẫn nhất Đông Nam Á hiện tại chỉ có hơn 4.000 khán giả/trận trong mùa giải 2018. Không cần phải là nhà phân tích số liệu đại tài, ai cũng có thể nhận thấy V.Leauge 2018 vừa có một tín hiệu tích cực.

Sự tích cực ấy đến từ hai lý do chính mà đầu tiên là hiệu ứng U23 Việt Nam. Những tuyển thủ U23 đã kéo theo một lượng CĐV mới đến sân, trong đó đa phần là khán giả trẻ. Đến một CLB vốn ít khán giả tới sân như Hà Nội FC những mùa trước cũng có lần được tận hưởng một không khí chật kín người xem tại SVĐ Hàng Đẫy, đó là ví dụ điển hình.

Yếu tố thứ hai nằm ở chuyện Nam Định lên hạng. 7 năm vắng bóng tại V.League, người hâm mộ bóng đá thành Nam giờ được giải toả khao khát. Thiên Trường trở thành một địa chỉ mới để đến sân giải trí vào dịp cuối tuần. Sân bóng này cũng đóng góp tới 14,5% số khán giả tới xem V.League, cao nhất giải.

Tổng kết V.League 2018 (kỳ 1): Tuyết trắng Thường Châu cứu rỗi giải đấu và… bầu Tú - Ảnh 6.

Nam Định trở lại và ngay lập tức giúp V.League có một lượng CĐV đông đảo. Ảnh: Hải Đăng.

Tài trợ càng nhiều, tài chính càng lớn càng góp phần làm tăng giá trị cho giải đấu, CLB, HLV và các cầu thủ. Thế nhưng, VPF không thể lôi kéo những nhà tài trợ nếu trưng ra một bản thuyết trình thiếu những con số về khán giả tới sân, theo dõi qua màn hình TV, internet về những cá nhân có sức hút trong giải. 

Thống kê về số lượng khán giả V.League 2018 vì thế có thể tạm làm vui những người tổ chức tại VPF, trong đó có bầu Tú sau một khởi đầu nhiều sóng, nhiều gió. Những người quan sát phía ngoài như báo chí hay khán giả cũng có thể cảm nhận được sự tích cực ấy.

Mời độc giả đón đọc tiếp kỳ 2 vào ngày 22/10!

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm