Từ chuyện CĐV…
Mùa này, B.Bình Dương không rơi vào chuyện CĐV nhà tẩy chay, nhưng nỗi khổ của họ còn gấp nhiều lần so với các đội bóng khác. Bởi đội bóng đất Thủ muốn có một chút hờn dỗi của “các Thượng đế” cũng chẳng thể có được, khi họ không có và không còn CĐV.
Các cầu thủ Bình Dương ăn mừng với nhau.
Một đội bóng có nhiều ngôi sao lớn còn Hội CĐV được tài trợ tiền tỷ nhưng khán đài luôn trống hoác thì thật sự đáng buồn. Trên hết, đồng tiền còn khiến cho CĐV của B.Bình Dương xung khắc với nhau. Sự thật ấy đã diễn ra ở mùa bóng này, Hội CĐV Bình Dương được tài trợ tiền tỷ thì xảy ra chuyện nhóm CĐV trung thành phải tách ra chơi riêng, với tên gọi Contras Bình Dương.
Những trận đấu với SLNA, HA.GL ở mùa này là nỗi đau với B.Bình Dương. Khi sân Gò Đậu trở thành “sân khấu Ngoại hạng” cho CĐV xứ Nghệ thỏa sức hò hét còn CĐV đội nhà lọt thỏm giữa khán đài B như đội quân múa thuê, với màn cổ động nhạt nhẽo. Ở trận đấu với HA.GL, khán giả từ khắp nơi đổ về chật cứng nhưng cổ vũ cho đội khách. Đó là nỗi đau, khi đội bóng nhà giàu có tất cả này thất bại dù làm mọi cách lôi kéo khán giả.
Từ nỗi buồn trên khán đài đến nỗi khổ là Hội CĐV B.Bình Dương mời nhóm Contras Bình Dương trở lại trong giai đoạn cuối mùa giải, mục đích là muốn ngày rước Cúp được đình đám, đúng không khí chào đón nhà vô địch nhưng kết quả là chỉ có vài trăm người chứng kiến thời khắc đăng quang.
Oái ăm khi những người nán lại sân Cao Lãnh coi B.Bình Dương nhận Cúp chỉ xuất phát từ hy vọng sẽ trúng thưởng xe máy, điện thoại (!).
…Đến bản sắc
B.Bình Dương mạnh, vô đối nhưng kém bản sắc ở V.League 2015. Trong tập thể toàn ngôi sao khiến cho phần còn lại của giải đấu phải ước ao lẫn sợ hãi thì đội bóng đất Thủ có mỗi Anh Đức là cầu thủ bản địa.
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở cách làm, khi “Chelsea Việt Nam” không khiến khán giả thấy đây là đội bóng của mình. Thế nên, chức vô địch của B.Bình Dương không thể làm cho khán giả sướng. Việc để CĐV tự hào là điều xa xỉ, khi B.Bình Dương là tập hợp của “một đội lính đánh thuê”, không bản sắc.
Một CĐV Thanh Hóa chúc mừng Công Vinh.
Trận đấu với SLNA là ví dụ điển hình. CĐV xứ Nghệ phủ vàng sân Gò Đậu với mục đích không chỉ cổ vũ cho đội nhà mà cho cả Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Bình và Âu Văn Hoàn, những cầu thủ xứ Nghệ đang khoác áo B.Bình Dương. Kết thúc trận đấu có một hình ảnh trái ngược là một loạt cầu thủ đất Thủ vẫy tay cám ơn CĐV SLNA, chỉ mỗi Anh Đức tri ân khán giả nhà.
Trong bóng đá, có những giá trị không thể bỏ tiền tỷ là mua được, tình yêu của khán giả và bản sắc là ví dụ điển hình. Thế nên, không quá khi cho rằng B.Bình Dương, cùng Hà Nội.T&T năm 2010, là những nhà vô địch cô đơn nhất trong lịch sử V.League.
Nghịch lý của giải đấu
Từ chuyện B.Bình Dương cô đơn lại vỡ ra một điều ở mùa giải này: Có những đội bóng đang không biết trân trọng và gìn giữ những thứ giá trị vô giá mà nhiều tiền chưa chắc mua được. Đó là tình yêu, niềm tự hào của khán giả.
Những giọt nước mắt của CĐV Hải Phòng và SLNA rơi trên sân Cần Thơ mùa này là bằng chứng. Với tình yêu, niềm tự hào dành cho đội nhà, những CĐV trung thành ấy không ngại ngần khoảng cách địa lý để theo chân đội bóng đến phương xa cổ vũ. Điều mà CĐV của 2 đội bóng này mong mỏi là đá trung thực, hết mình và xứng đáng với tình yêu họ dành cho.
Nhiều đội bóng nghèo không có ngân sách mạnh để đổ tiền mua sao như B.Bình Dương thì CĐV và niềm tự hào chính là tài sản vô giá. Thế nên, sân Cao Lãnh có dòng chữ “Bóng đá Đồng Tháp -Viết tiếp trang sử hào hùng quê hương”, còn sân Thanh Hóa là “Tài sản lớn nhất của CLB là NHM”. Tuy nhiên, V.League 2015 lại đầy tiếng oán than, chửi bới của NHM.
Chuyện B.Bình Dương đổ cả “núi tiền” mà không có bản sắc, không có khán giả, khi họ chỉ cần đoạt danh hiệu và hoàn thành mục tiêu đặt ra sau khi tiêu tiền.
Đó là một nghịch lý khó hiểu nhưng còn khó hiểu hơn, khi V.League 2015 có nhiều đội bóng không thể có thành tích dù cũng “đốt tiền”, không hề trân trọng CĐV hay những giá trị căn bản của bóng đá. Mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp nửa vời và cái giá phải trả thật đắt.
VĂN NHÂN