Tổng kết mùa giải 2015 (Kỳ 1): Bất công, kẽ hở và sự coi thường

thứ năm 1-10-2015 14:37:17 +07:00 0 bình luận
LTS: Kể từ hôm nay, Thể thao 24h sẽ cùng độc giả nhìn lại mùa bóng 2015 – được nhiều người đánh giá là loạn lạc nhất kể từ khi giải VĐQG mang tên V.League. Quế Ngọc Hải phạm lỗi trực diện khiến Trần Anh Khoa đứng trước nguy cơ phải giải nghệ. Dương Thanh Hào vào bóng từ phía sau khiến Abass gãy cổ chân. 2 pha bóng khác nhau nhưng bản chất đều phạm lỗi nguy hiểm, gây thiệt hại nặng cho đối phương. Ấy thế mà, góc nhìn của BTC giải, Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật dành cho chúng lại hoàn toàn khác nhau.

2 án kỷ luật khác nhau…

Vụ án của Ngọc Hải đã khiến Ban Kỷ luật VFF phải chịu rất nhiều sức ép từ mọi phía. Từ ngày nhận hồ sơ vụ việc, ông Trưởng ban Nguyễn Hải Hường đã phải nghị án cả tuần lễ, rồi tắt điện thoại với nhiều lý do khác nhau. Sau khi tuyên án, ông Trưởng ban Kỷ luật lại đối mặt với búa rìu dư luận. Một bản án lạ, cấm thi đấu mà như không, rồi “hung thủ” phải chịu toàn bộ chi phí điều trị chấn thương cho nạn nhân.

Bất công, kẽ hở và sự coi thườngVPF, BTC các giải chuyên nghiệp đã xử lý 2 vụ Ngọc Hải, Thanh Hào thiếu công bằng.

Làn sóng dư luận vẫn tiếp tục dâng cao. Từ những người làm bóng đá đến NHM, CĐV xứ Nghệ rồi cả các luật sư cũng vào cuộc mổ xẻ phân tích tính đúng sai.

2 tuần sau, tiếp tục là 1 pha phạm lỗi với tính chất và hình ảnh còn kinh khủng hơn tình huống diễn ra trên sân Vinh. Dương Thanh Hào vào bóng từ phía sau khiến Abass gãy cổ chân. Nhưng khác ở chỗ, lần này dư luận không còn kịch liệt lên án pha xoạc bóng của trung vệ Hà Nội.T&T. Họ im lặng và chờ đợi 1 bản án tương tự như Ngọc Hải ở 2 tuần trước đó.

Thế nhưng, chính sự im lặng đó lại tác động rất nhiều đến BTC giải, VPF và VFF. Không hề có một cuộc “mổ băng” theo đúng nghĩa của Ban Kỷ luật. Chỉ có một số thành viên trong Ban và BTC giải đứng ra nhìn nhận vấn đề và kết luận rất nhanh chóng: “Đây là tình huống không ác ý, không phải muốn triệt hạ đối phương. Đó chỉ là tai nạn nghề nghiệp”.

Lạ ở chỗ, một tình huống vào bóng từ phía sau, dù cố tình hay vô ý, nhưng đã khiến đối phương gãy chân. Theo quan điểm của những người làm chuyên môn như cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng và cựu HLV Nguyễn Hữu Thắng, mọi chuyện lại khác hoàn toàn so với Ban Kỷ luật nhận định trước đó. “Đây là tình huống phạm luật và đặc biệt nguy hiểm trong bóng đá. FIFA phạt rất nặng những pha vào bóng từ phía sau, kể cả không gây ra chấn thương”, ông Hùng nói.

… Và dư chấn

Kết luận của Ban Kỷ luật đối với trường hợp phạm lỗi của Thanh Hào thực sự đáng phải suy ngẫm. Cái lạ và sự trùng hợp, khi việc Abass bị gãy chân lại diễn ra đúng vào trận đấu cuối mùa giải, khi chỉ 2 ngay sau VPF tiến hành lễ tổng kết. Đây là mùa giải đầu tiên ông Trưởng giải trẻ tuổi Nguyễn Minh Ngọc -“đệ tử cưng” của 2 sếp VFF – ngồi “ghế nóng”, cộng thêm việc trước thời điểm nhạy cảm này đã đầy rẫy những vấn đề khiến nhiều NHM và cả một số các thành viên của giải đấu phản ứng. Và như thế, dễ hiểu khi các nhà tổ chức chọn phương án xử lý theo kiểu “dĩ hòa vi quý”.

bbb

Trong buổi lễ tổng kết, người ta rỉ tai nhau: “Nếu pha vào bóng của Thanh Hào diễn ra trước tình huống phạm lỗi của Ngọc Hải với Anh Khoa thì sao? Nếu đây không phải là thời điểm cận kề với buổi lễ tổng kết mùa giải được chuẩn bị và lên kế hoạch tới 2-3 tháng trước thì sao?”. Và có người đã trả lời: “Thì đây lại là án điểm chứ sao. Án tại hồ sơ, mà hồ sơ thì ai báo cáo? Ai xem? Ai soi câu chữ? Dễ ấy mà…”.

Một tình huống phạm lỗi “rõ như ban ngày” như cách nói của cựu “Còi Vàng” Dương Mạnh Hùng nhưng lại được cho qua một cách nhẹ nhàng. Dù có hay không những khuất tất phía sau, nhưng vụ việc thuần tuý chuyên môn này lại khiến nhiều người hiểu theo một hướng khác và đặt ra nghi vấn về mối quan hệ giữa bộ ba Hà Nội.T&T – VFF – VPF.

Bất công, kẽ hở và sự coi thường

Những lời nói lấp lửng qua câu chuyện tưởng phiếm mà không phiếm kể trên đã cho thấy những tồn đọng, bất cập của cả mùa bóng. Hậu quả của nó còn kéo dài, và như đúc kết của cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng thì đều là những vấn đề hết sức nghiêm trọng: Cách xử lý bất công, những người có trách nhiệm tự tạo ra kẽ hở dẫn tới sự coi thường của chính các thành viên tham dự giải.

(Còn tiếp)

THANH BA

Hai tình huống phạm lỗi có bản chất và gây ra hậu quả giống nhau. Dù vậy, với chiều hướng dư luận khác nhau và cách “biến báo” khác nhau, VFF và VPF đã cho ra 2 bản án hoàn toàn khác nhau. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm