“Tiền để làm gì” và “Làm gì để có tiền” tại V.League

Song An
thứ năm 21-2-2019 12:30:00 +07:00 0 bình luận
Trong khi mạng xã hội nóng rực với vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ hãng cà phê Trung Nguyên thì bóng đá lại chứng kiến một “đám cưới”.

Đó là sự kết hợp giữa V.League với tập đoàn Masan. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là sau lễ ký kết rầm rộ thì có người phát hiện hợp đồng hai bên vẫn chưa ký kết. Khác nào “cưới mà chưa ký”. Vậy điều gì sẽ đảm bảo cho hôn nhân này không rạn nứt?

“Tiền nhiều để làm gì?” - câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ bỗng thành một xu hướng (trend) được cập nhật trên mạng xã hội. Đấy là trường hợp một người giàu có như ông chủ Trung Nguyên, chứ đối với V.League thì không có tiền là... chết.

Theo thống kê, gần 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, V.League đã 10 lần gắn tên với các nhà tài trợ. “Có những cuộc tình không là trăm năm”, chỉ một mùa nhưng cũng có những nhà tài trợ gắn bó đến 3-4 mùa giải. Về tính ổn định thì rõ ràng gắn bó với nhà tài trợ càng lâu càng tốt. Nếu có ly hôn thì khác với câu chuyện tranh cãi về tài sản giữa vợ chồng ông chủ cafe Trung Nguyên, V.League chẳng mất gì nhưng lại nhọc công tìm nhà tài trợ mới.

Thực tế, V.League sắm vai người phụ nữ đa đoan. Những hiệu ứng từ giải VĐQG đã tô điểm khiến V.League trở nên lộng lẫy và có giá hơn bất chấp việc họ đã ly hôn với NutiFood. Song điều ấy cũng không đảm bảo một cách chắc chắn. Ngay tại lễ công bố tài trợ, phía Masan đã cảnh báo rằng nếu V.League có tiêu cực thì nhà tài trợ sẽ rút lui nhanh chóng. Lời cảnh báo ấy rõ ràng là một áp lực không nhỏ.

“Tiền để làm gì” và “Làm gì để có tiền” tại V.League
Chủ tịch VPF sẽ đối diện với những thử thách không hề nhỏ để "giữ tiền" cho V.League.

Vậy vấn đề “cưới mà chưa ký” theo đúng kiểu ăn cơm trước kẻng của V.League có gì đáng lo ngại? Thực ra là không bởi vấn đề đều nằm trọn trong thái độ của V.League: ngoan là sẽ có quà. Nói như đại diện của Masan là ông Nguyễn Thiều Nam: “Chúng tôi có định hướng ký từng năm một và có định hướng kéo dài tới 5 năm”. Việc giải đấu V.League có tiếp tục được Masan tài trợ hay không, VPF có được ký tiếp hay không “sẽ phụ thuộc vào chất lượng giải đấu và sự quan tâm của toàn bộ người hâm mộ đối với giải đấu V.League 2019”.

Như vậy là đã rõ: nếu gái có công thì chồng không phụ. Vấn đề của VPF không phải là “Tiền nhiều để làm gì” mà chính là “Làm gì để ra tiền”.

Điều khác biệt, đó là vụ ly hôn của bà Trang, ông Vũ là câu chuyện cá nhân còn chuyện V.League kết hôn với ai thì lại là chuyện mang tính xã hội rồi. Bởi nếu có đỗ vỡ thì lỗi chắc chắn thuộc về bên thứ ba: bộ sậu lãnh đạo VPF!

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm