Hà Nội FC đang tiệm cận kỷ lục về số chức vô địch Giải VĐQG của Thể Công (5 lần). Trong khi đó, họ củng cố thêm vị trí đầu bảng của thủ đô Hà Nội về số chức vô địch tại giải bóng đá vô địch quốc gia.
Hiện tại, Hà Nội FC có 4 chức vô địch, ngang bằng thành tích với B.Bình Dương và Cảng Sài Gòn. Họ chỉ còn kém Thể Công lừng lẫy một thời đúng 1 chức vô địch.
Xét rộng ra, trong 35 mùa giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam được tổ chức. Các CLB đóng quân tại Hà Nội giành tổng cộng 11/35 chức vô địch (31%), 9 lần về nhì và 7 lần về hạng 3. Các chức vô địch của Thể Công, Hà Nội FC, Công an Hà nội và Tổng cục Đường sắt góp phần vào thành tích trên.
Bảng xếp hạng tốp 10 CLB có số chức vô địch giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam. Ảnh: Trung Thu.
Số lần cúp vô địch về Hà Nội nhiều gần gấp đôi so với TPHCM. Thành phố mang tên Bác xếp sau với 6 chức vô địch, 5 HCB và 8 HCĐ. Các vị trí xếp sau lần lượt là Bình Dương, Đà Nẵng, Nghệ An với lần lượt 4 và 3 chức vô địch.
Tổng cộng 10/63 tỉnh thành của Việt Nam đã có được chức vô địch giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam. 15 tỉnh thành có huy chương.
Số chức vô địch của 35 mùa giải được phân chia cho 15 CLB. 35 bộ huy chương được chia cho 25 CLB khác nhau.
Nhìn vào các con số trên có thể thấy, số chức vô địch giải bóng đá số 1 Việt Nam có tác động lớn bởi vị trí chính trị - kinh tế - xã hội. Những tỉnh thành có kinh tế phát triển, được quan tâm và đầu tư như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương (khu công nghiệp) chiếm 24/35 chức vô địch.
15 tỉnh, thành phố có đội bóng giành huy chương tại giải bóng đá vô địch quốc gia sau 35 mùa giải được tổ chức. Ảnh: Trung Thu.
Một số địa phương có phong trào và truyền thống bóng đá tốt chiếm số lượng ít ỏi như Nghệ An, Nam Định, Đồng Tháp. Trong khi đó, một số địa phương có được chức vô địch phụ thuộc nhiều vào độ chịu chơi của các ông bầu như Long An (Bầu Thắng), Gia Lai (Bầu Đức).
Về sau, những địa phương này đều không giành được thứ hạng cao khi kinh tế của các ông bầu gặp vấn đề.