Cuộc đua vô địch V.League từng trải đều trên cả 3 miền của Việt Nam tạo nên thế trận “kiềng 3 chân” trên bản đồ bóng đá Việt. Đến mùa giải 2018, thế trận ấy một lần nữa có thể được lặp lại.
Lịch sử bóng đá Việt Nam từng chứng kiến top 3 đội dẫn đầu có đầy đủ các đội bóng từ 3 miền Tổ quốc. Năm 1998, Thể Công vô địch Giải Hạng nhất quốc gia, xếp sau lần lượt là SLNA và Công an TPHCM. Năm 2000, SLNA vô địch, Công an TPHCM và Công an Hà Nội lần lượt xếp thứ 2 và 3.
Bước vào kỷ nguyên V.League, ngay năm đầu tiên (2004), HAGL lên ngôi, Nam Định về nhì và Gạch Đồng Tâm Long An xếp thứ 3. Gần hơn nữa, trong thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, ba đội bóng dẫn đầu đến từ mỗi miền của Việt Nam xuất hiện tới 4 lần.
Đặc biệt, mùa giải 2014 và 2015, top 3 đội dẫn đầu không hề suy chuyển. B.Bình Dương thống trị V.League hai năm liên tiếp, Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) ngậm ngùi hai năm liên tiếp giành ngôi Á quân, còn vị trí thứ 3 đều thuộc về Thanh Hóa rồi sau này là FLC Thanh Hóa.
Thế nhưng, sức mạnh của đội bóng đất Thủ suy giảm cũng là thời điểm người hâm mộ nhận thấy sự thất thế của các CLB ở miền Nam. B.Bình Dương, XSKT Cần Thơ đều thuộc nhóm cuối bảng. Long An thậm chí còn xuống hạng. Những biểu tượng một thời bắt đầu một giai đoạn thất truyền chưa ai đủ sức vực dậy nhưng nó cũng là thời điểm để hiện tượng mới lên ngôi.
Năm 2018 mới trôi qua ít ngày nhưng sự chú ý của bóng đá trong nước đổ dồn về CLB TPHCM bên cạnh U23 Việt Nam đang cận kề ngày khai mạc VCK U23 châu Á 2018.
Ngày 5/1, HLV Toshiya Miura ra mắt báo giới và truyền thông trong lễ nhậm chức HLV trưởng CLB TPHCM. Sau ngày hôm ấy, người ta nhận thấy cái tên của cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam vẫn đủ sức lôi kéo sự chú ý.
7 nội binh cũng lần lượt ra mắt, trong đó, 3 người là những cầu thủ rất chất lượng. Phi Sơn là đầu tàu trên hàng công của SLNA mùa giải trước. Vũ Ngọc Thịnh là tuyển thủ quốc gia, ngôi sao nội của Hải Phòng, còn Sầm Ngọc Đức vẫn là cái tên đầy chất lượng bên hành lang cánh. Bên cạnh đó, chuyên gia thể lực Martin Forkel cũng bén duyên với CLB sau khi hết hạn hợp đồng tại VFF.
Chưa hết, CLB TPHCM công bố bản hợp đồng với Rodrigo Possebon, người từng là đồng đội của Cristiano Ronaldo tại Man United giai đoạn 2008 – 2009. Sự nghi vấn về việc Possebon có thể tỏa sáng trong màu áo CLB TPHCM liên tục được đặt ra khi anh có chưa đến 100 trận đấu trong 10 năm qua.
Mới nhất, Gustavo Santos, tiền đạo 21 tuổi đến từ J.League 2, gia nhập CLB. Ngoài ra, CLB TPHCM còn đang nỗ lực nhập tịch cho Gonzalo Marronkle, ngoại binh đã có gần 1 thập kỷ chinh chiến tại V.League cùng Hà Nội FC.
HLV Toshiya Miura chia sẻ rằng ông muốn hiện thực hóa tham vọng nằm trong top 3 đội dẫn đầu của CLB tại V.League 2018. Một đội bóng xếp thứ 12 ở V.League 2017 muốn tăng ít nhất từ 7 đến 9 bậc ở mùa giải mới. Và đây mới là năm thứ 2 họ hiện diện tại V.League.
Còn nhớ năm 2017, Quyền chủ tịch Lê Công Vinh từng xuống sân trấn an người hâm mộ sau thất bại tủi hổ trước SLNA ngay trên sân nhà ở Cúp quốc gia. Anh khẳng định năm tới TPHCM sẽ đá đẹp hơn, nếu không “chính tôi sẽ không làm việc cho đội bóng nữa”.
Quyền chủ tịch Lê Công Vinh từng hứa giúp CLB TPHCM đá đẹp trong mùa giải 2018. Nguồn: Vnleague1.
Không vội bàn đến chất lượng ngoại binh, những cú áp phe của CLB TPHCM thời gian qua khẳng định tham vọng của đội bóng là có thật và họ đang hiện thực hóa nó bằng hành động. Khởi đầu là thanh lý hợp đồng với 13 cầu thủ để đón về 10 cái tên được cho là chất lượng hơn.
CLB TPHCM đang thu hút rất nhiều sự chú ý. Câu trả lời thật sự sẽ có ở mùa giải mới nhưng đánh giá ban đầu, họ sẽ là cái tên mạnh nhất ở khu vực phía Nam.
Trở lại khu vực phía Bắc, Hà Nội FC vẫn là “anh cả”. Họ chia tay 3 ngoại binh và sắp tới rất có thể là tiền đạo Hoàng Vũ Samson (sang Buriram United – PV), là CLB hiếm hoi sử dụng tốt nguồn nhân lực tự đào tạo với nhiều cầu thủ trẻ.
Quan trọng hơn, sự ổn định của Hà Nội FC là thứ khó có thể mua nổi. Kể từ khi vô địch V.League 2010, Hà Nội FC chưa một lần bị đánh bật khỏi top 3 đội dẫn đầu. Trong khi đó, Than Quảng Ninh vừa mất đi 3 cầu thủ quan trọng, trong đó có biểu tượng Vũ Minh Tuấn.
Khu vực miền Trung, Quảng Nam FC là đương kim vô địch nhưng FLC Thanh Hóa mới được nhắc tới nhiều hơn cả. Họ vừa đón ông Mihail Marian Cucchiaroni thay thế người tiền nhiệm Ljupko Petrovic. Sau đó, một loạt cầu thủ nội được đưa về trong đó, trung vệ Minh Tùng, tiền vệ Vũ Minh Tuấn, Văn Hiếu gia tăng chiều sâu cho đội hình sẽ chinh chiến ở 3 đấu trường V.League, Cúp Quốc gia và AFC Champions League.
Mùa giải 2018 cũng đánh dấu năm thứ 5 FLC Thanh Hóa đầu tư mạnh mẽ. Mục tiêu họ nhắm tới là top 3 nhưng chắc chắn tham vọng thật sự sẽ còn cao hơn thế.
Sự chuẩn bị trước mùa giải của FLC Thanh Hóa và CLB TPHCM là rầm rộ nhất. V.League 2018 còn khoảng 2 tháng nữa mới khởi tranh nhưng viễn cảnh một thế trận “kiềng ba chân” với Hà Nội FC, FLC Thanh Hóa và CLB TPHCM là những nhân vật chính chắc chắn sẽ khiến giải đấu thêm phần kịch tính và thú vị.
CLB Hà Nội
Mục tiêu: Vô địch
Những cầu thủ thuộc ĐTQG: Nguyễn Văn Quyết, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh
Những cầu thủ từng lên ĐTQG: Phí Minh Long, Phạm Thành Lương, Nguyễn Đại Đồng
Cầu thủ ngoại binh - Việt Kiều - nhập tịch: Oseni, Oloya Moses
CLB FLC Thanh Hóa
Mục tiêu: Top 3
Những cầu thủ thuộc ĐTQG: Vũ Xuân Cường, Bùi Tiến Dũng, Vũ Minh Tuấn
Những cầu thủ từng lên ĐTQG: Đinh Tiến Thành, Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Đình Tùng, Trần Đình Đồng, Ngô Hoàng Thịnh, Lê Văn Thắng, Mai Tiến Thành
Cầu thủ ngoại binh - Việt Kiều - nhập tịch: Pape Omar Faye, Nguyễn Van Bakel
CLB TPHCM
Mục tiêu: Top 5
Những cầu thủ thuộc ĐTQG: Âu Văn Hoàn, Vũ Ngọc Thịnh
Những cầu thủ từng lên ĐTQG: Trần Phi Sơn, Sầm Ngọc Đức, Nguyễn Hải Anh, Đặng Văn Robert
Cầu thủ ngoại binh - Việt Kiều - nhập tịch: Gustavo Santos Costa, Rodrigo Pereira Possebon, Đặng Văn Robert, Gonzalo Marronkle