SLNA và nghịch lý từ "mỏ vàng" bị bỏ hoang

thứ ba 2-2-2016 16:41:26 +07:00 0 bình luận
SLNA là trường hợp hiếm hoi của BĐVN giữ được bản sắc và bề dày truyền thống. Họ là ước mơ của cả V.League, với lực lượng CĐV hùng hậu chống lưng nhưng thật khó tin khi số tiền mà SLNA kiếm được từ chính khán giả và cộng đồng của mình chỉ là con số 0…

Hạnh phúc như SLNA

Chừng ấy năm bước lên sân chơi chuyên nghiệp, không biết bao nhiêu lần SLNA đã cố tình hoặc vô tình làm tổn thương CĐV ruột của họ. Nhưng rồi cũng hết lần này đến lần khác, tựa như điệu hò “Giận mà thương”, các CĐV xứ Nghệ vẫn luôn bao dung, dành một thứ tình cảm đặc biệt cho đội bóng quê nhà. Dù là bất kỳ ai, đang sinh sống và làm việc ở đâu, SLNA luôn là niềm tự hào và là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Nghệ.

SLNA

Với đặc thù là địa phương có nhiều lao động đang làm việc tại nước ngoài và trên khắp mọi miền đất nước, Hội CĐV SLNA hiện nay đang là một tổ chức có quy mô rộng khắp và mạnh mẽ với sức lan tỏa, khi có trên 300.000 thành viên trực tuyến. SLNA không chỉ nhận được sự yêu mến của người Nghệ mà người dân địa phương khác cùng dành rất nhiều cảm tình cho đội bóng áo vàng.

Chính vì vậy mà mỗi lần SLNA đặt chân đến đâu, nơi đó là một ngày hội. Trong bối cảnh các SVĐ ở V.League nhiều sân vẫn heo hút khán giả thì mỗi lần SLNA thi đấu trên sân nhà hay sân khách, khán đài luôn được nhuộm một màu vàng rực rỡ bởi hàng ngàn, hàng vạn chiếc áo SLNA. Có một điều ngạc nhiên, trong vô số những chiếc áo vàng ấy, tuyệt nhiên không hề có bất kỳ một chiếc nào được phân phối từ chính CLB SLNA

SLNA

Áo SLNA của những Nguyên Mạnh, Ngọc Hải, Phi Sơn… không chỉ xuất hiện trên sân bóng, nó còn xuất hiện ở bất kỳ hoàn cảnh, địa điểm nào, từ bộ đồng phục của các trường đại học và những người lao động xa nhà hay đơn giản một nhóm bạn, đồng hương đến cả… các trường mầm non. Năm 2013, Hội CĐV SLNA khiến cả V.League phải sửng sốt với hành động quyên tiền ủng hộ đội bóng giữ chân các trụ cột. Chỉ một ví dụ này thôi, đủ để hiểu được rằng bóng đá nói chung và SLNA nói riêng có vai trò quan trọng như thế nào đối với đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ.

Tiền tươi, thóc thật từ những chiếc áo

Có cầu, ắt có cung. Kể từ năm 2011 đến nay, những chiếc áo SLNA được các tiểu thương, các thành viên Hội CĐV SLNA phân phối tràn lan và hoàn toàn tự phát với giá trung bình 100.000 đồng – 300.000 đồng/bộ.

Dựa theo thống kê từ VFF và Hội CĐV SLNA về số lượng CĐV đến sân cổ vũ cho SLNA, nhu cầu mua áo SLNA của các CĐV xứ Nghệ sẽ vào khoảng 65.000 chiếc mỗi mùa giải. Nếu số lượng này nhân lên, doanh thu từ bán áo đấu và đồ lưu niệm của SLNA sẽ lên đến khoảng 6,5 tỷ đồng một năm. Tất nhiên, đây chỉ là những con số được tính với những điều kiện tối ưu nhất nhưng có cơ sở để tin rằng nếu khai thác thì SLNA có thể thu được gì, từ chiếc áo truyền thống.

SLNA

Tại các shop quần áo trên đường Đào Tấn ngay cạnh SVĐ Vinh, những chiếc áo SLNA chính là mặt hàng bán chạy nhất tại đây. Có những thời điểm, nhân viên bán 100 bộ mỗi ngày, trong khi có hàng chục cửa hàng cùng bán, chưa kể trường hợp bán trực tuyến trên mạng. Riêng Hội CĐV SLNA khu vực phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, TP HCM… các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp có nhiều lao động người Nghệ), nhu cầu áo lên đến hơn 20.000 chiếc được các tiểu thương tận dụng một cách triệt để. Và dĩ nhiên, lợi nhuận đó chảy về túi các cá nhân trong khi đội bóng xứ Nghệ vẫn “bình chân như vại”. Chưa kể đến áo, còn có khăn, áo ấm, mũ bảo hiểm, giày đá bóng…, tất cả các vật dụng cá nhân hay liên quan đến thể thao, miễn là có logo của SLNA, có màu vàng truyền thống đều được người Nghệ ở mọi lứa tuổi săn đón.

Hà Nội T&T, HAGL, Đồng Tháp, T.Quảng Ninh hay trước đó là Hải Phòng cũng đã thử nghiệm triển khai bán đồ lưu niệm phục vụ CĐV. Tuy nhiên, nó mới chỉ dừng lại ở mức thử và mục đích kéo khán giả đến sân. SLNA có hàng triệu CĐV làm điểm tựa, trong nước thậm chí cả ở các nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Nga... và để bỏ ra “một chút đỉnh” để khoác lên mình “chiếc áo quê hương” là cách họ thể hiện tình yêu của mình nơi đất khách quê người.

Câu chuyện chiếc áo đấu của đội bóng xứ Nghệ chỉ là một ví dụ điển hình cho nghịch lý ở SLNA, đội bóng vẫn bị mặc định gắn với nghèo khó dù bản chất, họ giàu có nhất BĐVN với nguồn lực vô hạn từ hàng triệu CĐV xứ Nghệ. 

Mỗi trận đấu sân khách hay sân nhà, CLB SLNA đều dành ra 2 triệu tiền vé cho các CĐV trong danh sách quản lý. Tuy nhiên, rất nhiều trận cầu đinh, BTC sân Vinh chỉ phân phối 2.000 vé cho NHM trong khi số vé qua đường công văn là 8.000 vé, dẫn đến tình trạng phe vé lộng hành và chiếc vé đến với các CĐV nhiệt thành đã tăng gấp cả chục lần giá gốc.

Năm 2013 trong thời điểm “chảo lửa Thành Vinh” nóng hừng hực với những trận đấu thăng hoa của Công Vinh và các đồng đội, một doanh nhân thành đạt là CĐV lâu năm đã đặt vấn đề tài trợ 2 tỷ đồng tiền sơn lại sân Vinh. Tuy nhiên, sau đó số tiền đó đã không thể đến với SLNA vì CĐV này quả quyết hỗ trợ “thóc” chứ không hỗ trợ tiền mặt.

Từng có thời điểm, lợi nhuận NH Bắc Á chỉ đạt 50 tỷ đồng/1 năm. Đến nay là năm thứ 7 “cưu mang” SLNA, con số 30 tỷ đồng/năm rót cho đội bóng xứ Nghệ từng được NH Bắc Á cân nhắc giảm xuống còn 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, bầu Hương vẫn giảm tiền tài trợ cho đội bóng xứ Nghệ. Chính vì vậy mà việc SLNA khai thác thương hiệu, bán áo cải thiện nguồn thu việc được nhà tài trợ đặc biệt khuyến khích, đó cũng là cách để SLNA giảm tải gánh nặng của nhà tài trợ và tiền ngân sách.

"Nhu cầu xem bóng đá lớn, mình đem quân đến và cống hiến cho người dân, đó là điều ý nghĩa. Việc họ bỏ ra 10 hay 20 ngàn đồng/trận không phải là lớn nhưng hàng chục ngàn người đến và đóng góp như vậy, SLNA sẽ có số tiền lớn để hoạt động, phát triển. Chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc điều đó, vì bây giờ là thời cơ thích hợp rồi”. - GĐĐH Hồ Văn Chiêm

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm