Với người Nghệ, mùa giải 2015 coi như đã kết thúc và thất bại, vấn đề bây giờ là “cuộc chiến” để tìm lối đi mới cho đội bóng.
Từ sự ra đi của Hữu Thắng
Khi đầu tư vào SLNA, NH Bắc Á đã mời “Khổng Minh xứ Nghệ” Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Hữu Thắng trở về để xây dựng lại. Bóng đá xứ Nghệ như bước sang trang khi có một nhà đầu tư cam kết gắn bó lâu dài, bên cạnh bộ máy tổ chức cũng được bố trí lại quy củ hơn. Đội bóng có thứ tự trên dưới, mọi người yên tâm cống hiến và điều đó giải thích vì sao chỉ trong 2 năm, SLNA thâu tóm mọi danh hiệu và trở lại với vị thế của một đội bóng lớn.
Đầu tư vào bóng đá và rất nhanh, NH Bắc Á là cái tên được định vị không chỉ trong cộng đồng người Nghệ. Tuy nhiên, khi đã đạt được mục đích, họ lại chọn một lối đi khác, thay vì đầu tư thêm để tiếp tục quảng bá hình ảnh. Sau 3 năm đầu, NH Bắc Á bắt đầu thắt chặt đầu tư với gói tài trợ chỉ còn 30 tỷ đồng/mùa. Tình thế buộc SLNA phải tinh giản biên chế và thực hiện cuộc vận động tiết kiệm quy mô lớn. Thậm chí với lò Sông Lam, nhà tài trợ này còn trả về cho UBND tỉnh và từ đây, lãnh đạo địa phương phải chấp nhận “phá rào”, chi 1 năm 20 tỷ cho công tác đào tạo trẻ.
Mọi rắc rối bắt đầu từ đây khi “nghèo thì hèn”, nhiều người để cái tôi của mình lên trên và nảy sinh mâu thuẫn. Đội bóng tồn tại theo kiểu vật vờ, không mục tiêu. Những con người có tâm, khát vọng mà HLV Nguyễn Hữu Thắng là lá cờ đầu đã liên tục đề xuất về sự thay đổi nhưng bị phất lờ. Không thể chấp nhận thực tại và không thấy tương lai, Hữu Thắng dứt áo ra đi với mong muốn mọi người nhìn thấy được những bất cập đã và đang tồn tại ở trong lòng SLNA để có phải tự thay đổi, tìm hướng đi mới, tích cực hơn.
Và sự cần thiết phải thay đổi
Cái may mắn với SLNA là ở chỗ, họ có con người và một cộng đồng yêu bóng đáng để ngưỡng mộ. Thế nên kể cả khi đôn lên rất nhiều cầu thủ trẻ và chắp vá bên cạnh một HLV còn ít kinh nghiệm như Quang Trường, đội bóng vẫn chơi tốt ở giai đoạn lượt đi nếu như không muốn nói là một điểm sáng ấn tượng.
Một SLNA dám từ bỏ lối chơi thiên về sức mạnh để uyển chuyển và đẹp hơn rất nhiều trong con mắt NHM là rất đáng ghi nhận, trân trọng.
Nhưng với người Nghệ và truyền thống hơn 30 năm của đội bóng, họ không thể chấp nhận một SLNA tồn tại theo kiểu vật vờ. Giống như mấy năm trở lại đây, đội bóng lại nóng lên với vấn đề của những cầu thủ ngoại. Tiền ít, cầu thủ kém chất lượng thì đã đành nhưng đằng sau đó là bao câu chuyện nghi vấn khiến cho chính nội bộ cũng nghi ngờ nhau. Bên cạnh cái khó, nhân tài cứ lũ lượt ra đi sau mỗi mùa giải. Thậm chí, biết đội bóng nghèo, không thể giữ chân, cầu thủ còn hợp đồng 1 năm thường giữ chân khiến SLNA bị thua những trận khó hiểu.
Rồi khi mùa giải đi về giai đoạn cuối, người Nghệ lại bị ám ảnh bởi cơ chế “xin – cho” với những trận đấu bị dư luận cho là bất thường. Chuyện “làm kinh tế” của SLNA trong khứ được đề cập rất nhiều và sau bao nhiêu năm, nó vẫn ám ảnh với những trận đấu làm “dậy sóng” dư luận khiến cho không ít người phải trăn trở và giờ lại thành cái tiếng với các cầu thủ trẻ.
Thực tế nảy sinh hành động và cũng khó trách những người trong cuộc nhưng kiểu tồn tại và phát triển như SLNA hiện nay không đáp ứng yêu cầu của một cộng đồng rất lớn người Nghệ yêu bóng đá. Nhu cầu thay đổi là cấp bách và ngay từ bây giờ, sức ép đã được tạo ra và nhiều khả năng những người có trách nhiệm sẽ phải lên tiếng.
LÂM VŨ
Nhà nước và nhân dân cùng làm?
Ngoài NH Bắc Á mong muốn tiếp tục gắn bó, có 2 tập đoàn kinh tế lớn khác cũng muốn nhảy vào đầu tư cho SLNA. Quyết định thế nào còn phải chờ cuộc họp sắp tới diễn ra ngày 08/09 do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì. Theo tìm hiểu của Thể thao 24h, nhiều khả năng SLNA sẽ phát triển theo mô hình của Thanh Hoá trước đây, khi nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư vào đội bóng hoạt động như một công ty cổ phần. Điều này sẽ chia sẻ gành nặng cho Bắc Á và các doanh nghiệp khác cũng có nhiều hơn cơ hội đầu tư vào Nghệ An.