Tôi nghĩ đây là điều đáng lẽ đội bóng phải triển khai lâu rồi. Tuy nhiên, việc kiếm nguồn thu từ việc bán áo đấu hay đồ lưu niệm còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa. Có thể lượng bán ra rất nhiều nhưng nguồn thu thì chưa chắc đã lớn như mong đợi. Vì CĐV SLNA nhiều tầng lớp lắm, từ học sinh, sinh viên hay công nhân lao động ở các vùng xa. Thực sự mà nói quần áo này chỉ bán được ở các vùng bà con người Nghệ đi làm xa xứ như TP.HCM, Bình Dương hay Hà Nội thì lực lượng học sinh, sinh viên và cán bộ công nhân viên chức ở khu vực đó rất đông. Rất khó để bán với bộ quần áo có chất lượng cao với giá 1 triệu được mà chỉ bán với giá vừa phải để phù hợp với tuỳ từng đối tượng thôi. Tôi nghĩ việc bán áo hay triển khai các hoạt động kinh doanh đơn giản chỉ là xây dựng được hình ảnh đẹp của CĐV xứ Nghệ trên khắp mọi miền chứ vẫn chưa thể trông mong vào việc kiếm tiền…”.
Với hiểu biết và cái nhìn sâu hơn, người gắn bó sâu sát nhất với SLNA gần 30 năm qua cho rằng theo điều cần bây giờ là SLNA phải có bước đột phá mạnh mẽ trong tư duy, cách làm:
“Muốn có sự phát triển bền vững thì không có cách gì khác ngoài việc phải thay đổi cách làm. Lãnh đạo tỉnh phải có cách làm khác, phải động viên được các doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn Nghệ An và các doanh nghiệp người Nghệ Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc cùng chung tay vào giống như cách làm của Thanh Hoá và một số địa phương khác.
Ví dụ như Bình Dương, nó không chỉ riêng gì một tập đoàn Becamex mà còn rất nhiều đơn vị khác cùng chung tay góp vốn. Còn nói thật nếu chỉ dựa vào Bắc Á thì rất khó khăn và suốt đời SLNA chỉ là phận ăn đong. Cứ vay đầu năm rồi cuối năm lại trả dần chứ Bắc Á không rót tiền một lần như các doanh nghiệp khác. SLNA có những cái khó khăn khi cứ làm một đồng, chi một đồng lại phải ra trình, thủ tục rất lằng nhằng và phải 1-2 tháng sau mới có tiền thì bắt buộc CLB phải đi vay. Và đi vay phải trả, thậm chí là phải vay nợ nóng để trả, thành ra là 30 tỷ nhưng cứ trả tiền lãi cuối cùng số tiền mà SLNA thu được cũng rất ít. Đó là cái khó thực sự của SLNA và không có cách gì khác ngoài phải thay đổi mới có hy vọng”, ông Thuật đúc kết.