Sau HAGL, Hà Nội FC có là điểm xuất ngoại cầu thủ mới của bóng đá Việt?

thứ năm 13-9-2018 10:36:14 +07:00 0 bình luận
3 năm trước, HAGL từng đưa những cầu thủ trẻ tốt nhất do chính họ đào tạo ra nước ngoài. Đến hiện tại và tương lai, vị trí đó của họ có thể được thay bằng nhà ĐKVĐ V.League 2018, Hà Nội FC.

3 năm trước, HAGL từng đưa những cầu thủ trẻ tốt nhất do chính họ đào tạo ra nước ngoài. Đến hiện tại và tương lại, vị trí đó của họ có thể được thay bằng nhà ĐKVĐ V.League 2018, Hà Nội FC.

Bài học từ Công Phượng, Xuân Trường

Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, Nguyễn Việt Thắng là những cầu thủ Việt đầu tiên xuất ngoại. Công Vinh được cho là thành công nhất, là người đặt nền móng cho vấn đề được coi là điểm chuyển mình, thay đổi da thịt của một nền bóng đá.

Sau những cái tên trên, HAGL cho ra mắt lứa đầu tiên lò đào tạo HAGL Arsenal JMG. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, bộ ba nổi bật nhất của thế hệ 1995 lần lượt được HAGL xuất khẩu ra nước ngoài. Ở độ tuổi 21, cả ba đông du tới Đông Á, nơi có hai nền bóng đá nổi bật nhất khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Sau HAGL, Hà Nội FC có là điểm xuất ngoại cầu thủ mới của bóng đá Việt? - Ảnh 1.

Lê Công Vinh (trái) và Chanathip Songkrasin là hai cầu thủ thi đấu tốt nhất tại nước ngoài của bóng đá Việt Nam và Thái Lan.

Phượng, Tuấn Anh, Trường lần lượt đặt chân đến Mito Hollyhock, Yokohama FC (J.League 2), Incheon United (K-League Classic). Những bước đi ấy được báo chí, người hâm mộ theo sát và từng gây bão trong năm 2016. Thế nhưng, sự kỳ vọng lớn lao không được đền đáp lại là bao.

Cả 3 đều không để lại nhiều dấu ấn, ít có cơ hội ra sân thể hiện mình. Khi được ra sân, dấu ấn họ đem lại cũng không quá đậm sâu. Công Phượng, Tuấn Anh lần lượt về nước chỉ sau 1 năm được đem cho mượn, Xuân Trường bám trụ thêm 1 năm nữa với đội bóng mới Gangwon FC nhưng mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu.

Sau những gì đã diễn ra, hàng loạt những phân tích, những mổ xẻ đã được đặt lên bàn, lên báo. Tại sao Trường, Phượng, Tuấn Anh không thành công? Ngoài trình độ chuyên môn, cầu thủ Việt còn thiếu thốn điều gì để trụ lại những giải đấu tầm cỡ ở Hàn Quốc, Nhật Bản?...

Việc đánh giá khả năng của một cầu thủ Việt cần phải xem lại. Thời điểm đưa cầu thủ ấy ra nước ngoài thi đấu cũng cần phải xem xét. Họ cần thêm cả sự quan tâm, không nên để họ đơn thương độc mã tới xứ người, tự mình làm mọi việc trong khi phông văn hóa giao tiếp còn nhiều thiếu thốn.

Bài học kinh nghiệm từ chính thất bại của những tài năng được cho là đáng kỳ vọng nhất, được đào tạo bài bản bậc nhất là nền tảng cho thế hệ sau này phải chuẩn bị kỹ càng hơn trước những chuyến xuất ngoại của mình.

Sau HAGL, Hà Nội FC có là điểm xuất ngoại cầu thủ mới của bóng đá Việt? - Ảnh 3.

Xuân Trường là người tiệm cận gần nhất đến thành công của Lê Công Vinh nhưng vẫn chưa thể đạt được như kỳ vọng. Phong độ thất thường của tiền vệ người Tuyên Quang thời gian gần đây lại khiến người hâm mộ thêm lo lắng trước thềm AFF Suzuki Cup 2018.

Hà Nội FC sẽ không đi theo vết xe đổ của ở phố Núi

Sau lứa 1995, HAGL chưa đào tạo ra thêm sản phẩm nào đủ tốt để tiếp tục nghĩ đến việc xuất ngoại. Thời thế đổi thay, Hà Nội FC giờ mới là người cầm cờ ở khoản này.

Nguyễn Quang Hải liên tiếp nhận được những lời đề nghị từ nước ngoài, gần nhất là CLB Renofa Yamaguchi (J.League 2). Hải "con" cũng đang ở tuổi 21 như Công Phượng, Xuân Trường 2 năm trước. Thế nhưng Hà Nội FC khác HAGL, họ giữ "báu vật" của mình. Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội khẳng định Quang Hải sẽ không đi đâu cả cho đến hết năm 2019.

Như vậy, Quang Hải sẽ trải qua thêm ít nhất 1 kỳ AFF Suzuki Cup, 1 kỳ SEA Games, 1 V.League, 1 AFC Champions League (nếu Hà Nội FC vượt qua vòng sơ loại thứ 2). Sau những gì anh đã giành được ở các cấp độ trẻ, ở V.League, giờ là lúc Hải vươn mình tới đội tuyển quốc gia, tới sân chơi châu Á.

Đó là lúc anh thoát khỏi vỏ bọc của một tài năng trẻ, chuyển tiếp lên thành một cầu thủ lớn. Nếu mọi thứ đi đúng theo quỹ đạo, Hải sẽ có tạm đủ kinh nghiệm và sự dạn dày trước khi đi tới một môi trường mới khác biệt hoàn toàn so với Việt Nam.

Sau HAGL, Hà Nội FC có là điểm xuất ngoại cầu thủ mới của bóng đá Việt? - Ảnh 4.

So với những cầu thủ của lò HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải không kém cạnh về tài năng lẫn trình độ chuyên môn. Ra nước ngoài thi đấu là cách để nâng tầm chính bản thân anh nhưng mọi thứ không được vội vã. Ảnh: Hải Đăng.

Không chỉ có Quang Hải, Hà Nội FC còn sở hữu ít nhất 2 cái tên khác đủ sức ra nước ngoài thi đấu. Đó là Đoàn Văn Hậu (1999) và Đỗ Hùng Dũng (1993). Một người là hậu vệ khác biệt nhất của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay. Người kia là mẫu cầu thủ tự ý thức về sự chuyên nghiệp, cần mẫn, thể lực và sức bền đủ tốt để chơi tại Nhật, Hàn.

Khi con đường chưa được khai phá, con người vẫn phải dò dẫm và vương nỗi sợ hãi thất bại. Trường hợp của HAGL, Hà Nội FC cũng như vậy. Khi ấy, sự chuẩn bị kỹ càng như cách người Thái trợ giúp Chanathip Songkrasin tới Consadole Sapporo cũng rất đáng để học hỏi.

Sau HAGL, Hà Nội FC có là điểm xuất ngoại cầu thủ mới của bóng đá Việt? - Ảnh 6.

Đoàn Văn Hậu trong tương lai cũng sẽ được CLB nước ngoài săn đón như Quang Hải. Ảnh: Trung Thu.

Tài năng và trình độ chuyên môn dĩ nhiên là yếu tố nền không thể thiếu, thậm chí vô cùng quan trọng nhưng không chỉ có vậy. Từ việc chuẩn bị cho ngoại ngữ tốt đến việc cử người đi cùng giúp cầu thủ hòa nhập với văn hóa và cộng đồng bản địa, đó đều là những sự chuẩn bị kỹ càng trong quá trình dò dẫm đường đi.

HAGL đã làm chưa tốt với Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh nhưng đó là bài học để Hà Nội FC nhìn vào và tránh dẫm đạp lên chính vết xe đổ ấy. Để những Quang Hải, hay Văn Hậu thật sự có một mùa giải đích thực ở Đông Á hay bất cứ nơi nào khác ngoài Việt Nam.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm