Khi mở Học viện HAGL Arsenal JMG vào năm 2007, bầu Đức gây chấn động cả làng bóng đá nước nhà. Ông chặt bỏ 5 hecta cao su đang chuẩn bị thu hoạch. Đó là quyết định táo bạo bởi thời điểm 2007-2012 được xem là thời kỳ hoàng kim của cao su và bầu Đức mất số tiền đáng kể.
Trong suốt hơn 10 năm xây dựng Học viện HAGL JMG, ước tính, số tiền mà bầu Đức bỏ ra lên đến hàng trăm tỷ đồng. Để “trồng người”, ông luôn ưu tiên HLV đi lên từ cầu thủ, có nhiều năm gắn bó với đội bóng. Thời điểm đó, dù chưa nổi danh nhưng số lượng HLV đào tạo trẻ “xếp hàng” để theo chân bầu Đức.
Để trụ lại, đã có không ít người phải trầy trật, một số khác ra đi trong tình cảnh ngậm ngùi. Tuy nhiên, theo thời gian, số lượng “thầy” vơi dần bởi cơ chế và sự chuyển dịch của kinh tế bầu Đức nói riêng và xã hội nói chung.
Trong số các HLV hiện tại dưới trướng của bầu Đức, HLV Guillaume Graechen có mức đãi ngộ 10.000 USD/tháng, tương đương với 230 triệu/tháng. Đây là mức lương mà bầu Đức chi trả cho nhà cầm quân người Pháp từ khi mở Học viện bởi ông thầy này được xem là hạt nhân để xây dựng cấu thành của đội bóng như hiện tại.
Tuy nhiên, Guillame Graechen là cái tên duy nhất nhận mức lương cao so với một HLV ở Việt Nam. Với các “thầy nội”, câu chuyện không hề đơn giản. Ngay ở đội 1, HLV trưởng chỉ nhận mức lương khiêm tốn khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nhìn sang các HLV nội khác ở V.League, nhà cầm quân của phố Núi thật nhỏ bé.
Mùa giải trước, khi còn tài trợ cho Thanh Hóa, để mời HLV Đức Thắng về cầm quân, đội bóng xứ Thanh cũng như Tập đoàn FLC chi ra số tiền gần 10.000 USD/tháng, tức khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, HLV Minh Phương về SHB Đà Nẵng với mức lương khoảng 3.000 USD/tháng hay như HLV Hoàng Văn Phúc cũng nhận mức lương 60-70 triệu đồng/tháng ở Quảng Nam. Mức lương như HLV Dương Minh Ninh nhận thuộc dạng thấp nhất ở V.League.
Thậm chí, số tiền 20 triệu đồng/tháng còn kém hơn cả 1 HLV ít tên tuổi đang hành nghề ở giải hạng Nhất. Minh chứng là mức lương của nhà cầm quân dẫn dắt đội hạng Nhất vừa trụ hạng thành công ở mùa giải 2018 là 30 triệu đồng/tháng. Hay như, một HLV phó thủ môn ở đội bóng hạng Nhất cũng đã “bỏ túi” 20 triệu đồng/tháng.
Mức chênh lệch giữa nhà cầm quân ở đội 1 HAGL so với mặt bằng chung ở Việt Nam khá thấp. Tuy nhiên, so với các đồng nghiệp ở đội chủ sân Pleiku, mức thu nhập đó còn khá… dễ chịu.
HLV phó cho đội 1 nhận ước chừng 10 triệu đồng/tháng hay các HLV nội làm đào tạo trẻ nhận không quá 10 triệu đồng/tháng. Thậm chí, HLV thủ môn cho các lứa trẻ nhận khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Sau sự ra đi của nhiều HLV nội, đội bóng phố Núi liên hệ để ngỏ lời mời gọi một số HLV về làm công tác đào tạo trẻ cho đội bóng nhưng đều nhận cái lắc đầu vì vấn đề… tiền.
Một HLV đang thất nghiệp, lại chưa có quá nhiều kinh nghiệm về công tác đào tạo trẻ cũng không đồng ý. Thương hiệu HAGL khá lớn nhưng lý do mà người này đưa ra chính là mức lương quá thấp để ngã lòng. Thay vào đó, ông chọn một công việc khác dù bấp bênh song mức thu nhập lại hấp dẫn hơn khá nhiều.
Tất nhiên, đó mới chỉ là mức lương “cứng” và một ông bầu hào phóng như bầu Đức có thể thưởng thêm cho bất cứ ai. Tuy vậy, nếu nhìn sang đồng nghiệp, các thầy của Công Phượng có thể cảm thấy chạnh lòng với mức lương như vậy.
Kỳ 3: Lò... không chân rết & nỗi khổ “đám nhỏ
>>> Kỳ 1: Những “cánh tay đắc lực” liên tiếp… “bye bye bầu Đức”