Người trong cuộc vẫn chưa giải quyết được, do đó ở góc độ quan sát, hãy cứ nhìn nhận một cách đơn giản nhất có thể. Bắt đầu bằng một ví dụ: Bạn mở nhà hàng dĩ nhiên muốn ăn nên làm ra. Vậy thì phải có sự khác biệt. Bạn quyết định thuê một đầu bếp người miền Nam, phục vụ các món ăn đặc trưng của miền Nam và có nghĩa sẽ có những chất liệu chế biến không có ở miền Bắc phải chuyển trực tiếp từ miền Nam ra, hay đồ ăn ngọt hơn khẩu vị quen thuộc cũng nằm trong tính toán.
Xu hướng của Premier League sử dụng HLV nước ngoài ngày càng nhiều và những HLV này theo lẽ tự nhiên sẽ tìm kiếm chất liệu – ở đây là mẫu cầu thủ – quen thuộc, phù hợp triết lý theo đuổi. Cuộc cách mạng Pháp của Arsene Wenger và Tây Ban Nha của Rafa Benitez trong quá khứ, hay mới nhất là việc Louis van Gaal đang đưa về những cầu thủ ông từng hợp tác cho chúng ta cái nhìn rõ nét nhất.
Tại sao Wenger, Benitez, Van Gaal rồi Jose Mourinho không ưa dùng cầu thủ bản địa? Từ ví dụ trên, cứ tạm hiểu vì tại Anh không có chất liệu họ cần và do vậy họ phải hướng sự tìm kiếm ra ngoài biên giới. Và đó là xu hướng không thể cưỡng khi mà Premier League đang trở thành thương hiệu phủ khắp toàn cầu.
Tầm như Premier League còn đang tranh cãi nhau thì V-League của người Việt một thời gian cứ ỏm tỏi chuyện các CLB dùng nhiều “Tây” cũng chẳng có gì lạ. Đội nào cũng cần vài “ông Tây” – dĩ nhiên không phải “Tây balo” và cũng không chỉ đơn thuần do tư duy “khoai lang kém ngon hơn khoai tây” trong xã hội Việt chúng ta. Đó là nhu cầu cấp thiết mang tính sống còn khi số nhiều cầu thủ bản địa chưa vươn tới đẳng cấp, tạm gọi như vậy, để có thể chơi sòng phẳng ngay trong nước chứ chưa nói đến châu lục.
Nhiều phương án đã được những người chịu trách nhiệm đưa ra nhằm hạn chế yếu tố “Tây” trong mỗi đội bóng, và một phần nào đó nó mang lại tác dụng. Tuy nhiên để gạt bỏ hoàn toàn ra khỏi tâm trí các HLV sự so sánh giữa ngoại và nội thì không phải chuyện có thể kết thúc ngày một ngày hai, và… không phải chuyện của NHM.
Q. NGUYÊN