Năm 2015, bầu Đức đã đưa ra một quyết định táo bạo. Ông nhấc toàn bộ lứa trẻ đang độ 19, 20 từ Học viện HAGL JMG lên chơi V.League. Kể từ đó, HAGL bắt đầu làm quen với cuộc đua trụ hạng. Nói như Minh Vương, anh "dành cả thanh xuân để trụ hạng". Cùng tình cảnh với tiền vệ sinh năm 1995, lứa 1 và lứa 2 của Học viện HAGL-JMG cũng nếm mùi chua chát này.
Để lý giải nguyên nhân HAGL mãi đua trụ hạng, có thể liệt kê ra nhiều lý do. Thế nhưng, việc mua sắm không đầu tư có thể coi là một trong những yếu tố cơ bản nhất. Đội bóng phố Núi có nhiều cầu thủ được đào tạo tốt nhưng "chỗ thừa, chỗ thiếu". Các học viên lò HAGL mạnh kỹ thuật, nhưng yếu sức mạnh, thể lực. Không những thế, HAGL thường cũng chỉ có sản phẩm tốt ở tuyến tiền vệ và hàng công. Hàng thủ của họ phải bù đắp bằng ngoại binh nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Các ngoại binh của HAGL những mùa giải gần đây thường để lại nỗi thất vọng. Mitja Morec, Lukanovic Darko, Osmar, Rimario, Josip Zeba, Kim Jin-seo, Mobi Fer không ai ở lại quá một mùa bóng. Masaaki Ideguchi là trường hợp hiếm hoi trụ lại đến 1 năm rưỡi. Trong khi đó, sự ra đi của Mobi Fer cũng khiến nhiều người tiếc nuối khi hậu vệ này đã giúp hàng thủ chắc chắn hơn nhiều ở mùa giải 2017 (chỉ để thủng lưới ... 43 bàn).
Mùa giải năm nay, các ngoại binh của HAGL thi đấu không tệ nhưng vẫn chưa thể được như kỳ vọng. Thủ thành Sietsma không thể tập trung cống hiến vì những vấn đề ngoài lề. Chevaughn Walsh là tiếc nuối lớn khi buộc phải thay thế bởi ở lượt về vì chấn thương, còn Kim Bong-jin cũng bỏ lỡ một số trận đấu vì lý do tương tự. Filipe Martins đá quá tệ và thường chỉ nhận được tiếng la ó trên khán đài.
Nhận xét về vấn đề ngoại binh của HAGL, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh đưa ra quan điểm thẳng thắn: "Những mùa giải gần đây, HAGL cũng đã chọn nhiều ngoại binh từ Châu Âu rồi cả Hàn Quốc nhưng chất lượng cũng rất bình thường. Rimario về Thanh Hóa lại là cầu thủ đá tốt nhất. Giai đoạn đầu ở HAGL, cậu ấy đá không tốt nên không được giữ lại nhưng về Thanh Hóa lại thể hiện được.
Nhưng nhìn chung, khâu tuyển chọn và giữ người của HAGL là không tốt, hầu như không có ngoại binh nào ở lại hơn 1 mùa. Chính vì thế, các cầu thủ ngoại đá cho HAGL không phát huy được năng lực. Đặc biệt, hàng phòng ngự rất yếu khi không có người chỉ huy. Thủ môn người Hà Lan cũng không thể cứu được cả hàng thủ.
Ở trên cũng không có trung phong giỏi, biết càn lướt. Thực ra, đây là đặc thù của HAGL. Học viện không đào tạo được các trung vệ giỏi, cao to, tiền đạo khéo nhưng cũng nhỏ người. Họ cũng thiếu một GĐKT có thể tìm mua những cầu thủ tốt ở các vị trí. Và điều này cũng phụ thuộc vào yếu tố tiềm lực kinh tế. Có thể nói, cả về định hướng đào tạo và mua sắm, HAGL đều bị thiếu dẫn đến rất đáng tiếc cho lứa này. Nhiều cầu thủ nội phải gánh cả phần ngoại binh".
Cầu thủ ngoại không chứng tỏ được tài năng, cầu thủ nội lại yếu ở một số vị trí. Từ đó, HAGL rất khó đá. Những năm đầu, đội bóng phố Núi chỉ tin dùng cầu thủ của lò HAGL-JMG và rất ít mua những cầu thủ nội khác. Phải tới 3 mùa gần đây, HAGL mới "mở cửa" nhiều hơn. Song, các cầu thủ nội đến với phố Núi đều có chuyên môn khá hạn chế.
Hàng thủ là nơi được ưu tiên bổ sung nhưng chỉ có thương vụ hỏi mua hụt Bùi Tiến Dũng từ Viettel là được đánh giá cao. Đăng Tuấn (từ Phú Yên), Tăng Tiến (từ Đắk Lắk) và cả Trương Trọng Sáng, Hoàng Lâm cũng đến từ giải hạng Nhất. Những cầu thủ này được mua về nhưng không thể giúp hàng phòng ngự của HAGL thay đổi diện mạo.
Nhiều năm nay, đội bóng Phố Núi vẫn mang danh là đội bóng lấy công bù thủ, dùng ngôi sao nội "gánh" ngoại binh. Đó không phải những tố chất của nhà vô địch, của đội bóng cạnh tranh danh hiệu. Và chừng nào HAGL chưa thay đổi, chừng ấy những ngôi sao như Minh Vương còn phải căng sức ra đua trụ hạng.