Sau 11 vòng đấu, V.League 2016 đang có lượng khán giả đến sân đông hơn mùa bóng năm ngoái, nhưng nghịch lý là giải đấu đang trở nên xấu xí với chuyện CĐV và trọng tài.
Từ cây để bóng, bảng chụp hình đến cái loa
Sau cuộc họp vào ngày 28/10/2015 tại TP.HCM, VPF đã có sự thay đổi về thượng tầng với việc TGĐ ông Phạm Ngọc Viễn nhường chổ cho TGĐ CLB B.Bình Dương – ông Cao Văn Chóng (tính từ ngày 13/11/2015). Cuộc thay đổi này đi kèm thông điệp muốn tạo nên sức sống mới cho VPF, xa hơn là giúp cho các giải bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN) Việt Nam phát triển tốt hơn từ cách tổ chức đến chuyện xây dựng hình ảnh trong mắt NHM.
Thông điệp đầu tiên được VPF gửi đi là chuyện mua bảo hiểm cho cầu thủ và trọng tài ở mùa bóng 2016. Một sự thay đổi được đánh giá rất cao, dù trên thực tế việc mua bảo hiểm bắt nguồn từ chuyện Quế Ngọc Hải lãnh án “độc nhất vô nhị” là phải đền toàn bộ viện phí do gây ra chấn thương cho Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng).
V.League 2016 đã có rất nhiều sự thay đổi, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Điển hình VPF yêu cầu các đội bóng để logo giải đấu trên cây để bóng, những đội chụp hình toàn đội với banner thì logo giải đấu nằm ở giữa. Sự thay đổi ấy gây bất ngờ là…VPF đang lặp lại những ý tưởng về chuyện quảng bá nhà tài trợ của Đồng Tháp ở mùa trước.
Một bất ngờ lớn ở V.League 2016 là VPF quyết định thử dùng bóng Grand Sport của Thái Lan, nghỉ chơi với Động Lực sau hơn cả chục năm gắn bó vì lùm xùm xung quanh chuyện tiền tài trợ. Tuy nhiên, sau 4 vòng đấu VPF lại dừng sử dụng bóng của Grand Sport và tái duyên Động Lực từ vòng 5. Sự thay đổi bóng thi đấu được ví như câu chuyện hài đầu tiên ở mùa bóng này.
Vòng 3 V.League 2016, VPF quyết định trang bị bình xịt tự hủy cho các trọng tài - một động thái cho thấy nỗ lực tăng tính chuyên nghiệp cho giải đấu của VPF. Thế nhưng khá bi hài là các trọng tài bắt đầu gặp vấn đề với bình xịt, điển hình như chuyện khán giả sân Gò Đậu được cười hả hê trước cảnh trọng tài loay hoay với bình xịt ở một tình huống thổi phạt trong trận đấu B.Bình Dương – HA.GL.
Đến vòng 9 (ngày 8/5), VPF áp dụng quy định "cooling break", cho phép các trận đấu nếu phải đá dưới thời tiết nắng nóng khắc nghiệt sẽ có quãng thời gian nghỉ ngắn trong mỗi hiệp. Quy định trên được VPF đưa ra sau vài ngày trận đấu giữa B.Bình Dương - FC Tokyo ở AFC Champions League có áp dụng “cooling break”.
Dường như VPF đã “học” rất nhanh, bởi những trận đấu trước đó tại miền Tây diễn ra như “hành xác” nhưng các cầu thủ đã phải “cắn răng” thi đấu, còn thời điểm áp dụng "cooling break" thì thời tiết đã bớt oi bức đi rất nhiều.
Đỉnh điểm sự thay đổi bất ngờ, và gây nhiều tranh cãi của VPF là cấm CĐV mang loa điện tử, dàn âm thanh vào khán đài kể từ vòng 11 V.League 2016. Quy định này của VPF khiến cho khán giả cả nước chứng kiến trận đấu mang tên: VPF và Hội CĐV Than Quảng Ninh. "Trận đấu" này đến hiện tại vẫn chưa chấm dứt.
Từ cây để bóng, bảng chụp hình, trái bóng đến cái loa...cho thấy VPF rất tích cực tạo ra những sự mới mẻ ở mùa này, nhưng phần lớn lại mang đến khó chịu cho đội bóng lẫn CĐV. Như Đồng Tháp bỗng dưng mất logo đội nhà trên cây để bóng, còn Hội CĐV Than Quảng Ninh đòi trả lại danh hiệu Hội CĐV xuất sắc nhất mùa được trao tặng trong năm 2014 và 2015…
Đến nỗi buồn V.League 2016
Theo những con số thống kê từ VPF, V.League 2016 đang có số lượng khán giả nhiều hơn 1.400 người so với lượng khán giả của 11 vòng đấu 2015, với 608.400 (trung bình: 7.901 người/trận) so với 607.000 người (trung bình: 7.883 người/trận). Nguyên nhân giúp mùa này có lượng khán giả cao hơn mùa trước là nhờ hiệu ứng từ “hiện tượng” Hải Phòng.
Trong 6 trận đấu trên sân nhà của Hải Phòng mùa này có tổng cộng 105.000 người, gần 1/6 tổng khán giả giải đấu sau 11 vòng đấu, có trung bình 17.500 người/trận. Riêng trận đấu với B.Bình Dương ở vòng 8 đạt kỷ lục 28.000 khán giả lấp đầy sân Lạch Tray. Không chỉ mang sức hút đặc biệt trên sân nhà mà CĐV Hải Phòng còn gây sốt trên sân khách như 2 trận đấu với FLC Thanh Hóa và Hà Nội T&T.
Nếu so với 11 vòng đấu V.League 2015, sân Lạch Trạch chỉ có khoảng 60.000 khán giả đến dõi theo 5 trận, với trung bình 12.000 người/trận và trận đấu có lượng khán giả cao nhất là 20.000 người (Hải Phòng và HA.GL ở vòng 4). Điều ấy chứng tỏ V.League 2016 đã ảnh hưởng rất lớn từ sức hút của đội bóng đất Cảng ở mùa này, khi sự chênh lệch trên sân Lạch Tray so với mùa trước lên đến 45.000 khán giả.
Dẫu vậy, giải đấu năm nay đã trở nên xấu xí với chuyện VPF và Hội CĐV Thanh Quảng Ninh có những tranh cãi liên quan đến dàn âm thanh cổ vũ. Cuộc tranh cãi này đã khiến V.League đứng trước nguy cơ mất đi những hình ảnh rất đẹp trên khán đài có các trận đấu của T.Quảng Ninh. Đó thực sự là điều đáng tiếc cho giải đấu.
Có một nghịch lý khác là sau 11 vòng đấu thì V.League 2016 chỉ có 12 thẻ đỏ, ít hơn rất nhiều so với 21 thẻ đỏ mùa trước, nhưng công tác trọng tài lại bị điều tiếng không hay có tần suất nhiều hơn. Nhiều sai lầm mang tính hệ thống của trọng tài điều hành tại V.League 2016, đặc biệt là những sai lầm "chết người" của các trọng tài ở vòng 9 đã khiến cho dư luận “dậy sóng”.
Tất cả cho thấy V.League 2016 đang có tổng khán giả dõi theo cao hơn mùa bóng 2015 nhưng hình ảnh giải đấu đã trở nên xấu xí, ít nhất về chuyện trọng tài và VPF "đấu" CĐV. Đó chính là nỗi buồn của mùa bóng năm nay, cũng là những vấn đề mà VPF cần phải khắc phục trong giai đoạn lượt về.
Số liệu chuyên môn 11 vòng đấu V.League 2015:
Tổng số bàn thắng: 218 bàn (trung bình: 2,83 bàn/trận)
Tổng số thẻ vàng: 343 thẻ (trung bình: 4,45 thẻ/trận)
Tổng số thẻ đỏ: 21 thẻ (trung bình: 0,27 thẻ/trận)
Tổng số khán giả: 607.000 người (trung bình: 7.883 người/trận).
Số liệu chuyên môn 11 vòng đấu V.League 2015:
Tổng số bàn thắng: 217 (trung bình: 2,82 bàn/trận)
Tổng số thẻ vàng: 286 thẻ (trung bình: 3,71 thẻ/trận)
Tổng số thẻ đỏ: 12 thẻ (trung bình: 0,16 thẻ/trận)
Tổng số khán giả: 608.400 người (trung bình: 7.901 người/trận).