“Là một trong những người đầu tiên làm công tác Hội, tôi thực sự trăn trở. Ngày ấy hoạt động cổ vũ trên sân còn đơn giản và chủ yếu mang tính tự phát. Sau này, từ nhu cầu của sự hưởng thụ, chúng tôi phát triển nó lên.
Rất vui là lớp trẻ cũng là những người tâm huyết và yêu bóng đá thực sự nên tiếp bước. Đến năm 2015 thì hoạt động cổ vũ trên các khán đài đã thực sự chuyên nghiệp. Không chỉ CĐV SLNA với những ngày hội ấn tượng mà nhiều Hội CĐV khác như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Đà Nẵng càng ngày càng bài bản, có tính tổ chức cao.
Nói thế để thấy rằng, các Hội CĐV đã có sự phát triển và thực sự tạo ra động lực rất lớn cho không chỉ cầu thủ mà còn của cả giải đấu. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, BĐVN dù lên chuyên nghiệp hơn chục năm nhưng năm này qua năm khác vẫn tồn tại những câu chuyện rất bi hài ở những vòng đấu cuối. Tôi thấy thương khán giả xứ Nghệ, bởi sau “cú sốc” ở Gia Lai họ vẫn tiếp tục đặt niềm tin để rồi vượt hàng trăm cây số từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ để đổi lấy những giọt nước mắt.
Tôi hiểu CĐV xứ Nghệ, họ yêu đội bóng, yêu cái tên và truyền thống hơn 30 năm CLB chứ không phải yêu những con người trên sân. Thế nên, họ vẫn bất chấp dù biết rằng, đôi lúc bị phản bội. Với người Nghệ xa quê, bên cạnh tự hào cái tên Sông Lam, họ đến với bóng đá bây giờ như là cái cớ, để tập hợp tôn vinh niềm tự hào địa phương.
Đó là sự khác biệt và cũng là thông điệp họ muốn gửi đến cầu thủ và những người có trách nhiệm ở đội bóng rằng, họ không quay lưng với đội bóng trong bất cứ hoàn cảnh nào nhưng đã làm nghề thì phải có tự trọng, bởi thật giả trong xã hội thông tin bây giờ, không khó để phân biệt”.
“Tất cả đều không muốn, lịch sử phát triển của CLB tiếp tục có những vết đen”, ông Hồng Phong đúc kết.
LÂM VŨ (ghi)