Đây không phải lần đầu trào lưu “sính đồ Hàn” du nhập vào bóng đá Việt Nam. Nhiều đội bóng tại đất nước hình chữ S từng có thời gian dài học hỏi và phát triển theo mô hình của xứ Kim Chi, nhưng rồi chỉ gặt lại con số mo. Không ít những ông thầy mang quốc tịch Hàn Quốc như Nam Dae-shik (CLB Bình Dương), Choi Yun-kyum (HAGL)… đã đến và ra đi trong sự lặng lẽ.
Trào lưu “sính đồ Hàn” trở lại!
Tuy nhiên, thành công liên tiếp của HLV Park Hang-seo trong năm 2018 bỗng giúp trào lưu tìm thầy Hàn cho bóng đá Việt Nam rầm rộ trở lại. Ông Park vô tình biến V.League trở thành “mảnh đất lành” để nhiều đồng nghiệp Hàn Quốc “kiếm kế sinh nhai”. Trước mắt, ba đội bóng HAGL, TP.HCM và CLB Viettel đang sở hữu những ông thầy người Hàn với bản CV hoành tráng trong đội ngũ “chất xám” nhằm nâng cao chuyên môn, yếu tố kỷ luật và tinh thần chiến đấu.
Trên tờ Fourfourtwo (phiên bản Hàn Quốc), nhà báo Hong Jae-min nhận định: “Sau thành công của HLV Park Hang-seo, xu hướng các ông thầy Hàn đến Việt Nam tìm thử thách là điều hiển nhiên. Mức lương không quá cao để các đội bóng Đông Nam Á, trong đó có V.League để tìm và mời chào HLV Hàn Quốc”.
Hay trong cuộc trao đổi với Webthethao.vn mới đây, ông Chung Hae-seong - tân HLV CLB TP.HCM chia sẻ: “Tôi phải gửi lời cảm ơn đến ông Park và đội ngũ phụ tá của ông ấy. Tất cả đã cho cả nước Việt Nam thấy được chất lượng của HLV, trợ lý và phục vụ Hàn Quốc như thế nào”.
Ông Chung và học trò tại đội bóng mang tên Bác có sự khởi đầu đầy suôn sẻ tại V.League 2019 khi đánh bại CLB Hải Phòng 1-0 trên sân Thống Nhất.
Một “nhà truyền giáo” Hàn Quốc khác là Lee Tae-hoon cũng gửi lời chào ngọt ngào trong ngày ra mắt V.League 2019. Ông Lee với vai trò Giám đốc kỹ thuật HAGL đã góp công giúp đội bóng phố Núi thắng đậm chủ nhà Khánh Hòa 4-1.
Cơ hội nhưng đồng nghĩa với thách thức lớn!
Tuy nhiên, ông Lee Heung-sil - tân HLV Viettel lại không có diễm phúc như ông Chung và ông Lee. Tân binh V.League 2019 nhận thất bại 1-3 trên ân CLB Đà Nẵng, trong ngày tuyển thủ Quốc gia Quế Ngọc Hải nhận thẻ đỏ.
Tìm cơ hội tại V.League 2019, các ông thầy Hàn không chỉ mang sứ mệnh truyền hình ảnh bóng đá Hàn Quốc rộng rãi đến khán giả mà còn muốn được nổi tiếng, muốn được thành công như ông Park. Thừa nhận, đấu trường V.League là “mảnh đất màu mỡ” nhưng đồng thời là “bùn lầy” nếu họ không nắm bắt thời cơ.
Như đã đề cập, nhiều đội bóng từng có thời gian mời thầy Hàn về nâng tầm đội bóng nhưng rồi "không đến nơi đến chốn". Nói đâu xa, ông Chung Hae-seong từng có 1 năm làm việc tại HAGL, trước khi về CLB TP.HCM. Tuy nhiên, dấu ấn của ông Chung để lại không quá lớn, nếu không nói là thất bại. Nhà cầm quân này từng nếm trải sự khắc nghiệt của V.League.
Ông Chung đang “yêu lại từ đầu” cùng V.League, khao khát biến CLB TP.HCM trở lại đúng với đẳng cấp và vị thế vốn có của đội bóng. Một tập thể chuyên nghiệp và giàu tính chất đấu là điều mà nhà cầm quân 60 tuổi muốn xây dựng.
“Khá lâu rồi tôi mới quay trở lại cương vị HLV trưởng, thời gian trước tôi chỉ làm việc cho Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc, rồi làm GĐKT cho HAGL. Bởi vậy, khi đến CLB TP.HCM có đôi chút sức ép. Nhưng tôi muốn giúp đội bóng này thành công và đúng với thực lực của họ hiện tại”, HLV Chung Hae-seong nhấn mạnh.
“Tôi luôn nhắc cầu thủ, chúng ta là người chuyên nghiệp. V.League là hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam và chúng ta đang chơi bóng ở giải chuyên nghiệp. Tôi hy vọng Ban huấn luyện và các cầu thủ phải ghi nhớ chúng ta là những người chuyên nghiệp và chúng ta phải làm những điều tốt nhất để khán giả ra sân Thống Nhất ủng hộ CLB TP.HCM”, ông Chung khẳng định.
Trào lưu nghe nhạc Hàn, dùng HLV Hàn đã và vẫn sẽ lan rộng nhờ thành công của Sơn Tùng trong lĩnh vực âm nhạc và HLV Park Hang Seo trong lĩnh vực bóng đá. Thế nhưng, vốn dĩ làm gì có công thức của thành công và người tài thực sự lại không phải nhiều vô biên như người ta vẫn tưởng tượng ra. Nên dù sao thì lúc này cũng chỉ có mỗi Tùng và ông Park. Còn nói vui thì: Khoa học vẫn đang "bó tay" trong việc nhân bản 2 cái tên đình đám này.