Bài toán “đầu ra”
Một trong những vấn đề mà nhiều người thắc mắc và đặt dấu hỏi, đó là việc giải quyết bài toán “đầu ra” như thế nào khi mà PVF chưa có đội 1 thi đấu chuyên nghiệp ở hạng Nhất, V.League như một số trung tâm, lò đào tạo khác.
Theo tìm hiểu của Thể thao 24h thì để giải quyết bài toán này, trước mắt vào trung tuần tháng 11 tới, PVF sẽ tham dự giải hạng Ba toàn quốc và theo lộ trình mùa giải 2016 hoặc 2017 sẽ góp mặt ở giải hạng Nhất QG.
“Chúng tôi hy vọng điều này là sự thật, bởi việc có đội bóng góp mặt ở hạng Nhất hay V.League sẽ giúp ích rất nhiều trong việc đào tạo như hiện nay. Đây không những là động lực để các em phấn đấu nhiều hơn nữa trong việc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp mà còn nhằm cho các em có ý thức gắn bó với trung tâm một cách bền lâu.
Mặt khác, điều này cũng sẽ giúp cho chuyên môn của các em phát triển tốt hơn. Bởi đối với các cầu thủ ở độ tuổi 19 – 20, khi được đôn lên đội 1 và cùng tập luyện, thi đấu với các anh lớn, được cọ xát trong một môi trường khốc liệt như hạng Nhất, V.League sẽ trưởng thành nhanh hơn.
Hơn nữa, việc có đội bóng thi đấu đỉnh cao, các em sẽ không phải lo lắng tương lai của mình sẽ đi đâu về đâu khi ra trường dù điều này được trung tâm đảm bảo sẽ giúp đỡ và hỗ trợ một cách tối đa…”, một HLV của PVF nhìn nhận.
Tất nhiên, như tôn chỉ đề ra thì song song với việc sẽ góp mặt ở sân chơi đỉnh cao, PVF đào tạo cầu thủ để chuyển nhượng cho các đội bóng khác, thậm chí là nước ngoài nếu có nhu cầu.
Tương lai nào chờ đón?
PVF là tổ chức phi lợi nhuận và mục tiêu là đào tạo ra cầu thủ có thể chơi chuyên nghiệp, khoác áo các ĐTQG trong tương lai càng nhiều càng tốt. Thế nên, theo như chia sẻ của GĐĐH Nguyễn Xuân Nam thì sẽ không có cái gọi là mua bán, chuyển nhượng vì mục đích lợi nhuận tại PVF.
“Khi thành lập PVF, chúng tôi chỉ với mục đích duy nhất là vì sự phát triển của BĐVN và vì vậy, những cầu thủ đào tạo ra nếu đáp ứng yêu cầu chuyên môn, có khả năng thi đấu chuyên nghiệp, nếu các đội bóng, CLB có nhu cầu thì chúng tôi sẽ chuyển nhượng miễn phí hoặc chỉ với giá tượng trưng…”, GĐĐH Nguyễn Xuân Nam cho biết.
PVF được hậu thuẫn bởi các công ty, đơn vị kinh tế như Quỹ Thiện Tâm, Công ty CP Đầu tư và Thương mại PFV, Công ty TNHH MTV Vinpearl. Bởi vậy, không khó hiểu cho những gì mà ông Nam lý giải về mục đích và tôn chỉ đào tạo. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn là liệu chủ trương này sẽ duy trì được bao lâu và PVF tồn tại ra sao khi mà hàng năm phải tiêu tốn một nguồn kinh phí khổng lồ đến gần cả trăm tỷ đồng, trong khi “đầu ra” lại chưa có, chuyển nhượng, mua bán lại không đặt nặng chuyện lợi nhuận.
Tương lai nào đang chờ đón PVF, có lẽ thời gian mới là câu trả lời chuẩn xác nhất…
PHẠM HỒ
Tính đến thời điểm này, PVF đã giới thiệu được 5 cầu thủ về khoác áo đội trẻ ở địa phương khác. Đó là Thế Tý, Minh Hoàng, Cao Danh, Quốc Khánh và Nhật Tân – những cầu thủ sau khi qua tuổi 15 không đáp ứng yêu cầu chuyên môn để tiếp tục đào tạo đỉnh cao và được giới thiệu về Khánh Hòa, giúp đội bóng phố Biển góp mặt ở VCK giải U.17 QG năm 2014 tại Huế.
Trong danh sách ĐT U.19 VN tập trung chuẩn bị cho giải U.19 Đông Nam Á 2015 tại Lào sắp tới, PVF đóng góp đến 8 cầu thủ gồm Tiến Dụng, Trọng Hóa, Lâm Thuận, Minh Dĩ, Đức Chinh, Văn Hòa, Việt Anh và thủ môn Thanh Tuấn.
“Bên cạnh việc đào tạo cầu thủ có thể chơi chuyên nghiệp, khoác áo các ĐTQG, chúng tôi cũng có những kế hoạch của riêng, đặc biệt là vấn đề “đầu ra”. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể như thế nào thì tôi chưa thể nói ra lúc này, bởi đây là vấn đề bảo mật. Với tư cách là người chịu trách nhiệm quản lý trung tâm và trực tiếp làm việc với lãnh đạo cấp cao hơn, tôi chỉ có thể khẳng định, mọi thứ đều được tính toán và sắp xếp đâu vào đấy cả rồi. Hãy đợi chúng tôi thêm 2-3 năm thì sẽ thấy như thế nào…”,
GĐĐH Nguyễn Xuân Nam phủ nhận khả năng không có đầu ra.